Thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia: Hãy nhìn từ thực tiễn!
Vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu đã không ít lần làm nóng nghị trường Quốc hội, thu hút sự quan tâm nhiều của dư luận trong suốt thời gian qua. Câu chuyện này càng nóng hơn trong thời điểm hiện nay, khi đề án thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút hoàn thiện trình Chính phủ. Đã có nhiều lập luận băn khoăn về sự ra đời của Công ty này khi nguồn vốn để hoạt động lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn…
Những băn khoăn trên thực tế hoàn toàn có cơ sở khi mà nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và hoạt động kinh doanh kém hiệu quả vẫn còn cao, các thị trường chứng khoán, bất động sản chưa khởi sắc… Dù việc thành lập công ty chỉ dùng một phần nhỏ vốn từ Nhà nước, còn lại phát hành trái phiếu và huy động từ tư nhân thì việc làm trên liệu có khả thi hay không khi thực tế nguồn ngân sách nhà nước đã phải chi rất nhiều để duy trì, điều tiết nền kinh tế cũng như phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển quốc gia. Hơn nữa, có ai dám mua trái phiếu của một công ty xử lý nợ nếu không có sự bảo lãnh của Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, để có được một khối lượng lớn tiền khoảng 100.000 tỷ đồng theo như dự kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không hề đơn giản, đòi hỏi phải có những chính sách hợp lý và hiệu quả. Biện pháp giao quyền cho các công ty mua bán nợ huy động vốn, Chính phủ tung trái phiếu huy động đã được đặt ra. Nhưng tính hiệu quả của biện pháp này vẫn còn gây tranh cãi khi không đảm bảo được lượng trái phiếu bán ra. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề khác nảy sinh, như tính hấp dẫn khi đầu tư vào trái phiếu này sẽ như thế nào; liệu có diễn ra tình trạng “nợ chỗ này bù nợ chỗ kia” hay không bởi về cơ bản thì sử dụng trái phiếu cũng là một hình thức vay nợ; liệu NHNN có hỗ trợ vào khoản tiền 100.000 tỷ này để “cứu ngược” hệ thống ngân hàng hay không?
Mặc dù, đã có lập luận cho rằng, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp (DN) với đầy đủ những đặc trưng cơ bản. Do đó, cứu ngân hàng cũng là cứu DN, thông qua đó góp phần khôi phục nền kinh tế. Ngoài ra, giữ vững hệ thống, không để đổ vỡ ngân hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế để thúc đẩy đề án này. Tuy nhiên, thực hiện điều này không đơn giản. Ngân hàng vẫn là một loại hình DN hoạt động kinh doanh. Theo lẽ đó, những gì DN gặp phải như: mắc nợ, lỗ vốn, thậm chí phá sản, thì ắt hẳn các ngân hàng cũng phải chạm trán với những vấn đề tương tự. Trong thời điểm hiện nay, DN làm ăn thua lỗ không phải là hiếm gặp, và các ngân hàng đôi khi cũng lâm vào cảnh khó khăn như vậy. Nguy cơ phá sản là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Chính vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng, khi các ngân hàng đứng trước gánh nặng về vốn và mất thanh khoản thì có thể tuyên bố phá sản và hãy coi đó là điều bình thường. Điều này thậm chí còn có tác động tích cực đến việc tái cấu trúc các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải thay đổi phương thức hoạt động, quản trị… Tái cấu trúc đồng nghĩa với “sự đau đớn”, với sự thay đổi lớn về con người, mô hình kinh doanh chắc chắn sẽ mang lại diện mạo mới cho ngân hàng. Điều quan trọng nữa là sau khi phục hồi khả năng thanh khoản là cần hướng tới việc nâng cao các hoạt động và thiết chế trung chuyển vốn cho cả nền kinh tế. Mức tăng tín dụng lên quá cao trong thời gian dài vừa qua mà chủ yếu là do các DN Nhà nước làm ăn thua lỗ và do những đầu tư mang tính đầu cơ vào các dự án bất động sản, chính là nguyên nhân khiến cho các ngân hàng gánh nhiều nợ xấu.
Nợ xấu lớn đang làm cho chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên rất cao. Từ đó khiến nhiều NHTM không muốn giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đại diện một số ngân hàng thừa nhận đang “ôm” một khoản nợ xấu nên phải giữ lãi suất cho vay cao hơn thị trường khoảng 2-3%. Sở dĩ có “cục nợ” như vậy là bởi không ít ngân hàng và nhiều ông chủ, một thời gian dài chạy theo lợi nhuận lớn, giải ngân những khoản khổng lồ tại hai lĩnh vực đầu tư nóng là chứng khoán và bất động sản. Vì vậy, “cứu ai và cứu vì cái gì” phải là câu hỏi thường trực từ khâu khởi động, tiến hành và thẩm định cả quá trình, để không bị lệch pha thành cứu các nhóm lợi ích đặc quyền đang kẹt chân vào thị trường chứng khoán hay bất động sản.
Mục đích của việc có một đơn vị đứng ra giải quyết cục nợ này từng được NHNN khẳng định nhằm các mục tiêu: Lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các NHTM và doanh nghiệp, qua đó sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế. Đồng thời, giúp tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và DN theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay…
Theo ông Phạm Mạnh Thường – Phó Tổng giám độc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC): Giả sử Công ty mua bán nợ quốc gia do Chính phủ dự định thành lập mua hết khoảng 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu như kế hoạch dự kiến thì vẫn chưa giải quyết hết nợ xấu trong nền kinh tế. “Một công ty như vậy không giải quyết được nợ xấu nếu không có những thay đổi về quan điểm, tư duy xử lý và hệ thống cơ chế chính sách đặc thù”, ông Thường nói.
Không ít chuyên gia kinh tế tỏ ra nghi ngại cho rằng, khoảng 100.000 tỷ đồng dự kiến được dành cho công ty mua bán nợ xấu, liệu có cứu được nền kinh tế đang vô cùng khó khăn, hay chỉ cứu vãn quyền lợi của thiểu số ngân hàng. “Thật ra các ngân hàng mới là đối tượng được thủ lợi đầu tiên”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Vinh nhận định. Theo chuyên gia này, nếu Chính phủ đứng ra giải quyết rủi ro nêu trên, vô hình trung các ngân hàng được giải thoát mối lo khi tham gia kinh doanh chứng khoán, BĐS. Đây cũng là những lĩnh vực họ từng hái ra tiền ở những năm trước.
Trước những lập luận trên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Sao không phát huy năng lực hiện có của DATC, trao thêm quyền và cơ chế để Công ty này hoạt động mạnh hơn nữa trong xử lý nợ? DATC từ trước tới nay vẫn hoạt động theo cách rất nhà nước là thận trọng và chỉ tiếp nhận các khoản nợ an toàn cao, hoặc một số khoản nợ theo chỉ định từ các doanh nghiệp giải thể. Chính phủ Hàn Quốc khi xử lý khủng hoảng kinh tế cũng đã thành lập một Quỹ xử lý nợ xấu do Kamco quản lý và sử dụng và đã thành công. Tại sao mô hình quỹ đó không phải DATC hay SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) lâu nay chưa thể hiện hết vai trò của mình?
Nhìn vào thực tế trong bối cảnh hiện nay thì việc thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia cần được nghiên cứu, tính toán hết sức thận trọng.
P.V
Tài Chính
|