Thứ Hai, 18/03/2013 15:34

Gỡ nợ xấu từ “nút thắt” tài sản bảo đảm

Theo đề án xử lý nợ xấu vừa được NHNN hoàn thành, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động xử lý nợ xấu thông qua tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, một trong những giải pháp quan trọng khác là các TCTD phải tích cực thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm.

Theo NHNN, trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế có 72% dư nợ có tài sản bảo đảm, trong đó 66% là bất động sản (BĐS). Nếu tính trên tổng số nợ xấu, thì trên 80% có tài sản bảo đảm và trong số này có 57% là BĐS. Nếu xử lý được khối tài sản bảo đảm, việc xử lý nợ xấu sẽ có chuyển biến nhanh chóng và tích cực trong thời gian tới.

Hiện nay, Nghị định 163 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm, đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm nên các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm; sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...

Thực tế, xử lý tài sản bảo đảm ở các ngân hàng hiện nay có 2 dạng thường gặp: tài sản bảo đảm là động sản và BĐS. Với tài sản bảo đảm là động sản mà không phải đăng ký quyền sở hữu (máy móc, dây chuyền sản xuất...), theo quy định hiện hành chỉ cần căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà ngân hàng và người vay đã ký kết, ngân hàng được phép bán qua đấu giá, thu hồi vốn.

Nhưng với tài sản bảo đảm là BĐS, các tài sản này còn phải đăng ký quyền sở hữu và liên quan đến phạm vi điều chỉnh nhiều bộ luật khác. Nếu khách hàng không chịu ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ngân hàng thì ngân hàng không bao giờ bán được để thu hồi nợ.

Do vậy, để có thể xử lý được tài sản bảo đảm và thu hồi nợ, bên nhận bảo đảm thường phải lựa chọn con đường tố tụng. Tuy nhiên, con đường tố tụng mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm.

Ở nhiều vụ việc, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện, nhưng vẫn không chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tế. Hay việc thị trường BĐS đi xuống khiến việc bán tài sản bảo đảm cũng trở nên khó khăn, đặc biệt những tài sản có vấn đề, khiến không thể bán được.

Để tháo gỡ “nút thắt” tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc chủ động xử lý tài sản bảo đảm và hoàn thiện quy trình, chính sách quản lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm trong nội bộ ngân hàng.

Gỡ được nút thắt này còn góp phần hạn chế nợ xấu của các TCTD, tăng khả năng thanh khoản tài sản bảo đảm và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng. Liên quan đến thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, dự thảo thông tư quy định: Trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp.

Việc thu hồi tài sản thế chấp được áp dụng đối với cả trường hợp chưa đến hạn xử lý tài sản bảo đảm. Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và trách nhiệm của UBND địa phương trong việc hỗ trợ người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.

Tại Nghị quyết 02, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp ban hành thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm trên ngay trong quý I-2013.

Bên cạnh đó, để thông tư này sớm phát huy hiệu quả trong thực tế xử lý nợ xấu, các cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự, để tạo điều kiện cho các TCTD thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

Đồng thời, cần hạn chế hình sự hóa các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý về mặt kinh tế, dân sự để khắc phục hậu quả và thu hồi tối đa tiền, tài sản cho ngân hàng.

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   TP.HCM: Tín dụng tăng so với bình quân cả nước (18/03/2013)

>   Bơm vốn rẻ: Cơ hội cho bất động sản (18/03/2013)

>   Tan giấc mơ mua nhà “thu nhập thấp”? (18/03/2013)

>   Gần 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả “mắc lưới” (18/03/2013)

>   Cá nhân sẽ được vay nước ngoài (18/03/2013)

>   Vén màn bí ẩn ATM (18/03/2013)

>   "Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần một quỹ đạo mới" (18/03/2013)

>   Nan giải vốn “tồn kho” của ngân hàng (18/03/2013)

>   Vụ trưởng Vụ Tín dụng: “Không phải ai muốn vay cũng được” (18/03/2013)

>   Sacombank nhận giải thưởng thương hiệu mạnh Việt Nam 2012 (18/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật