Độc quyền ngân hàng: Ngày càng tăng
Một câu hỏi đặt ra là việc tăng độc quyền của ngành ngân hàng liệu có giúp nền kinh tế thoát khỏi cảnh khủng hoảng hiện nay.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTG) vừa quyết định tăng vốn điều lệ từ 26.200 tỉ đồng lên 32.600 tỉ đồng. Nguồn tiền cho đợt tăng vốn này được lấy từ việc bán 20% cổ phần cho Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (Nhật). Điều này sẽ đưa CTG trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, trên cả Ngân hàng Agribank với mức chênh lệch là hơn 3.000 tỉ đồng.
Sau khi tăng vốn lên 32.600 tỉ đồng, VietinBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam
|
Đáng chú ý là việc tăng vốn của CTG sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngân hàng qua việc làm gia tăng mức độ tập trung ngành. Đây là một chỉ tiêu đo lường sự cạnh tranh của ngành, được tính bằng tỉ lệ tổng tài sản của nhóm các ngân hàng top đầu (thường là 4 hoặc 5 ngân hàng) so với tổng tài sản của cả ngành. Tỉ lệ này càng thấp, nghĩa là các ngân hàng top đầu chia sẻ thị phần với các ngân hàng khác nhiều hơn và thị trường sẽ mang tính cạnh tranh hơn và ngược lại.
Như vậy, việc tăng vốn của CTG sẽ làm giảm tính cạnh tranh, nhất là khi CTG vốn đã nằm trong nhóm “tứ trụ” cả về vốn điều lệ lẫn tổng tài sản.
Góp phần làm giảm tính cạnh tranh của ngành ngân hàng còn có yếu tố hợp nhất và sáp nhập. Có thể thấy, hệ thống ngân hàng chưa bao giờ chịu áp lực hợp nhất và sáp nhập mạnh mẽ như giai đoạn 2011-2012 vừa qua. Chẳng hạn như cuộc hợp nhất giữa 3 ngân hàng gồm Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ficombank và TinNghiaBank hay việc Habubank sáp nhập với SHB. Thậm chí, hãy thử tưởng tượng có sự hợp nhất giữa Sacombank, Ngân hàng Á Châu và Eximbank thì sẽ có một ngân hàng cực lớn ra đời với vốn điều lệ ngang bằng với CTG cùng lượng khách hàng khổng lồ.
Vì thế, giảm số lượng ngân hàng cũng đồng nghĩa với giảm tính cạnh tranh. Điều này trái ngược với giai đoạn trước đây. Theo Ngân hàng Thế giới, mức độ tập trung ngành ngân hàng ở Việt Nam có xu hướng giảm dần kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong đó giai đoạn 2004-2008 là giảm mạnh nhất. Điều này là do cuộc chạy đua từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị. Kết quả: nhóm các ngân hàng lớn đã phải chấp nhận chia sẻ thị phần.
Điều đặc biệt là nếu giai đoạn trước năm 2007, Việt Nam có mức độ tập trung ngành cao hơn nhiều so với các nước khác, chẳng hạn như Thái Lan thì kể từ sau năm 2007, tỉ lệ này đã giảm mạnh và thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy thị trường ngân hàng Việt dường như đã cởi mở quá nhanh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, mức độ tập trung ngành gia tăng đều có điểm lợi và bất lợi. Điểm lợi là hệ thống sẽ tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh do có quá nhiều các ngân hàng, như cuộc chạy đua lãi suất gần đây. Còn nhược điểm là dễ dẫn đến độc quyền mà kết quả cuối cùng là chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ gia tăng.
Ngân hàng Nhà nước đang lựa chọn con đường gia tăng mức độ tập trung ngành bằng cách khuyến khích các thương vụ hợp nhất và sáp nhập với hai mục đích. Thứ nhất là để loại bỏ các ngân hàng yếu kém. Thứ hai là nỗ lực tạo ra một ngân hàng lớn có đủ sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lập luận ở đây là số lượng ngân hàng ít đi sẽ giúp cho nhà điều hành quản lý tốt hơn và các ngân hàng lớn thường cẩn trọng và hoạt động hiệu quả hơn ngân hàng nhỏ.
Phản biện lại ý kiến này, trên blog của mình, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho rằng các ngân hàng lớn thường phức tạp hơn nhiều so với ngân hàng nhỏ bởi có nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn. Và các ngân hàng lớn chưa chắc hoạt động hiệu quả bằng ngân hàng nhỏ. Ngân hàng lớn cũng thường có nhiều cách để lách luật, hoặc tệ hơn là tác động đến chính sách để có lợi cho mình. “Do đó, Ngân hàng Nhà nước không nên tìm cách giảm số lượng hoặc tăng độ lớn các ngân hàng nội địa, bởi xu hướng chung trên thế giới hiện giờ là giảm mức độ tập trung ngành”, ông nói.
Điều ông Giang lo ngại là có cơ sở. Nếu như sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, cụm từ “quá lớn để sụp đổ” được nhiều người biết đến thì trong năm 2011 và 2012, cụm từ “quá lớn để quản lý” lại được nhắc nhiều hơn. Bởi lẽ, đã xảy ra nhiều vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng lớn, có uy tín như vụ rửa tiền của Standard Chartered và HSBC hay vụ thao túng lãi suất Libor dính líu đến hàng loạt ngân hàng.
Trên thực tế, việc gia tăng độc quyền khi kinh tế khủng hoảng là điều từng xảy ra như tại Hàn Quốc. Năm 1998, mức độ tập trung ngành của nước này đã tăng gấp đôi so với năm 1997, lên mức 61,5% và tăng lên mức cao nhất là 90,3% vào năm 2001 rồi sau đó giảm xuống.
Có vẻ như sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ dần độc quyền trở lại. Câu hỏi đặt ra là việc tăng độc quyền của ngành ngân hàng liệu có giúp nền kinh tế thoát khỏi cảnh khủng hoảng hiện nay.
Thanh Phong
nhịp cầu đầu tư
|