Tín dụng ngoại tệ âm do cầu kéo chưa cải thiện
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần thúc đẩy việc giải quyết nợ xấu. Khi những vấn đề cơ bản được giải quyết, cơ thể ngân hàng lành mạnh rồi và cùng với lãi suất hợp lý hơn, các điều kiện vĩ mô khác tốt hơn thì chắc chắn hoạt động tín dụng sẽ có những cải thiện.
Cùng với các yếu tố vĩ mô khác, giải quyết nợ xấu là yếu tố quan trọng giúp tín dụng ngoại tệ cải thiện. Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng với Thời báo Ngân hàng liên quan đến vấn đề này.
Theo ông tín dụng ngoại tệ trong 2 tháng đầu năm nay giảm do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó phải kể đến một số yếu tố chủ yếu. Thứ nhất, lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay không còn hấp dẫn như trước nữa. Trước đây, lãi suất vay ngoại tệ rất thấp so với lãi suất tiền đồng nên đã khuyến khích những DN có nhu cầu và đủ điều kiện vay. Đến nay, lãi suất ngoại tệ so với tiền đồng tuy vẫn thấp hơn nhưng rõ ràng không còn khoảng cách quá xa như trước đây. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn nên cũng làm giảm nhu cầu của người vay.
Nhưng yếu tố có lẽ quan trọng nhất là nhu cầu của nền kinh tế thấp kéo nhu cầu vay và cho vay, trong đó có nhu cầu vay và cho vay ngoại tệ giảm xuống. Những năm trước nền kinh tế trong tình trạng nhập siêu thì số ngoại tệ dùng để nhập khẩu rất cao, còn trong lúc này khi tổng cầu giảm rất nhiều nên những DN nhập khẩu có nhu cầu ngoại tệ cũng giảm đi. Nhất là 2 tháng đầu năm nay vẫn xuất siêu nên lượng vay ngoại tệ giảm.
Vậy tín dụng ngoại tệ âm có phải là dấu hiệu đáng lo ngại?
Cùng với việc tăng trưởng âm của tín dụng tiền đồng thì cho đến bây giờ hiện tượng này cũng chưa đáng lo ngại. Thế nhưng đây rõ ràng là điều mà mọi người cũng không mong muốn. Để năm nay có một sự tăng trưởng khá thì đáng lý ra những tháng đầu năm như thế này (sau khi 1 năm mà tín dụng chỉ tăng được gần 9%) thì người ta mong đợi tín dụng sẽ tăng. Vì vậy, đây là vấn đề mà chắc là mọi người cũng đang quan tâm.
Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) chung là 12% cho năm nay có đạt được?
Tín dụng năm nay nếu tăng được ở mức 12% đi cùng với chất lượng tốt thì là điều rất đáng mừng. Nhưng nếu tăng trong tình trạng nền kinh tế vẫn trầm lắng và tín dụng mới có chất lượng không tốt thì việc cố đạt được con số trên là điều không nên. Vì vậy theo tôi, vấn đề không phải là con số ấy có đạt được hay không mà là ở chất lượng tín dụng ra sao. Do đó, nếu năm nay không đạt TTTD 12% thì cũng không phải là điều thất vọng. Ngược lại, nếu chỉ đạt 8-10% nhưng có chất lượng thì có lẽ vẫn có ý nghĩa hơn.
Để giúp thúc đẩy tín dụng ngoại tệ thời gian tới, ông có đề xuất gì?
Có 2 vấn đề tồn tại từ lâu ảnh hưởng đến tín dụng nói chung và tín dụng ngoại tệ nói riêng: Một là lãi suất vẫn còn cao và hai là vấn đề nợ xấu. Cùng với quá trình tiếp tục ổn định KTVM, tôi cho rằng lãi suất cần tiếp tục giảm xuống.
Đồng thời, cần thúc đẩy việc giải quyết nợ xấu. Bởi nếu vấn đề nợ xấu không được quyết liệt giải quyết thì các ngân hàng có lẽ sẽ quan tâm hơn tới vấn đề “giữ cửa” để khỏi mất vốn, khỏi thua lỗ về tín dụng thay vì “hăng hái” đi tìm khách hàng mới để cho vay ra. Khi những vấn đề như vậy cơ bản được giải quyết, cơ thể ngân hàng lành mạnh rồi và cùng với lãi suất hợp lý hơn, các điều kiện vĩ mô khác tốt hơn thì chắc chắn hoạt động tín dụng sẽ có những cải thiện.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện
thời báo ngân hàng
|