Tổng tài sản giảm, an toàn hệ thống ngân hàng tăng
Theo các chuyên gia, vốn tự có của các TCTD và công ty tài chính giảm trong thời gian qua chủ yếu là do các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro và tập trung xử lý nợ xấu. Do đó, mặc dù tổng tài sản giảm nhưng số liệu về nợ xấu đang có xu hướng cải thiện cho thấy các ngân hàng đang quyết liệt hơn với vấn đề xử lý nợ xấu và tái cấu trúc.
Có nên quan ngại?
Theo số liệu mới công bố của NHNN về một số chỉ tiêu cơ bản của các TCTD, tổng tài sản của các ngân hàng giảm trong tháng 1 vừa qua. Mức vốn tự có của toàn hệ thống cũng giảm 3,79% so với cuối năm 2012, trong đó, mức giảm diễn ra mạnh hơn ở khối NHTMCP (giảm 7,53%).
Thoạt nghe về việc tài sản của các ngân hàng có sự giảm sút, mọi người có thể sẽ có ít nhiều quan ngại. Tuy nhiên, qua tham vấn của các chuyên gia tài chính ngân hàng, điều này là bình thường, thậm chí cho thấy hệ thống ngân hàng đang từng bước lành mạnh, an toàn hơn.
Thời gian qua các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu
|
Theo TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, hiện tượng tổng tài sản giảm bên Mỹ có một cụm từ gọi là deleveraging (tạm dịch là giảm nợ), tức là làm số nợ trong hệ thống kinh tế, hệ thống ngân hàng giảm đi. Hiện tượng này được thể hiện rất rõ tại các nền kinh tế phát triển trong thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Thậm chí tại Mỹ, một số ngân hàng cho đến gần đây vẫn trải qua quá trình này. Nhiều nhà kinh tế quốc tế đã đưa ra kết luận, trong thời kỳ khó khăn thì các ngân hàng nên giảm lượng tín dụng cho vay và tài sản xuống.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến tổng tài sản giảm là do sự sụt giảm doanh thu về dịch vụ, tín dụng, đầu tư… của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác cũng có thể khiến tổng tài sản của các ngân hàng giảm là sự trầm lắng (so với trước đây) của thị trường liên ngân hàng và việc các ngân hàng không còn “mải mê” cố nâng quy mô số dư tín dụng tuyệt đối của mình lên để được tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao hơn như trong thời gian trước đây.
“Lượng tín dụng trong nền kinh tế giảm đi khiến tài sản của các ngân hàng giảm theo là điều bình thường” - TS. Alan Phạm cho biết. Chuyên gia này lý giải, hiện thời, lượng tiền cho vay của các ngân hàng không được nhiều - thể hiện là TTTD 2 tháng đầu năm âm - thành ra trên các bảng cân đối tài chính của các ngân hàng không đẩy thêm nợ lên được nữa, tức là họ không cho vay ra được nhiều nữa. Khi cả phía ngân hàng – người cho vay và doanh nghiệp – người vay đều không có động lực cao về tín dụng thì quá trình giảm tài sản tất yếu sẽ diễn ra.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, vốn tự có của các TCTD và công ty tài chính giảm trong thời gian qua chủ yếu là do các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro và tập trung xử lý nợ xấu. Do đó, mặc dù tổng tài sản giảm nhưng số liệu về nợ xấu đang có xu hướng cải thiện cho thấy các ngân hàng đang quyết liệt hơn với vấn đề xử lý nợ xấu và tái cấu trúc.
Báo chí gần đây trích thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm từ 8,6% vào quý I/2012 xuống mức 6% vào cuối tháng 2/2013. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức nợ xấu giảm là do 2 lý do: Thứ nhất, các ngân hàng đã xử lý các khoản nợ xấu bằng nguồn dự phòng; thứ hai, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ trong nửa cuối năm 2012.
Theo số liệu từ NHNN, vốn tự có của các ngân hàng giảm nhẹ nhưng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn ở mức rất cao. Trong các loại hình TCTD, hiện chỉ có nhóm các công ty tài chính, cho thuê là có mức CAR ở mức 8,67%, còn lại đều có hệ số CAR ở mức trên 10%.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hệ số CAR như vậy là tốt, tạo nên tính an toàn cho hệ thống ngân hàng. Cũng theo thông tin của NHNN, hiện hệ số CAR của toàn hệ thống ở mức 13,63%. Đây là những yếu tố rất quan trọng giúp cho từng ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung có gối đệm an toàn để phòng chống rủi ro khi toàn hệ thống thực hiện mạnh mẽ chương trình tái cơ cấu, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Hệ thống sẽ an toàn hơn
“Giảm nợ là điều đáng khuyến khích vì sẽ giúp cho các ngân hàng đỡ rủi ro hơn” - TS. Alan Phạm nêu quan điểm và nhận định: “Nếu mức giảm lên tới 5-10% thì có thể gây khó khăn thực sự cho nền kinh tế”, nhưng nếu giảm nợ ở mức 2-3% thì tôi nghĩ là bình thường. Tất nhiên, nếu mức giảm nhiều quá thì có thể xảy ra quá trình thắt tín dụng, tức là ngân hàng lúc này chỉ đòi nợ về mà không cho vay ra.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Tổng tài sản giảm không có nghĩa là hệ thống kém an toàn đi. Quan trọng là phải duy trì được hệ số CAR ở mức cao trên 9% và càng cao thì càng tốt”.
Về xu hướng biến động tổng tài sản của các ngân hàng thời gian tới, TS. Alan Phạm cho rằng, tình hình sẽ phụ thuộc vào tiến triển của tiến trình giải quyết nợ xấu. Nếu nợ xấu được tập trung giải quyết mạnh mẽ và tỷ lệ nợ xấu giảm xuống thì các ngân hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong mở van tín dụng cũng như mạnh dạn tìm kiếm các kênh đầu tư hơn.
Đồng thời, với các DN khi nợ của họ được giải quyết hoặc được tái cấu trúc thì bảng cân đối tài chính của họ sẽ cải thiện hơn và nhu cầu vay vốn sẽ tăng, nhất là khi hàng tồn kho giảm xuống. “Khi cả hai bên đều có động lực vay và cho vay thì sẽ giúp cho TTTD tốt hơn” - chuyên gia này kết luận và ví von: “TTTD ở mức hợp lý là rất quan trọng vì có thể ví nó như dầu nhớt giúp cho bộ máy kinh tế vận hành êm ái”.
Và đương nhiên kéo theo đó, quá trình giảm tổng tài sản của các ngân hàng sẽ chậm lại. Chuyên gia này còn dự báo, nợ xấu càng được giải quyết nhiều thì việc giảm nợ cũng sẽ càng chậm lại và thậm chí có thể tổng tài sản của các ngân hàng còn bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên quá trình này theo ông sẽ phải từ 6 tháng đến 1 năm nữa.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|