Nợ xấu - Tìm rễ để cắt
Theo số liệu của NHNN, nợ xấu của DN quốc doanh có sử dụng vốn tín dụng chiếm 70% tổng số nợ xấu. Điều này chứng tỏ rằng, sử dụng vốn kém hiệu quả của DNNN là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh nợ xấu.
Vấn đề đặt ra là tại sao các ngân hàng lại tranh giành nhau đổ tiền vào các DN mà họ biết rõ là sử dụng vốn không hiệu quả ?
Ba vấn đề gốc rễ của nợ xấu
Nghịch lý này được cắt nghĩa bởi ba lý do: Thứ nhất, nợ xấu của DNNN trên thực tế từ lâu đã được giải quyết theo quy trình gồm ba công đoạn: giản, khoanh và xóa nợ. Điều này tương đương với chính phủ cam kết đảm bảo các khoản vay của DNNN, do vậy chúng được coi là an toàn, mặt khác, trong điều kiện đó, lợi nhuận của ngân hàng không phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn của DNNN mà phụ thuộc vào khối lượng cho vay, do vậy ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động này để thu lợi nhuận. Nói một cách khác, bản thân nền kinh tế hàm chứa trong lòng nó cơ chế tự động tạo ra nợ xấu.
Thứ hai, trong trường hợp phát sinh rủi ro thì, các bên có liên quan như: giám đốc DNNN, giám đốc ngân hàng... ký phê duyệt vốn vay đều không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Đây là nguyên nhân chủ yếu, một mặt làm cho phân bổ vốn lệch lạc, kém hiệu quả, mặt khác làm thất thoát và lãng phí rất lớn vốn nhà nước. Nói một cách khác, thiếu vắng nhân tố thể chế đảm bảo cho việc kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn là một trong các nguyên nhân chủ yếu của nợ xấu.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng yếu kém. Như chúng ta đã biết, một mặt, ngân hàng trung ương không phải là ngân hàng độc lập, mặt khác, mối liên hệ giữa nó và các ngân hàng trong hệ thống lỏng lẻo. Năm 2011, hầu hết các ngân hàng đã cho vay với lãi suất từ 25-30% trong nhiều trường hợp còn cao hơn nữa. Nếu hiểu nợ xấu là khoản nợ ít hay không có khả năng thu hồi thì toàn bộ khoản vay với lãi suất từ 15% trở lên đều là nợ xấu, bởi lẽ lợi nhuận bình quân của các DN cao nhất cũng chỉ đạt mức 15%/năm, do vậy không có khả năng hoàn trả vốn vay. Trong bối cảnh đó, chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt hơn khiến cho lãi suất tăng vọt, đẩy hàng loạt DN vào tình trạng phá sản... Tất cả những điều này cho thấy một trong các vấn đề cốt lõi của xử lý nợ xấu là cấu trúc lại hệ thống ngân hàng hiện nay.
Xử lý bắt đầu từ cơ chế
Từ những trình bày ở trên có thể rút ra hai kết luận mang tính nguyên tắc: Thứ nhất, nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nếu loại bỏ được cơ chế tự động tạo ra nợ xấu; Thứ hai, ba nhân tố chủ yếu cấu thành cơ chế này gồm: Chế độ trách nhiệm tập thể, DNNN và hệ thống ngân hàng. Thành thử, để có thể loại bỏ cơ chế tự động tạo ta nợ xấu đòi hỏi phải cấu trúc lại DNNN, ngân hàng… Đây là những vấn đề vô cùng phức tạp và cần có thời gian. Xử lý nợ xấu ở nước ta là một quá trình thậm chí là lâu dài. Điều này là trái ngược với xử lý nợ xấu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Yêu cầu của xử lý nợ xấu, thường là triệt để và nhanh chóng, trái lại xử lý nợ xấu ở nước ta lại là một quá trình.
Như vậy, để có thể áp dụng mô hình Cty mua bán nợ ở nước ta cần có hai điều kiện tiên quyết: Thứ nhất, loại bỏ cơ chế tự động tạo ra nợ xấu. Thứ hai, quỹ thời gian cần thiết được coi là một quá trình lâu dài. Rõ ràng là chừng nào còn tồn tại cơ chế tự động tạo ra nợ xấu thì Cty mua bán nợ hoàn toàn không có tác dụng giải quyết nợ xấu và để có thể loại bỏ cơ chế này cần phải có thời gian. Chắc chắn là không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm xử lý nợ xấu của thế giới vào điều kiện cụ thể của VN.
Xử lý nợ xấu ở VN trước hết là tạo lập một cơ chế mà sự vận hành của nó cũng đồng thời làm cho nợ xấu bị loại bỏ. Để tạo lập được cơ chế này cần chú ý rằng, một mặt của cơ chế thị trường là cơ chế điều tiết của chính phủ mà nhân tố trung tâm là chế độ trách nhiệm cá nhân. Chế độ này được hiểu là nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân trong bộ máy công quyền được luật pháp hóa như cơ sở cho một chế tài tự động trừng phạt khi trách nhiệm và nghĩa vụ không được thực thi hay thực thi có sai hỏng. Giả định chế độ này được thực thi ở nước ta, do vậy nếu phát sinh nợ xấu thì, không chỉ người đúng đầu DN quốc doanh mà còn người đứng đầu của bộ chủ quản, giám đốc ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm tương ứng với quyền hạn của mình.
Đây chính là cơ chế ngăn ngừa quan chức trong cơ quan công quyền lạm dụng quyền lực và trách nhiệm tập thể để trục lợi. Thành thử tạo lập cơ chế này sẽ cho phép cơ cấu lại hệ thống DNNN và ngân hàng, do vậy, có thể kiểm soát được các hoạt động sử dụng vốn hiệu quả, nợ xấu có thể được loại trừ. Nói khác đi, vấn đề chủ yếu của giải quyết nợ xấu không phải là thành lập Cty mua bán nợ quốc gia như người ta vẫn nghĩ.
Qua nghiên cứu xử lý nợ xấu của hàng loạt quốc gia Châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, Ngân hàng thế giới đã rút ra kết luận rằng, mức độ phục hồi nợ xấu của các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… sẽ tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba nếu được xử lý triệt để và nhanh chóng. Dựa vào kinh nghiệm này người ta khẳng định xử lý nợ xấu ở nước ta phải theo phương châm triệt để, dứt điểm và càng nhanh càng tốt. Kết luận dựa vào kinh nghiệm này hoàn toàn trái ngược với thực tiễn của VN.
Xử lý nợ xấu ở VN trước hết là tạo lập một cơ chế mà sự vận hành của nó cũng đồng thời làm cho nợ xấu bị loại bỏ. |
Như đã nêu trên, xử lý nợ xấu ở VN chỉ có thể nếu trước hết là tạo ra một thể chế và chính sách cho phép cấu trúc lại hệ thống DNNN, ngân hàng và nói chung là toàn bộ nền kinh tế. Đây là một vấn đề phức tạp và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nói khác đi, việc giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu thông qua mua bán nợ quốc gia là không phù hợp với điều kiện hiện nay của VN.
Trong thời gian gần đây, có nhiều quan điểm trong việc xử lý nợ xấu, giải cứu thị trường bất động sản, tạo lập thương hiệu vàng quốc gia, thu phí bảo trì đường bộ…
Thực tế đã phản ứng. Sự chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước chẳng những không giảm mà còn tăng lên 5 triệu đồng một lượng thay vì cho khoảng 2 triệu đồng trước đây. Sự chênh lệch này đã kích thích nhập lậu vàng, tạo nên tình trạng không thể kiểm soát. Chắc chắn là thu phí bảo trì đường bộ trong vòng vài thế kỷ nữa cũng không bao giờ trở thành khâu đột phá của nâng cao chất lượng đường bộ như mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách. Bơm vốn vào thị trường bất động sản, bán các căn hộ hiện có cho người thu nhập thấp, chia nhỏ các căn hộ, xây những căn nhà có diện tích khoảng 30 - 50 m2… chẳng những không thể giải cứu được thị trường bất động sản mà còn tạo ra các khu ổ chuột trong tương lai. Thời gian đã và sẽ còn kiểm chứng tất cả những vấn đề này. Sự tồn tại của cơ chế tự động tạo ra nợ xấu chẳng những làm cho Cty AMC không có khả năng giải quyết nợ xấu, mà còn biến nó thành Cty quốc gia tạo ra nợ xấu. Nợ xấu chắc chắn không thể xử lý bằng một vài lời phán đại.
TS
Lê Duy Hiếu - Viện kinh tế VN
Diễn đàn DN
|