Thứ Ba, 19/03/2013 08:52

Thành viên thị trường trái phiếu: Nặng nghĩa vụ, nhẹ quyền lợi

Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 36 thành viên đấu thầu TPCP năm 2013, trong đó 14 CTCK như SSI, HSC, BVSC…, còn lại là các ngân hàng (ACB, Vietcombank, Vietinbank, MBB, Sacombank, Techcombank, ANZ, HSBC…).

Nghĩa vụ và quyền lợi: chưa cân xứng

Một thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhìn nhận, quyền lợi đối với thành viên đấu thầu TPCP hiện chưa rõ ràng bằng văn bản pháp lý. Trong khi đó, do cạnh tranh trong thu hút khách hàng, nên có thành viên đấu thầu TPCP không thu phí môi giới của khách hàng, mà họ chỉ lấy doanh số giao dịch. Thậm chí, có trường hợp vì phải chiều “thượng đế”, nên thành viên đấu thầu TPCP phải đặt lệnh giúp cho khách hàng mà chẳng thu được phí… Tình trạng cung cấp dịch vụ theo kiểu “không công” này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong một bộ phận thành viên.

Ở vị trí là nhà tạo lập thị trường, theo Phó tổng giám đốc một CTCK, quy định buộc thành viên đấu thầu TPCP phải có nghĩa vụ chào mua, chào bán chắc chắn, khiến các thành viên thị trường chịu không ít rủi ro và áp lực. Điều này xuất phát từ tính thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện, thiếu tính ổn định, nhất là khi nền kinh tế ở trong những giai đoạn tăng trưởng cao, hút mạnh nguồn vốn của các ngân hàng, thay vì chảy nhiều vào trái phiếu khi nền kinh tế vĩ mô gặp khó như năm 2012. Thêm vào đó, khối lượng trái phiếu mà một thành viên đấu thấu phải mua tối thiểu hàng năm hiện khá lớn, cũng khiến họ đối mặt với áp lực và rủi ro.

Ở vai trò là nhà tạo lập thị trường, thành viên đấu thầu TPCP còn cho rằng, có nhiều điểm cần phải cải thiện. Trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu một công ty bảo hiểm dẫn chứng, Công ty gặp khó khăn khi thanh toán giao dịch trái phiếu do hệ thống giao dịch hiện nay đòi hỏi phải tách bạch giữa tài khoản có nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Do khúc mắc này mang tính kỹ thuật, nên HNX, VSD cùng Bộ Tài chính cần sớm thống nhất cách thức thanh toán, để tạo thuận lợi cho các thành viên.

Khắc phục, cách nào?

Để hỗ trợ thành viên đấu thầu TPCP có được sự cân bằng hơn giữa nghĩa vụ và quyền lợi, các thành viên VBMA đề xuất, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HNX… cần hoàn chỉnh “luật chơi” theo hướng tiếp cận sát hơn thông lệ quốc tế.

Theo đó, cần cụ thể hơn nghĩa vụ của thành viên đấu thầu TPCP là họ phải tham gia vào tất cả các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ. Cùng với đó, hàng năm họ phải mua một lượng trái phiếu nhất định, với mức phù hợp trong giai đoạn đầu của nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường…

Đi liền với nghĩa vụ trên, cần nhấn mạnh thành viên đấu thầu TPCP có quyền ưu tiên tham gia các đợt đấu thầu TPCP, để mua cho họ và cho khách hàng của họ, với mức phí phù hợp. Theo đó, cho phép thành viên đấu thầu TPCP sẽ mua trái phiếu và hạch toán vào tài khoản tự doanh của họ. Sau đó, họ sẽ bán lại cho khách hàng, một phần còn lại họ giữ lại cho danh mục tự doanh. Với cách thức này, thành viên đấu thầu TPCP được hưởng hai cái lợi. Thứ nhất, khi có được nguồn hàng từ các đợt đấu thấu TPCP, các thành viên đấu thầu TPCP sẽ bán lại cho khách hàng, nên sẽ thu được khoản lợi từ chênh lệch giá. Thứ hai, thành viên đấu thầu TPCP thường là các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn, nên khách hàng mở tài khoản giao dịch tại các đơn vị này. Do đó, thành viên đấu thầu TPCP còn thu được phí môi giới từ khách hàng.

Dẫu còn không ít ý kiến, nhưng các thành viên thị trường tự tin vào khả năng tháo gỡ những hạn chế trên, khi tại Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu năm 2013 vừa diễn ra tại HNX, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính, VBMA cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp thu và bàn thảo về những góp ý của các thành viên. Từ đó, có biện pháp tháo gỡ dần để cân bằng giữa nghĩa vụ với quyền lợi, nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường.

Hữu Đạo

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   Trái phiếu Việt Nam nóng nhất Đông Á (18/03/2013)

>   Năm 2013, thị trường trái phiếu sẽ phát triển mạnh (18/03/2013)

>   Huy động 450 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (16/03/2013)

>   Vùng trũng trái phiếu (16/03/2013)

>   Huy động được 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (13/03/2013)

>   Giao dịch trái phiếu chính phủ tăng trở lại (12/03/2013)

>   Năm 2013: Hà Nội sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu (12/03/2013)

>   Doanh nghiệp nên huy động vốn ngay tại ASEAN+3 (12/03/2013)

>   Huy động 5.900 tỷ đồng trái phiếu lãi suất dưới 9%/năm (11/03/2013)

>   Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch huy động vốn (11/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật