Thứ Hai, 04/03/2013 15:18

Nuôi nợ… xấu !

Nghe ra có vẻ nghịch lý, nhưng đó là sự thật đối với một số NHTM hiện nay bị “lâm thế”, hay nói đúng hơn là vào thế chẳng đặng đừng.

Có thể nhìn thấy qua NHTM bị rơi vào diện “kiểm soát đặc biệt”, tức mọi hoạt động cho vay phải được kiểm soát từ NHNN, hay những NH yếu, những NH này hầu như tăng trưởng tín dụng không có hoặc âm, dịch vụ gần như con số không, nhưng lại huy động vốn với lãi suất rất cao so với các NH khác.

Chẳng hạn trần lãi suất huy động 8%/năm, thì họ huy động từ 11-12%/năm, tùy theo món tiền nhiều hay ít và chỉ huy động trong ngắn hạn, thông thường là 1 tháng, lãi suất chênh lệch trả trước (bằng nhiều chiêu lách), lãi suất thực (8%) trả sau cuối kỳ rồi tiếp tục đáo hạn hợp đồng.

Vậy họ huy động cao để làm gì? Câu trả lời đơn giản là để phòng ngừa mất thanh khoản, tăng trích lập dự phòng rủi ro và cho vay một số khách hàng nhỏ với lãi suất bằng hoặc hơn chút ít so với lãi suất huy động.

Để bù cho khoản lỗ chênh lệch giữa huy động và cho vay, hay nói đúng hơn bù vào chi phí hoạt động NH là từ các “con nợ” đến nay chưa thể trả được mà trước đây vay với lãi suất cao và bị đưa vào diện nợ xấu.

Chẳng hạn trước đây có thời điểm khách hàng vay với lãi suất lên đến 20-22%/năm, nay NH chấp nhận giảm lãi theo mặt bằng chung nhưng với điều kiện phải trả nợ cũ để vay lại bằng hợp đồng mới.

Khoản vay từ vài chục đến trăm tỷ đồng thì khách hàng vay lấy đâu ra tiền mặt để trả NH hòng được đáo hạn, đó là chưa nói đến trường hợp nhiều NH “giở quẻ” thu được tiền không cho vay lại, khách hàng chỉ có “khóc ròng” khi đáo hạn bằng tiền “chợ đen”. Do vậy, nhiều doanh nghiệp vay với lãi suất cao đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và nhìn lãi suất cho vay hiện nay như là mơ.

NH bị biểm soát đặc biệt hay NH yếu trước đây do cho vay vô tội vạ để giành khách hàng, nay mới có nợ xấu cao. Tính bài toán đơn giản, nợ xấu cao, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay càng lớn, lợi nhuận càng cao so với các NH khác, trong thời điểm hiện nay chỉ cần kiếm chênh lệch 3% là quá mừng.

Tuy nhiên, lợi nhuận này trong sự phập phồng, lo sợ vì rơi vào thế chẳng đặng đừng phải nuôi nợ xấu, bởi tới lúc khoản nợ xấu này mất khả năng chi trả xem như NH phá sản.

Nhiều NH cho biết hiện nay sẵn sàng cho vay mới lãi suất cực thấp, thậm chí cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp với lãi suất cao nhất cũng chỉ 13%/năm, nhiều NH còn cho nhân viên đi đến tận nhà tiếp thị vay như bán bảo hiểm.

Cũng dễ hiểu, hiện nay nguồn vốn tại nhiều NH đang dư thừa phải tìm đầu ra trong bối cảnh hầu như doanh nghiệp rất ngại vay vì khó tìm được đầu ra cho sản phẩm. Vậy vì sao các doanh nghiệp có nợ xấu không tìm cách đảo nợ hay đảo NH để giảm lãi suất?

Xin thưa, những NH cho vay lãi suất thấp chỉ cho vay mới với những khoản vay nhỏ dễ thu hồi, những khoản vay lớn rất khắt khe trong việc thẩm định. Nói đúng hơn là không có chuyện “ông đang vay ở NH kia với lãi suất cao và đang bị nợ xấu thì tôi lại cho ông đảo NH với lãi suất thấp, như thế không khác nào tôi ôm cục nợ xấu vào thân”.

Công bằng mà nói, trước sự quyết liệt của NHNN, nhiều NHTM đã phải tự tìm cách “tháo nợ xấu”. Chẳng hạn chấp nhận huề vốn hoặc lỗ chút ít, miễn sao thu được nợ để cơ cấu lại nợ xấu.

Thí dụ một doanh nghiệp đang vay 50 tỷ đồng, đến nay lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn lên đến 10 tỷ đồng và bị đưa vào diện nợ xấu. Nếu tài sản thế chấp là dự án mà doanh nghiệp có thể tự tìm được đầu ra để bán, Hội đồng tín dụng NH cho vay sẽ họp lại ra quyết định giảm khoản lãi từ 10 tỷ xuống còn 2 tỷ đồng hoặc bằng không, miễn sao doanh nghiệp trả được nợ gốc, xem như nợ xấu tự nó cơ cấu.

Cũng thí dụ tương tự như trên, nhưng trong trường hợp NH tự cơ cấu nợ xấu, tức cộng dồn vốn gốc và lãi, sau đó làm lại hợp đồng vay mới số tiền 60 tỷ đồng với lãi suất hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp này Hội đồng tín dụng đánh giá đây là món vay có khả năng trả nợ và được xếp vào nợ nhóm 3 hoặc 4.

Một trường hợp xử lý nợ xấu nữa là trích từ nguồn dự phòng rủi ro. Tức khách vay thuộc nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), Hội đồng tín dụng NH chấp nhận loại khỏi bảng cân đối kế toán đưa vào tài khoản ngoại bảng, sau đó trích lợi nhuận đưa vào nguồn dự phòng rủi ro để bù lỗ, nhưng vẫn quyết liệt đòi nợ. Và đây chính là kết quả nhiều NHTM công bố giảm lợi nhuận trong năm 2012.

Song cũng phải thừa nhận rằng, chính sự quyết liệt này đã đưa nợ xấu từ trên 8%/tổng dư nợ (tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng) xuống còn 6% (tương đương 50.000 tỷ đồng) mà NHNN vừa công bố mới đây.

Trần Hải

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Ngân hàng lo tồn kho vốn (04/03/2013)

>   Thanh toán không dùng tiền mặt cần chuẩn bị thêm nhiều bước (04/03/2013)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam nên miễn phí ATM (04/03/2013)

>   Đấu thầu để giảm giá vàng (04/03/2013)

>   Về lâu dài cần tính đến việc điều chỉnh tỉ giá (04/03/2013)

>   Đại diện NHNN nói về đánh thuế tiền gửi: Đề xuất thiếu thực tế (04/03/2013)

>   Chủ tịch HoRea: Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm "từ cái tâm” (04/03/2013)

>   Máy ATM phải hoạt động 24/24 giờ (04/03/2013)

>   Mua bán vàng miếng: Bình ổn có... ổn? (03/03/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước chưa đấu thầu vàng miếng (03/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật