Lo ngại lợi ích nhóm khi thu hồi đất
“Các quy định về đất đai hiện hành không còn phù hợp, thậm chí có những điểm bất cập gây cản trở sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật mới về đất đai, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là rất cần thiết”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nói như trên, tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (14-3).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Dự thảo Luật vẫn khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, quy định rõ quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất trong dự thảo Luật đã được quy định cụ thể hơn, khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều ý kiến vẫn lo ngại vấn đề lợi ích nhóm, không đảm bảo quyền và lợi chính đáng của người dân khi quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Một số ý kiến cho rằng, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế những bất cập có thể phát sinh trong thực tiễn, ngăn chặn lợi ích nhóm.
Liên quan đến việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, các ý kiến đều ủng hộ quy định tại phương án 1 (Điều 161 của Dự thảo Luật) là phải công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, đảm bảo lợi ích của người dân và Nhà nước.
Việc công chứng sẽ góp phần hạn chế các giao dịch bất động sản không có thật, hạn chế các yếu tố lừa đảo, lừa dối trong các giao dịch về quyền sử dụng đất, nhất là trong các trường hợp thừa kế theo di chúc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hoàng Long
tiền phong
|