Thứ Hai, 18/03/2013 09:15

Chậm triển khai Nghị quyết 02: Vì sao và vì sao?

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày Chính phủ tung ra bản nghị quyết số 02 về “giải cứu” thị trường bất động sản, nhưng tâm trạng bồn chồn của các doanh nghiệp con nợ đang đạt tới đỉnh điểm khắc khoải.

Vì sao các cơ quan hữu trách lại quá chậm trễ trong việc giải cứu nền kinh tế và qua đó giải cứu thị trường bất động sản

Vẫn chỉ là con số

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày Chính phủ tung ra bản nghị quyết số 02 về “giải cứu” thị trường bất động sản, nhưng tâm trạng bồn chồn của các doanh nghiệp con nợ đang đạt tới đỉnh điểm khắc khoải khi chỉ mới có một dự thảo thông tư của cơ quan Ngân hàng nhà nước về việc sẽ bơm 30,000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua nhà lần đầu và các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất 6%/năm, thời hạn vay đến 10 năm đối với cá nhân và 5 năm với doanh nghiệp.

Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thêm một lần nữa khẳng định “không thể cứu bất động sản”, hay nói cách khác là cho dù sắp tới tiền có được bơm ra, cũng không thể để cho dòng tiền này chảy vào túi của các nhóm lợi ích. Bất động sản đã lên giá kinh khủng trong 5 năm qua thì cũng cứ để nhà đất trở về với “giá trị thực” của nó. Vẫn còn đến 80% số doanh nghiệp bất động sản chưa có đầy đủ lý do để “chết”, theo một con số báo cáo từ phía Bộ Xây dựng. Và cũng đã đến lúc phải để cho các nhà đầu cơ bất động sản tự trả giá cho hành vi của họ, cho dù họ có phải ăn vào vốn của mình.

Võ Trí Thành, được coi là là một “chiến lược gia” và cũng là người đang nằm trong bộ phận tư vấn về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đưa thêm một nhận định đáng chú ý là gói kích cầu tới đây của Chính phủ là đủ mạnh để tạo sức kích thích cho nền kinh tế, trong đó có thể hiểu là tăng sức cầu cho các thị trường. Vào năm 2009, gói kích cầu có giá trị đến 143,000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD) đã phần nào giúp hồi sinh cả hai thị trường chứng khoán và bất động sản mà trước đó đã lâm vào tình trạng bế tắc trong cơn khủng hoảng nặng nề. Còn giờ đây, trong tâm chấn của một dạng thức “khủng hoảng kép” đang diễn ra và tạo ấn tượng cay đắng nhất vào năm 2012 vừa qua, liệu gói kích cầu với quy mô như thế nào mới đủ làm cho chứng khoán và bất động sản hồi phục?

100,000 – 150,000 tỷ đồng là con số ước đoán của Bộ Xây dựng về khả năng bơm tiền từ khối ngân hàng ra thị trường trong năm nay. Về giá trị, con số này có thể không thua kém gói kích cầu của năm 2009. Nhưng về cơ chế, hiển nhiên thời gian này khó khăn hơn hẳn giai đoạn trong quá khứ khi đồng tiền đã mất giá phần nào và theo một vài úp mở của lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, không loại trừ việc phải in thêm tiền để đẩy vào nền kinh tế.

Bất động đến kinh ngạc!

Bối cảnh mà nền kinh tế đang phải đối mặt cũng hầu như chưa xuất hiện ánh sáng trong việc giải quyết nợ xấu. Điều được coi là kết quả giảm bớt tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần từ 8% về 6% mới được công bố vào cuối tháng 2/2013 thật ra lại gây nghi ngờ không nhỏ về những cơ sở cho sự điều tiết của nó. Nói cách khác, có thể các ngân hàng đã chỉ làm một công đoạn đơn giản là điều chuyển nợ từ mục này sang mục khác, trong khi chưa hề có một xác cứ nào cho thấy nợ xấu thực sự đã được xử lý. Và như một vài chuyên gia ví von, nợ xấu chỉ đang được tích lũy để đẩy vào tương lai mà thôi.

Hoạt động của công ty mua bán nợ xấu cũng chưa thấy một tiến triển nào đáng kể. Cho tới nay, dường như những người cầm chịch vẫn đang lúng túng trong việc xác định nguồn tiền nào - từ ngân sách, từ tiền đóng thuế của người dân, hay từ các ngân hàng và doanh nghiệp - sẽ được sử dụng để giải quyết nợ xấu.

Một sự trì đọng đến kinh ngạc đang diễn ra trong bầu không khí nền kinh tế gần như bất động. Những dấu hiệu về tăng giá trị và đơn hàng xuất khẩu đầu năm nay khó có thể khỏa lấp nỗi lo về tình trạng hoàn toàn bất cân xứng giữa giá gạo xuất của Việt Nam bị giảm đến 17% trong khi giá xuất gạo bình quân của Thái Lan tăng 4%.

Cũng đã từ một năm nay, kể từ lần đầu tiên khi Ngân hàng nhà nước bắt tay vào “sự nghiệp” giảm trần lãi suất huy động, đã chưa hề có một sự thay đổi lạc quan nào đối với việc các ngân hàng thương mại đẩy vốn vào nền kinh tế. Bất chấp các nghị quyết hàng tháng của Chính phủ vẫn nhắc đi nhắc lại về việc các ngân hàng phải “quyết liệt” giảm lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất này vẫn treo cao ở mức 14-15%. Cũng cho dù được xem là đã được kéo giảm vài ba phần trăm so với trước đây, nhưng thực tế là có đến 80% số doanh nghiệp được “trưng cầu dân ý” đã không còn tỏ ra mặn mà đối với việc vay mượn. Những thông tin xác nhận rõ nét trong vài tháng đầu năm 2013 càng cho thấy vốn chết vẫn tồn ứ một cách kỳ quặc trong hệ thống ngân hàng, trong khi bản thân ngân hàng vẫn phải huy động đều đặn tiền gửi. “Cái chết” của khối ngân hàng cũng từ đó mà phát sinh: gom vào nhiều nhưng không thể đẩy ra, có đến phân nửa số ngân hàng đã rơi vào tình trạng lỗ lã trong năm 2012 - một tình thế ngược lại hoàn toàn với hai năm trước đó.

Vì sao và vì sao?

Câu hỏi còn lại vẫn chỉ là vì sao các cơ quan hữu trách lại quá chậm trễ trong việc giải cứu nền kinh tế và qua đó giải cứu thị trường bất động sản. Khó có ai trả lời được câu hỏi này. Một doanh nghiệp sản xuất thép tấm ở TP.HCM than thở: “Nguyên năm trước, lượng thép tồn kho bao giờ cũng đến vài ba trăm ngàn tấn, không làm cách nào tiêu thụ được trong lúc thị trường bất động sản đìu hiu. Mới đây Thép Việt lại tăng giá thêm 200,000 đồng/tấn, nhưng tình hình bán hàng tháng 2 vẫn giảm đến 38% so với tháng 1. Vậy tăng giá để làm gì? Nhu cầu xây dựng giảm sút thế này làm gì có mấy khách hàng chấp nhận?”.

Gói kích cầu năm 2009 được chính thức ban hành vào đầu tháng 2 năm đó, tại một thông tư của Ngân hàng nhà nước về mức độ lãi suất cho vay được ưu đãi 4%. Đến tháng 6/2009, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và có thanh khoản. Còn vào năm nay, cho tới giờ này mọi chuyện vẫn còn nằm trên bàn giấy. Trong khi đó, nợ đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang đến rất gần.

Vào tháng 4/2012, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản số 780 cho các ngân hàng được “tái cơ cấu nợ”, mà thực chất là giúp các doanh nghiệp con nợ được ân hạn một thời gian. Nhưng từ đó đến nay đã gần một năm, tình hình thanh toán vẫn không hề biến chuyển. Liệu đến tháng 4/2013, chủ nợ và con nợ sẽ nhìn nhau với ánh mắt như thế nào?

Việt Thắng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội: Giá không quá 12 triệu đồng/m2 (17/03/2013)

>   Những lưu ý để không bị 'hớ' khi mua căn hộ (17/03/2013)

>   Nhà và đất diện tích nhỏ rậm rịch mua bán (17/03/2013)

>   Bộ Tư pháp muốn bỏ thu hồi đất vì lý do kinh tế (17/03/2013)

>   Kích cầu tín dụng: Không nên phân biệt nhà nước hay cổ phần (16/03/2013)

>   Điêu đứng vì mua đất xen kẹt (16/03/2013)

>   Cho vay mua nhà, hướng đến nhu cầu thực (15/03/2013)

>   Bơm 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà: Tiền có đến được dân? (15/03/2013)

>   Giải phóng hàng tồn bất động sản: Mở lối thoát “tiểu ngạch” (15/03/2013)

>   Hà Nội muốn bán đấu giá quyền sử dụng đất tại 19 điểm (15/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật