Tỉ giá và những nỗi lo...
Chỉ trong một thời gian ngắn sau Tết nguyên đán, tỉ giá đã phát tín hiệu leo thang và có lúc đạt mốc giá mới với trên 21.000VND/USD. Tuy nhiên, sau sự can thiệp của NHNN, đường giá của VND/USD đã trở nên bình tĩnh, nhưng DN vẫn còn đó những nỗi lo...
Trong một cuộc trò chuyện với các chuyên gia và DN Tân Xuân 2013, DĐDN đã ghi nhận ý kiến lo ngại về biến động tỉ giá có thể xảy ra trong năm 2013, mà chủ yếu các nhân tố như tác động lạm phát cao sẽ trở lại, việc quản lý vàng và các mức chênh lệch giá giữa quốc tế/ trong nước có thể tạo kẽ hở cho nhu cầu buôn lậu vàng... kéo tỉ giá cặp ngoại tệ cơ bản VND/USD lên cao. Dầu vậy, nhìn một cách dài hơi về các diễn biến của kịch bản kinh tế 2013, nhiều chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng rất khó có khả năng điều chỉnh phá giá đồng nội tệ với biên độ lớn.
Phá giá: Chuyện bình thường
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, điều đầu tiên ông muốn nhấn mạnh là việc DN và người dân hiểu như thế nào phá giá đồng nội tệ. “Phá giá là một chuyện mà hàng năm chúng ta đều làm, không có năm nào là NHNN không làm, chỉ có khác là biên độ nhiều hay ít. Nhìn nhận như vậy thì sẽ thấy hai chữ “phá giá” không phải là quá mức nghiêm trọng và cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề”. Trên quan điểm đó, ông Nghĩa cho rằng tỉ giá năm 2013 sẽ chỉ biến động trong biên độ 2-3%, theo đúng định hướng điều hành tỉ giá năm 2013 của NHNN mà ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN, đã khẳng định.
Lý giải cho dự báo này, ông Nghĩa nói: Hiện nay, hệ thống NHNN không chỉ thừa vốn VND, mà còn thừa cả ngoại tệ. “Nhiều ngân hàng đang thừa vốn, không tìm được DN tốt để cho vay. Nội tệ ứ lại, còn ngoại tệ lại phải đi gửi ở NH nước ngoài kiếm lãi suất rất thấp. Cho vay trong nước không tìm được DN vì các DN tốt hiện đang hoạt động, đang xuất khẩu, đang duy trì lực lượng lao động thì không muốn vay; các DNNVV muốn vay thì đang có những khoản nợ xấu ngáng đường, rồi họ cũng không còn tài sản để thế chấp. Điểm nghẽn của nền kinh tế khiến NH huy động được lượng vốn lớn tiền gửi, các NH thừa thanh khoản nhưng nền kinh tế không hấp thụ”.
Đây có thể là một nhận định rất lạc quan về thanh khoản của hệ thống NHTM năm 2013. Tuy nhiên, cũng chỉ ra sự lạc quan đang ở một chiều: Các NH có thể thừa thanh khoản nhưng DN lại vẫn đang khát tiền. Mặt khác, ngay cả khi thừa thanh khoản và phải gửi ngoại tệ ra nước ngoài hưởng lãi suất kỳ hạn thấp, các NH cũng không tránh khỏi có lúc “tát nước theo mưa”, tranh thủ khi thị trường ngoại tệ có biến động, lập tức tham gia mua vào với động cơ có thể nhằm tích trữ - vẫn theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa. Bên cạnh đó, một giả thiết khác cũng đã được CTCK Bản Việt đưa ra, là việc các NHTM tham gia mua vào ngoại tệ mạnh mẽ khiến tỷ giá lên sóng thời gian hồi đầu năm, còn có mục đích nhằm nỗ lực phục hồi trạng thái bán khống USD do trước đây các NH đã bán USD để có chi phí vốn bằng tiền đồng giá rẻ, cho vay.
Tỉ giá... với giá điện
Trở lại với nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa, một khi hệ thống NH dư thừa thanh khoản (thực), thì lý do cho khan hiếm ngoại tệ, dù “ảo” cũng không có đất sống. Hơn nữa, NHNN hiện đang điều hành các chính sách tiền tệ với “cái đầu nguội” của người giữ “ghế nóng” Thống đốc: Kiên trì theo lạm phát mục tiêu, chứ không vì bất kỳ mục tiêu nào khác. Điều này hẳn cũng sẽ có ý nghĩa tác động lên đường đi của tỷ giá ngoại tệ trong thời gian tới, khi khả năng lạm phát xảy ra vượt mức 1 con số có thể xem là trường hợp “bất khả” và theo đó, sức tác động ngược lại từ lạm phát để điều chỉnh tỷ giá với biên độ lớn sẽ hẹp đi.
Nhưng việc gì cũng có hai mặt. Điều hành tiền tệ theo mục tiêu duy nhất là lạm phát có thể sẽ khiến hệ thống tín dụng vẫn sẽ khó tránh các điều tiết giật cục do biến động của lạm phát. Chưa kể các nhân tố tác động vào rổ tính chỉ số giá tiêu dùng, đôi khi cũng nằm ngoài tầm dự tính của các cơ quan quản lý. Biến động CPI tháng 9/2012 là một ví dụ. Và vẫn với nguyên do đó, CPI năm 2013 liệu có hoàn toàn tránh được các cú sốc đột ngột khi theo thống kê, hiện còn có tới 10-15 thành phố, trong đó có các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế? Hơn nữa, giá điện dự kiến điều chỉnh lên mức 7% và Chính phủ dự kiến thực thi điều này trong thời gian ngắn, theo như thông tin mà Bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt đưa ra nhân chuyến thăm Hà Nội và gặp gỡ một số quan chức trong đó có Bộ Tài Chính, NHNN và Tổng cục Thống kê, chắn sẽ là tin “sốc” với nhiều DN. Thậm chí, còn có sức mạnh khiến những dự báo về triển vọng lạm phát dưới một con số, sẽ phải nhìn nhận lại.
Mặc dù thận trọng, điều chỉnh dự báo của Bản Việt về mức tăng CPI chỉ từ 6-7% lên 7-8% do các chính sách nới lỏng nhanh chóng của Chính phủ, nhưng nguy cơ giữa biến động giá điện và tỉ giá vẫn trở thành nỗi lo kép của DN. Khi giá điện tăng, lạm phát tăng, chắc chắn tỉ giá sẽ phải tăng. Sức tác động của các điều chỉnh này, theo kinh nghiệm của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội ngành thép VN, là rất lớn. “Riêng với ngành thép, điện đang chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép và chiếm khoảng 1% với các thép thành phẩm khác, do đó chỉ cần giá điện tăng 2% là đã khiến DN thép khó khăn. Giá thép tăng, trong lúc ngành BĐS khó khăn, DN thép càng khó cạnh tranh và dẫn đến thua lỗ phá sản. Đây sẽ là khó khăn dây chuyền có ý nghĩa tác động đẩy sức mua lùi xuống đáy khi ngành này đang chiếm tỷ lệ sử dụng nhân công lao động khủng”.
Và ẩn số
Như vậy, trong muôn vàn cái khó đang hiện diện, dù NHNN đã đưa ra biên độ có thể điều chỉnh tỉ giá cho suốt năm, câu chuyện tỉ giá vẫn là một ẩn số đối với các DN hoạt động xuất khẩu – mũi nhọn chiếm khoảng 70% GDP VN. Nhiều DN còn bày tỏ lo ngại về mức độ cam kết tỉ giá biến động trong 2-3% mà NHNN đưa ra năm nay, “không có vẻ chắc chắn như năm 2012”. “Thêm vào đó, năm 2012, một số cam kết của NHNN như đưa các khoản vay cũ về dưới 15%, hay DN nào có hoạt động kinh doanh và dự án khả thi mà không vay được vốn, bị NHTM nào o ép, có thể trao đổi trực tiếp lên Thống đốc... đã không được thể hiện trọn vẹn, cũng khiến niềm tin của DN bị lung lay” - ông Đỗ Công Thanh – Giám đốc Cty TNHH TMDV Gỗ Công Thành, nói.
Cũng theo ông Thanh, hầu hết các DN gỗ năm qua vẫn đều phải chịu lãi vay rất cao, điển hình như Gỗ Trường Thành – một DN đầu ngành vẫn chịu lãi vay bao gồm chi phí 17-18%, còn các DN nhỏ như ông thì phải chịu thêm 1-2% chi phí lãi nữa. Việc vay vốn USD với các DN có hoạt động nhập khẩu một chiều, cụ thể nhập ván gỗ MDF của Đài Loan, Thái, Indonesia…, đặc biệt không được các NHTM tạo điều kiện dễ dàng, và bắt buộc phải tham gia mua bán trên thị trường hối đoái, do Công Thành không có đơn hàng xuất khẩu mà chỉ nhập hàng về gia công bán buôn, bán lẻ tại nội địa. Đây cũng là cái khó khi vay ngoại tệ của hầu hết những DN không có đơn hàng xuất khẩu.
Bản thân DN xuất khẩu cũng không thể kê gối ngủ yên với tỷ giá trong kế hoạch kinh doanh đầu năm. Theo nhiều DN, hiện tại, Thông tư 03/2012-NHNN quy định siết ngoại tệ cho vay tuy đã được Bộ Công Thương kiến nghị NHNN lùi thời điểm hiệu lực, không bắt đầu ngay từ tháng 1/2013 nhưng thực tế, vẫn chưa được NHNN có phản hồi chính thức. Do đó, một số NH vẫn đang xét các điều kiện cho vay của DN theo kiểu “vừa xét vừa trông chừng”, chờ xem NHNN có điều chỉnh, thông tư, văn bản sửa đổi Thông tư... hay không và “ách” lại hồ sơ của DN. TGĐ một NHTM thừa nhận: “Không trách khi chính DN cũng phải sốt ruột mua USD tích trữ trong thời gian qua, tránh gặp khó khi Thông tư 03 chính thức thành gọng kìm siết lại. Trong khó khăn, chỉ cần lách được tý nào hay tý đó, nên các DN xuất khẩu vừa được thanh toán đợt cuối năm đã tranh thủ tích lũy vốn ngoại tệ cho đơn hàng năm mới, nhằm tránh bị động cũng dễ hiểu”.
Tránh bị động là điều các DN luôn mong mỏi. Nếu thực sự tỉ giá không có nhiều biến động, và mở rộng ra nếu các điều kiện vĩ mô sẽ sớm phục hồi tốt hơn và các chính sách vĩ mô không có biến động hay can thiệp quá nhiều, DN sẽ luôn chủ động được tốt hơn trong làm ăn. Dầu vậy, vẫn còn một điều mà các DN muốn tránh, và các cơ quan quản lý muốn tính toán trước, cũng không dễ, đó là khả năng điều chỉnh tỉ giá của các đồng tiền thanh toán chủ chốt, từ song phương tới đa phương trong hoạt động xuất nhập khẩu với VN.
Lê Mỹ
diễn đàn doanh nghiệp
|