Tiếp tục lộ trình giảm thuế TNDN
Một trong những điểm sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và áp mức thuế suất thuế TNDN 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc giảm thuế TNDN là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đó là giảm thuế trực thu (thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) để tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, giảm gánh nặng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đồng thời với việc tăng thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường) để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
“Theo tính toán, việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% sẽ có tác dụng tích cực đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó, những ngành được hưởng lợi nhiều từ việc này là ngành sản xuất đồ uống không cồn, đồ may mặc, sợi, phương tiện vận tải và phụ tùng, công nghiệp khai khoáng, khí đốt, truyền thông... Đây là những ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm tăng xuất khẩu và là những ngành sử dụng nhiều lao động”, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Vẫn theo bà Mai, áp dụng thuế suất 20% cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn do đã góp phần thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô nhỏ vừa hiện chiếm 87,8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước; đồng thời vẫn đạt mục tiêu không ảnh hưởng quá lớn tới số thu ngân sách nhà nước, vì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chỉ đóng góp 39% tổng số thuế TNDN nộp ngân sách hàng năm.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2014, ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 13.600 tỷ đồng do giảm thuế thu nhập cá nhân, vì vậy, đề xuất giảm thuế TNDN xuống 23% là hợp lý. Tuy nhiên, Luật thuế TNDN sửa đổi phải quy định rõ lộ trình giảm thuế suất phổ thông xuống 20% kể từ năm 2016 để tăng sức hấp dẫn đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ vốn và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu để miễn thuế TNDN đối doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn đặc biệt khó khăn, giảm thuế với mức độ cao hơn nữa đối với địa bàn khó khăn và áp mức thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn nông thôn không thuộc địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, ở nhiều nước ASEAN và một số nước châu Á, điển hình là Malaysia, gần đây liên tục giảm thuế TNDN từ mức 28% năm 2005 xuống mức 27% năm 2007, xuống 26% năm 2008 và từ năm 2009 trở lại đây, thuế TNDN của Malaysia chỉ còn bằng Việt Nam, trong khi môi trường đầu tư của Malaysia đang được đánh giá tốt hơn Việt Nam. Hay như hai đối thủ cạnh tranh “nặng ký” với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là Trung Quốc và Thái Lan cũng liên tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 30% xuống mức tương ứng là 25% và 23%.
Nam Kinh
đầu tư
|