Thứ Sáu, 15/03/2013 15:38

Bơm 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà: Tiền có đến được dân?

Dự kiến từ 15.4 tới, 30.000 tỉ đồng sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm ra để hỗ trợ cho người dân mua nhà lần đầu và các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất 6%/năm, thời hạn vay 10 năm với cá nhân, 5 năm đối với doanh nghiệp.

* Dự thảo: NHNN áp lãi suất cho vay nhà ở xã hội 6%/năm từ 15/04/2013

Đây là nội dung mới nhất trong dự thảo thông tư quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết 02 của Chính phủ vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.

Liệu tiền có đến được tay người vay để mua nhà?

Lo ngại tài sản thế chấp, lãi suất thả nổi

Theo dự thảo thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ lần thứ 4 của NHNN, người mua nhà lần đầu sẽ được vay mua nhà với lãi suất vay 6%/năm, thời hạn 10 năm, nhưng mức lãi suất (LS) 6%/năm chỉ được giữ ổn định trong 3 năm đầu (đến 15.4.2016). Sau thời điểm này khách hàng sẽ được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN.

Anh Nguyễn Văn Tiến – trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) - băn khoăn, mặc dù NH đưa ra mức LS cho vay là 6% - một mức thấp chỉ bằng 1/2 LS vay hiện nay, nhưng nếu chỉ giữ mức ổn định trong 3 năm thì sau 3 năm mức LS sẽ là bao nhiêu? Trong trường hợp NH thả nổi theo thị trường thì người mua nhà biết làm thế nào vì đã vào thế “ngồi trên lưng hổ”, không có tiền trả lãi, không lẽ lại phải trả lại nhà? Thực tế vừa qua đã có một số NH tuyên truyền khá nhiều ưu đãi cho vay mua nhà nhưng chỉ thời gian ngắn ban đầu, sau đó thả nổi, có thời điểm LS thả nổi lên tới 20%/năm khiến người mua nhà phải bán tháo nhà vì không có đủ tiền để trả lãi.

Về quy định này trong dự thảo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM – trao đổi với PV Lao Động chiều 14.3 cũng cho rằng, đây là quy định hết sức bất cập, không khiến người mua nhà yên tâm. Biến động LS thời gian qua, đặc biệt các năm 2011-2012, LS cho vay liên tục bị điều chỉnh theo hướng tăng dần thì người dân càng không dám mạo hiểm vay tiền. “Nếu muốn người dân thực sự an tâm vay mua nhà, nên áp dụng mức LS vay 6%/năm này kéo dài ổn định trong 20 năm. Nếu LS cho vay của nền kinh tế có thời điểm nào xuống dưới 6%/năm thì cũng phải điều chỉnh hạ mức lãi vay này xuống tương ứng mức chênh lệch với LS thương mại” - ông Châu nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Cty GP Invest - cho rằng, LS cho vay 6%/năm với chủ đầu tư là hợp lý nhưng với người thu nhập thấp thì cũng không phải là ưu ái lắm, vì với một căn nhà 600 triệu đồng, mức lãi hàng tháng như vậy cũng vẫn là cao. “Theo quan điểm của tôi thì NHNN nên cân nhắc hạ thêm mức LS này xuống vì xu hướng LS đang có chiều hướng hạ, nếu giữ cứng mức LS này trong 3 năm thì chưa hẳn đã phù hợp, vì đã là chủ trương hỗ trợ người thu nhập thấp thì lại càng phải tạo điều kiện hơn” - ông Hiệp nhận xét.

Bên cạnh đó, điều 6 về tài sản bảo đảm tiền vay ghi rõ: “NH xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”, theo ông Hiệp, cũng nên bỏ điều kiện này vì đã là người thu nhập thấp thì họ làm gì có gì để thế chấp. “Tài sản đảm bảo, theo tôi, chính là căn hộ được mua. Vì vậy, nên ghi rõ trong thông tư là: Người mua không cần thế chấp. Nếu bắt buộc phải thế chấp thì được quyền thế chấp bằng chính căn hộ đó” - ông Hiệp nói.

Đây cũng là lo ngại chung của nhiều người dân thuộc đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà. Trao đổi với một số người dân tại khu vực Trung Yên, Nhân Chính (Hà Nội), nhiều người dân cũng khẳng định, nếu NH lấy tài sản đảm bảo là một trong những điều kiện để cho vay thì người lao động khó có thể tiếp cận được nguồn vốn dù biết là LS thấp. “Quy định hiện nay của các NH là không dùng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp, trong khi chúng tôi phần lớn đang đi thuê nhà, lấy đâu sổ đỏ thế chấp cho NH?” - chị Hà Thị Loan chất vấn.

Cẩn thận cục nợ xấu mới

Trao đổi với PV Lao Động chiều 14.3, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, ông rất ủng hộ chủ trương của NHNN khi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội được vay với LS 6%/năm. Tuy nhiên, theo ông, nên nâng tỉ lệ đối ứng bắt buộc với các chủ đầu tư để nguồn tín dụng ưu đãi được sử dụng an toàn, đúng mục đích.

“Dự thảo hiện nay quy định chủ đầu tư được vay đến 70%, vốn đối ứng 30%. Để không muốn biến việc cho vay tốt đẹp này thành một cục nợ xấu khác, theo tôi nên nâng tỉ lệ vốn đối ứng của chủ đầu tư lên. Chủ đầu tư phải lo được từ 60-70% nguồn vốn cho dự án, nguồn vốn này có thể huy động từ nhiều nguồn: Vốn tự có, vốn trái phiếu DN v.v... Bên cạnh đó, phải có một cơ quan xác định chủ đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án không, vì không loại trừ mức LS 6%/năm và nhiều ưu đãi hấp dẫn của nhà ở xã hội sẽ khiến nhiều DN nhảy vào đầu tư phân khúc này, hình thành nợ xấu ngay trong các dự án nhà ở xã hội. Chưa kể việc nâng tỉ lệ vốn đối ứng của DN cũng là làm tăng thêm trách nhiệm, đảm bảo tính an toàn, thành công của dự án” - ông Hiệp góp ý kiến.

Một DN khác giấu tên tại TPHCM cũng cho rằng, NHNN cần cân đối tỉ lệ phân bổ nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỉ này, nên để cho người dân vay mua nhà là đối tượng thụ hưởng chính, hạn chế cho DN vay trực tiếp, vì nếu không đồng vốn sẽ chỉ chạy lòng vòng trong NH và giúp một số DN BĐS đảo nợ!

Phạm huệ

lao động

Các tin tức khác

>   Giải phóng hàng tồn bất động sản: Mở lối thoát “tiểu ngạch” (15/03/2013)

>   Hà Nội muốn bán đấu giá quyền sử dụng đất tại 19 điểm (15/03/2013)

>   Lấy lại niềm tin thị trường (15/03/2013)

>   Lo ngại lợi ích nhóm khi thu hồi đất (15/03/2013)

>   Vay mua nhà lãi suất 6%/năm (15/03/2013)

>   Nhiều dự án xin chuyển sang nhà ở xã hội (14/03/2013)

>   “Nên bỏ thu hồi đất với lý do phát triển kinh tế” (14/03/2013)

>   Căn hộ cho thuê giá bình dân: Xu hướng hợp thời (14/03/2013)

>   Dự thảo: NHNN áp lãi suất cho vay nhà ở xã hội 6%/năm từ 15/04/2013 (14/03/2013)

>   Thị trường địa ốc khủng hoảng niềm tin (14/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật