Doanh nghiệp nên huy động vốn ngay tại ASEAN+3
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 7 năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2012. Cụ thể, tổng quy mô của thị trường trái phiếu đã tăng từ 14,24% GDP năm 2006, lên 17,96% GDP năm 2011 và đến hết năm 2012 đã tương đương 21,6% GDP.
Có được kết quả này, theo ông Đỗ Việt Dũng, Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), là nhờ sự tăng trưởng đột biến của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Năm 2012, khối lượng TPCP huy động thành công đạt 167.589 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm 2011), nâng quy mô của TPCP từ mức tương đương 12% GDP năm 2006, lên 13,61% GDP và đến cuối năm 2012, quy mô của thị trường này đã bằng 15,7% GDP.
Vẫn theo ông Dũng, sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam còn có sự đóng góp không nhỏ của trái phiếu doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2006 - 2010, các doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành 35 đợt huy động trái phiếu với khối lượng phát hành thành công 32.000 tỷ đồng (không tính khối lượng trái phiếu do khu vực doanh nghiệp tư nhân phát hành). Mặc dù thị trường tiền tệ 2 năm vừa qua gặp nhiều khó khăn do lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng liên tục được đẩy lên, nhưng vẫn có 21 doanh nghiệp tổ chức phát hành trái phiếu thành công, với khối lượng 17.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc điều hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư ASEAN+3 (CGIF), ông Kiyoshi Nishimura bày tỏ sự ấn tượng về sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam trong những năm gần đây. Song theo ông, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường trái phiếu Việt Nam chưa thực sự phát triển, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, nên dễ gặp rủi ro khi thị trường tiền tệ khó khăn.
“Ở nhiều nước, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn tương đối dễ. Malaysia chẳng hạn, khi có dự án đầu tư khả thi, doanh nghiệp không khó vay vốn với lãi suất cố định trong thời hạn lên tới 30 năm, còn việc vay với lãi suất cố định trong vòng 10 - 20 năm rất dễ dàng. Còn ở Việt Nam, điều này rất khó khăn và dường như không thể vay vốn ngân hàng với lãi suất cố định trong thời gian 20 - 30 năm. Vì vậy, ngoài việc vay vốn ngân hàng, đẩy mạnh thị trường trái phiếu trong nước, huy động vốn trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cố gắng thử tham gia thị trường trái phiếu khu vực thông qua CGIF”, ông Kiyoshi Nishimura khuyến cáo.
CGIF hiện nắm giữ số vốn 700 triệu USD do 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp, nhằm cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp khu vực ASEAN+3 (mức trần bảo lãnh cho mỗi quốc gia là 140 triệu USD, kỳ hạn bảo lãnh tối đa là 10 năm) khi huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Thông qua bảo lãnh của CGIF, doanh nghiệp phát hành sẽ tăng được hệ số tín nhiệm, góp phần giảm chi phí phát hành và tạo điều kiện cho việc tiếp cận với thị trường vốn khu vực ASEAN+3.
Muốn nhận được sự bảo lãnh của CGIF, ông Kiyoshi Nishimura cho biết, doanh nghiệp phải được xếp hạng đầu tư thấp nhất là BBB-, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn xã hội… Khi thấy đủ điều kiện và mong muốn được sử dụng nguồn vốn đủ lớn, thời gian dài và lãi suất hợp lý, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo mẫu trên website của CGIF và gửi lại hồ sơ để CGIF để rà soát. Nếu được chấp thuận, đại diện CGIF sẽ đến doanh nghiệp tìm hiểu và đánh giá khả năng cấp bảo lãnh. Khi được phê duyệt, CGIF sẽ phát hành thư bảo lãnh và hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đánh giá cao thị trường vốn khu vực, ông Đỗ Việt Dũng cũng khuyến nghị, ngoài việc tích cực tìm nguồn vốn ở thị trường trong nước, doanh nghiệp nên thông qua CGIF để huy động vốn ở thị trường trái phiếu khu vực ASEAN+3.
Nam Kinh
Báo đầu tư
|