Thanh toán không dùng tiền mặt: Những ý kiến trái chiều
Xung quanh dự thảo về việc dừng thanh toán bằng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục có nhiều luồng ý kiến, có ý kiến cho là khó khả thi, song cũng không ít ý kiến bày tỏ đồng thuận. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, đẩy nhanh tiến trình thanh toán qua ngân hàng sẽ giảm tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông, do đó kiềm chế lạm phát và tiêu cực xã hội.
Giao dịch bằng tiền mặt vẫn đang phổ biến
|
Thói quen tiêu dùng khó thay đổi
Lâu nay, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam là sử dụng tiền mặt để thanh toán vì tính thuận tiện trong giao dịch mua bán hằng ngày, nhất là khi hầu hết các giao dịch chỉ trong phạm vi nhỏ, hẹp. Do vậy, có thể nói đây là một lực cản lớn đối với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Khảo sát của giới chuyên gia cho thấy, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực doanh nghiệp và chiếm đại đa số trong các giao dịch thanh toán của khu vực dân cư.
Một trong các phương tiện thanh toán khá phổ biến hiện nay là thẻ thanh toán giao dịch qua máy ATM, máy POS. Tuy nhiên, dù số lượng thẻ, máy ATM, máy POS (hệ thống tiếp nhận thẻ) đã được lắp đặt nhiều, giao dịch phổ biến hơn, song mục tiêu giảm giảm khối lượng tiền mặt vào lưu thông vẫn còn rất xa vời. Thống kê của NHNN cho thấy, khoảng 80% giao dịch qua ATM là để… rút tiền mặt, các dịch vụ khác hầu như ít được sử dụng.
Cùng với những yếu tố khó cải thiện về thói quen, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hành lang pháp lý, chi phí triển khai cũng như sự thiếu đồng bộ của hệ thống thiết bị… cũng là những bất cập hạn chế tiến trình thanh toán thẻ đi vào thực tiễn.
Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia ngành tài chính ngân hàng bày tỏ: Chủ trương tiến đến một nền kinh tế phi tiền mặt là hợp lý, bởi khi việc thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm, hạn chế được nhiều rủi ro, trong đó rõ nhất phải nói đến vấn nạn rửa tiền và tham nhũng. Song, để tiến tới một nền kinh tế như vậy còn phải xét về mặt thời điểm. Bởi, ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có một cơ sở hạ tầng để đảm bảo các dịch vụ thuận tiện và tốt nhất cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, dư luận cũng nghi ngờ về tính khả thi bởi, thời gian qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng đã phơi bày quá nhiều yếu kém, những chính sách liên quan đến thị trường tài chính ngân hàng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Những chính sách liên quan đến thị trường vàng là một minh chứng rõ ràng. Thậm chí, những chính sách ấy còn khiến niềm tin của người dân bị suy giảm khi còn có những biểu hiện của lợi ích nhóm.
Sớm thúc đẩy lộ trình thanh toán bằng thẻ
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu xét về những ưu điểm của việc thanh toán qua ngân hàng (thanh toán bằng thẻ), tiến tới nền kinh tế phi tiền mặt, thì tiến trình chấm dứt thanh toán không dùng tiền mặt rất cần phải thực hiện sớm, bởi tính an toàn cao cũng như tính thuận tiện trong giao dịch với quy mô lớn, khoảng cách xa của loại hình thanh toán bằng thẻ. Đặc biệt, ưu điểm vượt trội của nó là hạn chế thấp nhất thực trạng tham nhũng cũng như vấn nạn rửa tiền đã và đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Nhận định về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Seabank), thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp minh bạch hóa các hoạt động liên quan đến tiền mặt và dòng tiền, việc kiểm soát sẽ dễ dàng hơn. Nếu xét về chuẩn mực kiểm toán, nền kinh tế tiền mặt không giúp được nhiều cho các giao dịch ngân hàng về cả yếu tố minh bạch cũng như tính hiệu quả. Theo bà Nga, việc tiến nhanh tới nền kinh tế phi tiền mặt còn giúp giảm rất nhiều chi phí cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy, bà Nga kỳ vọng, Chính phủ sẽ có những chính sách đủ mạnh để sớm thúc đẩy lộ trình thanh toán bằng thẻ đi vào thực tiễn.
Minh Phương
Đại đoàn kết
|