Thứ Hai, 18/03/2013 14:37

Bơm vốn rẻ: Cơ hội cho bất động sản

Dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố quy định sẽ ưu tiên cho một số đối tượng được vay mua nhà với mức lãi suất chỉ 6%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Sau khi có thông tin về dự thảo, nhiều chủ đầu tư chủ động chuyển đổi dự án về phân khúc trung bình. Trong ảnh: dự án căn hộ Green Hill tại khu đô thị mới Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM tái khởi công. Căn hộ được điều...

Vấn đề là làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất trên? Liệu thị trường bất động sản có hồi phục nhờ “cú hích” này?

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM):

Điều kiện vay phải minh bạch

Theo tôi, quan trọng nhất là phải xác định rõ mục tiêu của gói hỗ trợ đã nêu trong dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo nghị quyết số 02 của Chính phủ, xem mục tiêu đưa ra là gì? Là hỗ trợ người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên có nhà để ở hay để giải cứu thị trường bất động sản? Nếu mục tiêu là tạo điều kiện cho người dân vay tiền mua nhà để ở thì điều kiện xét cho vay vốn phải rõ ràng, minh bạch, và điều kiện này phải được công khai rộng rãi cho tất cả người dân, tránh trường hợp có quan hệ với ngân hàng mới vay được, ngược lại thì bị từ chối.

Ngoài ra cũng cần quy định rõ người dân vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất 6% có quyền quyết định mua bất kỳ bất động sản nào miễn thỏa mãn điều kiện NHNN đưa ra hay bị buộc phải mua nhà thuộc những dự án mà chủ đầu tư đang có nợ tại các ngân hàng? Có thể mua nhà cấp 4, nhà phố miễn thỏa điều kiện về giá và diện tích mà NHNN nêu ra hay không? Bên cạnh đó, theo tôi, cần xếp loại đối tượng ưu tiên thay vì nêu ra hàng loạt đối tượng như dự thảo nêu. Ngoài ra, NHNN thay vì giới hạn diện tích, giá tiền loại bất động sản mà người vay chương trình này được phép mua, nên khống chế số tiền tối đa mà mỗi cá nhân được vay.

* Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Cơ hội để người dân mua được nhà

Đây rõ ràng là cơ hội để người dân có nhu cầu thực sở hữu nhà ở và doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, hướng về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có mức giá trung bình. Xung quanh dự thảo lần này chúng tôi thấy về tỉ trọng vốn được vay quy định để tỉ lệ vay của người tiêu dùng là 80%, doanh nghiệp là 70%, như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi, việc cho phép trích chi phí quản lý 1,5% cho năm ngân hàng là quá cao. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản đã chấp nhận bán lỗ nên thiết nghĩ các ngân hàng cần có sự chia sẻ.

Về tài sản đảm bảo theo dự thảo thông tư, tài sản đảm bảo do ngân hàng quy định, theo tôi, cần làm rõ hơn. Đề nghị quy định rõ với cá nhân mua nhà, tài sản đảm bảo chính là căn hộ cá nhân mua hoặc thuê mua; với doanh nghiệp thì tài sản đảm bảo chính là dự án nhà ở doanh nghiệp đang xây dựng.

* Ông Lê Chí Hiếu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức):

Sẽ tác động đến thị trường

Chủ trương cho vay mua nhà lãi suất 6%/năm khi triển khai chắc chắn có tác dụng tốt, không chỉ với người dân có nhu cầu mua nhà mà lên cả thị trường bất động sản đang khó khăn. Trong đó có phần chuyển đổi căn hộ thương mại qua nhà ở xã hội và căn hộ lớn qua căn hộ nhỏ là điều doanh nghiệp chúng tôi đang rất trông mong.

Ngoài ra, sự chuyển đổi công năng các chung cư sang những dịch vụ khác cũng là một yếu tố tạo thêm lựa chọn cho nhà đầu tư. Mức lãi suất 6% rất tốt cho người mua nhà nằm trong đối tượng được vay. Đối với chủ doanh nghiệp cũng có tác động tích cực trong phân khúc này. Tuy nhiên, trong đó có điểm phải thực hiện theo quy định 04 là khống chế chỉ tiêu dân số trên dự án, tức 8m2/đầu người, điều này làm số doanh nghiệp muốn làm căn hộ diện tích nhỏ sẽ vướng.

* Ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê Thành):

Kiểm soát tình trạng lợi ích nhóm

Sau khi có tin về xung quanh dự thảo thông tư của NHNN, nhiều khách hàng đã hỏi dự án trước chờ thông tư ban hành để mua nhà. Đơn cử có một trường đại học và một trường trung học đã liên hệ với chúng tôi để mua cho cán bộ công chức. Một bệnh viện đặt cả chục căn cho cán bộ công nhân viên chức của họ.

Đối với chúng tôi, đây là tín hiệu cực tốt cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên Nhà nước phải thật sự kiểm soát, tránh xảy ra lợi ích nhóm khi dự thảo thông tư quy định đối tượng doanh nghiệp nằm trong danh sách của Bộ Xây dựng công bố mới được vay.

Hiện nay tất cả dự án của Lê Thành đều dưới 70m2/căn hộ, giá bán cũng nằm trong diện này. Vấn đề là thủ tục hành chính có nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường hay không.

* Cô Phan Thị Tin (Giáo viên Trường tiểu học Phước Long, Q.9, TP.HCM):

Nên ổn định lãi suất

Mấy hôm nay nhiều thầy cô trong trường tôi thấp thỏm nắm thông tin được vay lãi suất thấp để mua nhà. Theo dự thảo, tôi thấy quy định người tiêu dùng vay trong mười năm và được áp dụng lãi suất vay 6% trong ba năm, đến ngày 15-4-2016. Sau thời điểm này, khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN. Việc NHNN không nói rõ lãi suất mới sau ngày 15-4-2016 như thế nào sẽ khiến người tiêu dùng chưa yên tâm và ngần ngại vay. Nên quy định sau ngày 15-4-2016, nếu lãi suất mới thấp hơn 6%, người tiêu dùng được hưởng theo mức lãi suất mới, nếu lãi suất mới cao hơn 6% thì người tiêu dùng vẫn được hỗ trợ với mức 6%, được vậy chúng tôi sẽ yên tâm hơn.

Ngoài ra, thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm, vậy mới phù hợp với khả năng tài chính của người mua và số tiền trả hằng tháng cho ngân hàng.

Theo dự thảo thông tư, sẽ có hai đối tượng được vay tiền mua nhà với lãi suất thấp. Thứ nhất, người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Cũng đối tượng trên nhưng nếu mua nhà thương mại bắt buộc phải có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thứ hai, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Còn nếu doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Có năm ngân hàng tham gia cho vay vốn theo chương trình này là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long. NHNN sẽ bơm 30.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng thực hiện cho vay.

Về số tiền được vay: khách hàng vay mua, thuê, thuê mua nhà thì số tiền vay tối thiểu là 80% phương án vay và 70% đối với doanh nghiệp (khách hàng có vốn tham gia phương án vay theo quy định của ngân hàng nhưng không quá 20% đối với người mua, thuê, thuê mua nhà và 30% đối với doanh nghiệp).

Lãi suất cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là 6%/năm, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến ngày 15-4-2016. Dự kiến thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2013.


* Ông Nguyễn Viết Mạnh (Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước):

Phải có bột mới gột nên hồ

Mức 80% giá trị bất động sản là mức tối đa ngân hàng có thể xét cho vay, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng trả nợ của từng khách hàng. Ở đây ngân hàng chỉ hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay, còn điều kiện xét duyệt cho vay vẫn giữ nguyên, không có chuyện hạ chuẩn cho vay vì các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm thu hồi và trả lại vốn cho NHNN. Do vậy NHNN không can thiệp vào điều kiện xét duyệt. NHNN chỉ có thể yêu cầu các ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay, thấp nhất 10 năm, nếu ngân hàng nào có khả năng có thể cho vay đến 13-15 năm. Nói chung là phải có bột mới gột nên hồ, người vay phải có khả năng tài chính nhất định nào đó mới được xét cho vay. Khả năng này ngân hàng thương mại sẽ tính toán cụ thể từng trường hợp.

Mức lãi suất cho vay 6%/năm được NHNN tính toán dựa trên nhiều yếu tố và theo tôi, mức này là phù hợp và tạo điều kiện để người dân có khả năng trả lãi đồng thời có dư ra để trả gốc. Muốn thấp hơn nữa cũng khó vì Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần, còn lại người dân phải nỗ lực. Lưu ý là mức lãi suất cho vay 6% này không chỉ dành cho người vay mua nhà ở xã hội mà cả người vay mua nhà ở thương mại nếu thỏa mãn điều kiện NHNN đưa ra và duy trì trong ba năm, tính từ thời điểm thông tư có hiệu lực. Do đó, những người tiếp cận sớm sẽ được hưởng ưu đãi nhiều hơn những người vay sau. Sau ngày 15-4-2016, NHNN sẽ quyết định mức lãi suất cho vay, có thể thấp hoặc cao hơn mức 6% nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn mức lãi suất cho vay trên thị trường.

Lý do NHNN chỉ triển khai ở năm ngân hàng quốc doanh vì số lượng vốn “bơm” ra lần này không lớn, chỉ 30.000 tỉ đồng. Hơn nữa đây là chương trình mang tính chính sách nên NHNN sẽ chỉ định một số ngân hàng thương mại nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối. NHNN cũng không chia hạn mức cho từng ngân hàng để các ngân hàng cạnh tranh cho vay với nhau, khi nào giải ngân hết 30.000 tỉ đồng thì chương trình dừng lại.


Đình Dân - Ánh Hồng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tan giấc mơ mua nhà “thu nhập thấp”? (18/03/2013)

>   Vụ trưởng Vụ Tín dụng: “Không phải ai muốn vay cũng được” (18/03/2013)

>   Công trình chục tỉ thành nơi… nuôi gà (18/03/2013)

>   Quyết toán khống, rút tiền tỷ (18/03/2013)

>   Chậm triển khai Nghị quyết 02: Vì sao và vì sao? (18/03/2013)

>   Chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội: Giá không quá 12 triệu đồng/m2 (17/03/2013)

>   Những lưu ý để không bị 'hớ' khi mua căn hộ (17/03/2013)

>   Nhà và đất diện tích nhỏ rậm rịch mua bán (17/03/2013)

>   Bộ Tư pháp muốn bỏ thu hồi đất vì lý do kinh tế (17/03/2013)

>   Kích cầu tín dụng: Không nên phân biệt nhà nước hay cổ phần (16/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật