Nên dành toàn bộ 30.000 tỉ đồng cho dân vay mua nhà!
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM là nơi xuất phát đề xuất hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi để người có thu nhập thấp có cơ hội mua nhà nhằm kích cầu thị trường BĐS, như một biện pháp trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Nhân sự kiện Dự thảo lần 4 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ, PV Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu (ảnh) - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - về những vấn đề được dư luận quan tâm.
Thưa ông, thông thường, đối với hàng hóa BĐS, các DN thường bán trả góp trong thời hạn dài 15 -20 năm, thế nhưng trong Dự thảo lần 4 quy định chỉ cho vay trong 10 năm, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo dự thảo, người tiêu dùng vay trong 10 năm và được áp dụng lãi suất vay 6% trong 3 năm, đến 15.4.2016. Sau thời điểm này, NHNN sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng đã vay vốn. Hiệp hội nhận thấy việc NHNN không nói rõ lãi suất mới sau 15.4.2016 như thế nào sẽ khiến người tiêu dùng không yên tâm và không dám vay. Đề nghị NHNN nên quy định, sau 15.4.2016, nếu lãi suất mới thấp hơn 6%, người tiêu dùng được hưởng theo mức lãi suất mới, nếu lãi suất mới cao hơn 6% thì người tiêu dùng vẫn được hỗ trợ vay với mức 6%. NHNN nên quy định rõ về vấn đề này chứ không nên thả nổi, để người tiêu dùng yên tâm vay để tạo lập nhà ở và tính toán được nguồn tiền để trả nợ. Hiệp hội cũng đề nghị thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm. Như vậy mới phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng, và số tiền trả hàng tháng cho NH ở mức hợp lý.
Tỉ lệ cho vay đối với người mua nhà và DN lên đến 80 - 70%, ông nghĩ gì về tỉ lệ cho vay quá cao này ?
- Hiệp hội hoan nghênh NHNN dự kiến cho người tiêu dùng vay đến 80% giá trị hợp đồng mua nhà và DN được vay đến 70% giá trị dự án là phù hợp. Tuy nhiên, hiệp hội băn khoăn việc cho phép “lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với các ngân hàng cho mục tiêu cho vay hỗ trợ nhà ở thấp hơn lãi suất cho vay của các NH đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm. Trong dự thảo lần 2 tỉ lệ này là 1%. Theo hiệp hội, tỉ lệ 1,5% này là cao. Bản thân các DN BĐS đã chấp nhận bán lỗ nên đề nghị các NH cũng nên có sự chia sẻ với chi phí quản lý thấp nhất có thể.
Cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề sử dụng 30.000 tỉ đồng như thế nào vẫn chưa ngã ngũ, bao nhiêu cho dân vay mua nhà, bao nhiêu cho DN vay đầu tư, theo ông thì tỉ lệ nào là thích hợp?
- Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ đã ước lượng gói kích cầu từ 20.000 đến 40.000 tỉ đồng. NHNN dự kiến dành tối đa 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho cả người tiêu dùng và DN thì quá nhỏ. Hiệp hội đề nghị chỉ nên dùng số tiền 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho người tiêu dùng. Có như vậy mới hỗ trợ được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nên tách ra một gói tín dụng khoảng từ 10.000 đến 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho DN. Mặt khác, nếu sử dụng toàn bộ 30.000 tỉ đồng để cho dân vay mua nhà thì ngay lập tức số tiền này sẽ quay trở lại DN thôi. Nếu có thêm gói từ 10 đến 15.000 tỉ đồng dành riêng cho DN thì tổng cộng sẽ có từ 40 đến 45.000 tỉ đồng đổ vào DN BĐS, trong hoàn cảnh hiện nay, với số vốn này cũng đủ để DN giải quyết được một phần khó khăn”.
Về nguyên tắc, vay phải có tài sản đảm bảo, đối với những đối tượng được vay mua nhà như Dự thảo lần 4 quy định hầu như họ không có tài sản gì, theo ông hướng xử lý như thế nào là phù hợp trong hoàn cảnh này?
- Theo Dự thảo Thông tư quy định NH xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Hiệp hội đề nghị cụ thể hóa vấn đề này để các NH thống nhất thực hiện. Đề nghị quy định rõ với cá nhân thuê mua, mua nhà, tài sản đảm bảo chính là căn hộ cá nhân mua hoặc thuê mua; với DN thì tài sản đảm bảo chính là dự án nhà ở của DN đang đầu tư xây dựng.
- Xin cảm ơn ông!
Ngọc Huân thực hiện
lao động
|