Thứ Hai, 25/03/2013 06:41

Thương mại Việt - Nhật khá cân bằng

Dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản năm 2013 đạt 29 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái

Năm 2013, dự báo xuất khẩu sang Nhật sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực thủy sản, với các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Đó là thách thức lớn cho doanh nghiệp (DN) trong nước.

Cơ cấu mặt hàng hỗ trợ nhau

Nhật Bản hiện là quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các DN FDI đóng góp 55% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Nhật là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của nước ta, sau Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết trong 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần giai đoạn trước. Với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… Việt Nam nhập siêu khá lớn thì với Nhật Bản, cán cân thương mại giữa 2 nước khá cân bằng. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ trợ cho nhau phát triển chứ không cạnh tranh mạnh như các thị trường khác. Thương mại 2 nước nhiều năm qua cũng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp như Mỹ và một số nước EU.

Chế biến thủy sản để xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Công ty Hai Thanh (Khu Công nghiệp Hiệp Phước - TPHCM).

Trong năm 2012, kim ngạch thương mại Việt - Nhật đạt 25 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 13 tỉ USD và nhập khẩu 12 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu qua Nhật gồm dầu thô, dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện phụ tùng ô tô, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại…

Dù kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng trung bình 18%/năm trong mấy năm qua nhưng thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật mới chiếm con số khiêm tốn là 1,7% nhu cầu nhập khẩu nước này. Dự kiến, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản năm 2013 đạt 29 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần cải thiện chất lượng thủy sản

Năm nay, thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê… là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng qua Nhật. Đây là những mặt hàng hợp thị hiếu người tiêu dùng Nhật, an toàn vệ sinh và là mặt hàng được giảm thuế theo lộ trình Hiệp định Thương mại Tự do Việt - Nhật (VJEPA). Tuy nhiên, thách thức không nhỏ với các DN xuất khẩu là các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm từ Nhật.

Chẳng hạn, thủy sản đang gặp khó từ yêu cầu kiểm soát dư lượng chất ethoxyquin (chất chống ôxy hóa phổ biến trong thức ăn chăn nuôi). Năm 2012, tôm xuất khẩu qua Nhật đạt gần 700 triệu USD, tuy nhiên nhiều lô hàng đã bị trả về do vượt quá dư lượng ethoxyquin. “Tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật bị trả về đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của DN trong nước” - ông Nguyễn Trung Dũng nhận xét. Vì vậy, DN cần kiểm soát chặt chẽ hàm lượng ethoxyquin trong tôm xuất khẩu.

Hàng xuất sang Nhật được kiểm định trong nước

Sau nhiều năm Nhật tự quyết định chất lượng thủy sản nhập khẩu vào nước này, từ ngày 15-3, theo thỏa thuận về an toàn vệ sinh thực phẩm giữa 2 nước, Nhật chấp nhận nhiều mặt hàng thủy sản, thực phẩm của Việt Nam đã được phòng kiểm nghiệm trong nước chứng nhận sẽ không phải tái kiểm nghiệm tại Nhật. Điều này giúp DN chủ động hơn trong việc xuất khẩu qua thị trường này.


Phương Nam

người lao động

Các tin tức khác

>   Hầu hết các dự án sử dụng vốn WB đều chậm tiến độ (24/03/2013)

>   ‘Cù lao bạc tỷ’ xơ xác vì nợ nần (24/03/2013)

>   Xoay theo thời (24/03/2013)

>   Quý I/2013: Mỗi tháng xuất khẩu gần 10 tỷ USD (24/03/2013)

>   IEV xây nhà máy khí hóa từ trấu đầu tiên ở Việt Nam (24/03/2013)

>   Nhập siêu tháng 3 ước khoảng 300 triệu USD (24/03/2013)

>   Thép ngoại “đè bẹp” thép nội (23/03/2013)

>   15 DN vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ (22/03/2013)

>   Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích về chuyện “thất hứa” (22/03/2013)

>   Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (22/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật