Sửa luật mà 6/7 điều giao cho Chính phủ?
"Linh hồn của sắc thuế là thuế suất thì vẫn giữ nguyên, trong khi một số vấn đề quan trọng lại chưa được làm rõ", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
* Hôm nay (18/03) Quốc hội họp bàn giảm thuế cứu doanh nghiệp
Theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, thì việc cải cách thuế giá trị gia tăng cần đạt được mục tiêu “giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”
|
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, một trong những mục tiêu sửa luật là để đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, qua đó vừa bảo đảm yêu cầu nuôi dưỡng nguồn thu, vừa bảo đảm tỷ lệ động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, 7 điều Chính phủ đề xuất bổ sung một số đối tượng thuộc diện không chịu thuế, bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế theo phương pháp khấu trừ, cách xác định giá trị theo phương pháp trực tiếp, nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng…
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung luật tương đối hẹp. Khi chỉ sửa đổi, bổ sung 7 điều mà có tới 6 nội dung giao Chính phủ quy định. Gồm các quy định liên quan đến hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả một số trường hợp cung cấp cho khách hàng nước ngoài; mức ngưỡng doanh thu; cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; tỷ lệ % giá trị gia tăng trên doanh thu; những trường hợp phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ…
Trong khi đó, theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, thì việc cải cách thuế giá trị gia tăng cần đạt được mục tiêu “giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”. Song Chính phủ vẫn đề nghị giữ mức thuế suất 10% và chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, ban soạn thảo đã tính hết chưa, liệu có nội dung nào cấp thiết hơn cho phát triển và tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này không?
"Sửa luật mà điều 1, điều 2, điều 3… đều là theo quy định của Chính phủ, thì làm sao mà chấp nhận được?", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh với những bất cập được cơ quan thẩm tra nêu, ông Lý cho rằng chất lượng dự án luật chưa đảm bảo trình Quốc hội xem xét chứ chưa nói đến việc thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 theo đề nghị của một số ý kiến.
"Nếu 6/7 điều giao cho Chính phủ thì chả cần sửa luật, cứ để Chính phủ sửa nghị định", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Hiển là cần sửa linh hồn của sắc thuế là thuế suất theo tinh thần cải cách thuế để đến 2020 phải sửa gì nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị nghiên cứu áp dụng một mức thuế suất khi sửa đổi lần này.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến, nghiên cứu các vấn đề cần bổ sung, đánh giá tác động kỹ hơn để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Bà Kim Ngân cũng lưu ý cần luật hóa các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, vì nếu giao cho Chính phủ hướng dẫn nhiều quá, chắc chắn sẽ gặp phản đối khi Quốc hội thảo luận.
Nguyễn Lê
tbktvn
|