Thứ Hai, 04/03/2013 11:20

Ngân hàng lo tồn kho vốn

Mặc dù ngân hàng Nhà nước chưa giảm lãi suất điều hành, song nhiều ngân hàng đã phải mạnh tay giảm lãi suất cho vay, do thị trường tín dụng nghẽn đọng đầu ra.

Cuối tháng 2 vừa qua, phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã có chuyến công tác dài ngày tại Hà Nội, chủ yếu để gặp gỡ với lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn nhằm tìm kiếm, mở rộng khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay vốn phổ biến của ngân hàng hiện đã giảm xuống còn khoảng 9 – 10%/năm, song tại cuộc gặp gỡ với các đối tác lớn, lãi suất chào chỉ xấp xỉ 8%. Thậm chí, một khách hàng lớn đã ký với ngân hàng hợp đồng tín dụng 100 triệu USD, có nhu cầu mở rộng tín dụng thêm 100 triệu USD nữa, có thể được hưởng mức lãi suất thấp hơn nhiều.

Lựa chọn khắc nghiệt

“Ngân hàng không có thị trường đầu ra cũng phải hạ giá sản phẩm, tìm đủ biện pháp để bán hàng, nếu không vốn tồn đọng khác gì doanh nghiệp tồn kho”, vị lãnh đạo ngân hàng trên so sánh một cách hình ảnh.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, tại Hà Nội, thừa nhận, hai tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng của họ đang âm khoảng 5 – 6%. Cái khó bó đầu ra của ngân hàng, đó là có một số doanh nghiệp được mời vay lãi suất 8 – 10%/năm, song họ từ chối; trong khi nhiều doanh nghiệp khác đề nghị được vay vốn, sẵn sàng trả lãi suất 12 – 13%/năm nhưng ngân hàng không dám cho vay. “Đây là một sự lựa chọn khắc nghiệt, để làm sao không phát sinh nợ xấu. Còn nếu cho vay dễ dãi, thì chỉ trong một vài tháng, tăng trưởng tín dụng của chúng tôi có thể dương vài phần trăm ngay”, tổng giám đốc ngân hàng này nói.

Không thông tin cụ thể mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2013 đến nay, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại chỉ cho biết ngắn gọn là “rất chậm”. Do vậy, lãi suất cho vay vốn của ACB thời gian qua liên tục được điều chỉnh, hiện bình quân chỉ vào khoảng 11,5%/năm. Theo phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ, lãi suất cho vay thu mua lúa gạo của ngân hàng hiện dao động 9 – 10%/năm; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được khuyến khích lãi suất còn thấp hơn, chỉ khoảng 8 – 9%/năm…

Mở rộng tín dụng vẫn là thách thức

Khó khăn trong mở rộng tín dụng là bức tranh chung của hệ thống ngân hàng thương mại. Thời điểm cuối tháng 2 (tuần từ 18 – 23.2), lãi suất đồng Việt Nam (VND) trên thị trường liên ngân hàng đã hạ xuống mức thấp kỷ lục: còn 3,24%/năm với kỳ hạn qua đêm; dao động từ 4,5 – 5,5%/năm các kỳ hạn từ hai tuần đến một tháng... Điều đó phản ánh thị trường vốn đầu ra nghẽn đọng, các ngân hàng buộc phải chấp nhận gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất “bèo bọt” – chỉ bằng phân nửa mức trần lãi suất huy động. Điều này cũng cho thấy các ngân hàng đã thận trọng hơn thay vì cho vay bằng mọi giá như trước.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho rằng trong bối cảnh cầu tín dụng thấp như hiện nay, xu hướng giảm lãi suất sẽ nhanh, mạnh hơn nếu ngân hàng Nhà nước có các công cụ chính sách hỗ trợ cho xu hướng thị trường. Tuy nhiên, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm nhận định, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ thận trọng trong sử dụng các công cụ lãi suất, nhất là trong việc giảm trần lãi suất huy động, bởi sức ép lạm phát có dấu hiệu trở lại khi hai tháng đầu năm 2013 đã tăng tới 2,5%; lãi suất huy động tiếp tục giảm sẽ càng khiến vốn vào hệ thống ngân hàng khó khăn. Ông Kiêm nói: “Các tín hiệu vĩ mô để giảm lãi suất điều hành chưa rõ ràng. Bản thân mỗi ngân hàng, căn cứ vào kế hoạch kinh doanh, phải chủ động lựa khách để điều chỉnh lãi suất”, ông Kiêm nói.

Trên thực tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua giảm nhanh, không phải do nền kinh tế chuyển động tốt lên, luân chuyển hàng hoá tốt, tồn kho giảm… mà do các ngân hàng thương mại đã dùng trích lập dự phòng rủi ro để xoá đi một phần nợ xấu. Nghĩa là, các ngân hàng đã đánh đổi lợi nhuận để giảm nợ xấu, chứ không phải bản thân các khoản nợ xấu tốt lên. Do vậy, dù mặt bằng lãi suất tới đây có tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng vẫn là một thách thức của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận định dù sức ép giảm lãi suất gia tăng, NHNN cũng phải chờ đợi diễn biến lạm phát trong quý 1 và nhiều khả năng, trần lãi suất huy động 8%/năm có thể tiếp tục duy trì trong sáu tháng đầu năm 2013. Khả năng giảm lãi suất điều hành, nếu có, nhiều khả năng diễn ra vào sáu tháng cuối năm, với mức giảm không quá lớn, xoay quanh mức 1%/năm. Ông Nghĩa khuyến nghị: “Ngân hàng cần có chiến lược duy trì lãi suất huy động ngắn hạn và dài hạn hợp lý, trên cơ sở đó điều chỉnh lãi suất tín dụng theo hướng hỗ trợ khách hàng đầu tư trung dài hạn để đón đầu xu thế phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh hơn, rõ ràng hơn vào nửa cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014”.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thanh toán không dùng tiền mặt cần chuẩn bị thêm nhiều bước (04/03/2013)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam nên miễn phí ATM (04/03/2013)

>   Đấu thầu để giảm giá vàng (04/03/2013)

>   Về lâu dài cần tính đến việc điều chỉnh tỉ giá (04/03/2013)

>   Đại diện NHNN nói về đánh thuế tiền gửi: Đề xuất thiếu thực tế (04/03/2013)

>   Chủ tịch HoRea: Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm "từ cái tâm” (04/03/2013)

>   Máy ATM phải hoạt động 24/24 giờ (04/03/2013)

>   Mua bán vàng miếng: Bình ổn có... ổn? (03/03/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước chưa đấu thầu vàng miếng (03/03/2013)

>   Không khéo lại "béo" ngân hàng? (03/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật