Thứ Hai, 25/03/2013 09:23

“Niềm tin của nhiều doanh nghiệp đang mất dần”

“Trước khi dự cuộc họp này, chúng tôi đã ngồi với nhau và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi rằng, ông có đi dự thì cũng không nên phát biểu nữa, vì nói mãi cũng có thay đổi được gì đâu”. Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, kiêm Tổng giám đốc Công ty Thép Bắc Việt, đã mở đầu phần phát biểu của mình như vậy, tại hội nghị doanh nghiệp Hà Nội diễn ra hôm 22/3, với mục tiêu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Dẫn nhập ý kiến của mình như vậy, theo ông Vương, là để người nghe thấy rằng niềm tin của nhiều doanh nghiệp đang mất dần, và lãnh đạo không chỉ của Hà Nội mà còn tại các địa phương khác cần hết sức lưu ý thực tế này.

Một lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận rằng, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khó tiếp cận vốn

Cũng theo ông Vương, việc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm qua của Thủ đô tụt hạng mạnh - từ vị trí thứ 36 của năm ngoái, nay rớt 15 bậc, xếp ở vị trí 51 - đã nói lên được đánh giá của doanh nghiệp đối với bộ máy công quyền, đội ngũ thực thi chính sách.

Chia sẻ với vị Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB - kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nói, thực tế thì dù các cơ quan quản lý có chỉ đạo gì đi nữa, thì các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì họ không có tài sản bảo đảm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, bài toán này đặt ra từ lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.

“Hiện nay, do tình hình khó khăn, thành phố cần hỗ trợ lãi suất cho một số doanh nghiệp, nhóm ngành hàng đối với vốn kinh doanh lưu động. Thực tế hiện nay vẫn chưa thấy giải pháp kích cầu đầu ra, giải phóng hàng tồn kho”, ông Hiển nói.

Rồi ông cũng thành thật rằng, bản thân là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, ông thấy có những khoảng cách giữa các sở, ngành đối với các doanh nghiệp, hiệp hội.

Nhận xét trong giờ giải lao, có đại diện doanh nghiệp thở dài, “ông Hiển làm ngân hàng mà còn phát biểu như thế thì chúng tôi cũng không biết nói gì hơn”.

Sự thiếu trách nhiệm “đến khó tin” của những người làm công tác tham vấn chính sách được ông Vương dẫn chứng bằng Quyết định 12/2011 của Hà Nội ban hành nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó khẳng định rằng “công nghiệp nặng là then chốt, công nghiệp phụ trợ ưu tiên hàng đầu, công nghiệp nông thôn thì quan trọng”. Và rồi, gần hai năm sau, thành phố lại ban hành một quyết định khác, thay thế quyết định nói trên nhưng nội dung thì vẫn na ná vậy.

Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Aprocimex khẳng định “thực trạng doanh nghiệp nói chung hiện đang cực kỳ khó khăn”. Hàng nghìn doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ, doanh nghiệp nội thì không thể cạnh tranh nổi trên sân nhà vì quy mô nhỏ, vốn ít, lãi suất vay lại quá cao…

Muốn tạo được niềm tin ở doanh nghiệp, vị này kiến nghị Chính phủ cần hạ ngay lãi suất cho vay xuống dưới 10% ngay trong quý 2/2013 để các doanh nghiệp có điều kiện trụ vững; cần giảm ngay 50% thuế thu nhập doanh nghiệp ngay chứ không phải chờ đến cuối năm. "Doanh nghiệp mà không còn niềm tin thì cũng không còn sức mạnh nữa”, ông Lý nói.

Lắng nghe chăm chú ý kiến của doanh nghiệp, trong phần kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn: “Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội càng ngày càng tụt hạng. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đang chê Hà Nội rất nhiều”.

Ông hứa sẽ phân tích thật kỹ lưỡng từng nguyên nhân một, trong đó thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế thời gian qua, ông Thảo nói, các mặt hàng tồn kho nhiều, bất động sản chưa được khơi thông, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng phục hồi, luôn có nguy cơ phá sản…

“Nền kinh tế là cơ thể, doanh nghiệp là tế bào, còn vốn chính là máu. Thiếu máu doanh nghiệp sẽ yếu. Vì thế vấn đề cốt lõi vẫn phải là giải quyết được nguồn vốn”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nêu quan điểm, đồng thời lưu ý phía ngân hàng phải làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn.

Từ Nguyên

tbktvn

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xuất khẩu điều lo bị thua lỗ (25/03/2013)

>   Thương mại Việt - Nhật khá cân bằng (25/03/2013)

>   Hầu hết các dự án sử dụng vốn WB đều chậm tiến độ (24/03/2013)

>   ‘Cù lao bạc tỷ’ xơ xác vì nợ nần (24/03/2013)

>   Xoay theo thời (24/03/2013)

>   Quý I/2013: Mỗi tháng xuất khẩu gần 10 tỷ USD (24/03/2013)

>   IEV xây nhà máy khí hóa từ trấu đầu tiên ở Việt Nam (24/03/2013)

>   Nhập siêu tháng 3 ước khoảng 300 triệu USD (24/03/2013)

>   Thép ngoại “đè bẹp” thép nội (23/03/2013)

>   15 DN vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ (22/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật