Giảm thuế: Coi chừng “phản ứng phụ”
Nghị quyết 02 thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc giải cứu những khó khăn chồng chất của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2013. Song các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… chỉ là giải pháp ngắn hạn, tức thời chứ chưa phải căn cơ, bài bản.
Giới doanh nghiệp cho rằng, giảm thuế vẫn không ăn thua, quan trọng là phải giải quyết hàng tồn kho, nhất là cần khơi thông dòng vốn trước khi đuối sức và “chết” thật sự. Bộ Tài chính cũng vừa lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế này sẽ được điều chỉnh từ mức 25% hiện nay xuống còn 23%.
Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế, việc giảm thuế suất sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm phần lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phát sinh các khoản chi nhưng không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên gây thêm khó khăn. Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế hiện hành cũng không có quy định về vốn mỏng (doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn sở hữu rất ít) đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vay vốn vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây nguy cơ mất an toàn tài chính gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Hiện tượng tránh thuế theo cách lợi dụng “vốn mỏng” rất phổ biến sẽ chấm dứt khi Dự thảo Luật Thuế thu nhập quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần thì mới được coi là “vốn mỏng”. Theo Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ thị trường, sẽ có từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng được cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ thị trường bất động sản. Nghị quyết cũng chuyển hướng tập trung vào nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhưng giá cả vẫn còn đắt.
Một Tổng Giám đốc công ty đặt câu hỏi: Việc giảm thuế giá trị gia tăng với căn hộ có giá 15 triệu đồng/m2, nhưng thử hỏi trên thị trường có mấy căn hộ dưới 15 triệu đồng? Việc giảm thuế suất không có tác dụng trong thời điểm này, vì hiện tại doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với mức thu nhập thấp. Nhiều doanh nghiệp có chung nhận định rằng, các chính sách liên quan đến thuế không phải biện pháp tốt nhất để giải cứu doanh nghiệp, vì thực tế nhiều đơn vị thường kê khai thuế hơn mức phải nộp để có lợi nhất. Bản thân doanh nghiệp phải tìm lối thoát cho mình như chuyển hướng kinh doanh, cắt giảm nhân sự, lao động, vì thế chính sách vĩ mô được ví như “nước xa không cứu được lửa gần”.
Chuyện giảm mức thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác dụng lâu dài, còn trước mắt họ “khát” nhất vẫn là vốn. Doanh nghiệp mong mỏi nhất là lãi suất giảm, lãi suất mua nhà ở thấp thì lúc đó mới làm cho thị trường khởi sắc được. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để chống chọi với tác động của “cơn bão” này, Chính phủ đã ứng phó bằng nhiều gói giải pháp theo hướng thắt chặt - nới lỏng. Tương ứng với sự “thắt - nới” này, là chu kỳ lạm phát “hai năm cao-một năm thấp”. Mặc dù đã có một số cuộc hội thảo đề cập việc đánh giá hiệu quả thực tế từ việc áp dụng các gói giải pháp, song chỉ dừng lại ở những đánh giá chung chung. Các con số cụ thể về việc được-mất trong ngắn hạn và dài hạn từ các giải pháp hầu như chưa được nêu ra. Vì vậy, cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và chu kỳ lạm phát tăng cao vào cuối năm, “dư địa” để tăng lạm phát trong năm nay là rất lớn.
Khi doanh nghiệp chưa kịp “hồi sức” mà lạm phát cao sẽ là “cú đấm bồi” khiến càng thêm kiệt quệ. Đương nhiên không thể ngồi nhìn doanh nghiệp khốn đốn, nhưng các gói giải pháp lần này cũng giống “liều thuốc” đặc trị căn bệnh mạn tính, chắc chắn sẽ ngấm vào “cơ thể” kinh tế nên phải coi chừng “phản ứng phụ” khó lường trước.
Đan Thanh
an ninh thủ đô
|