Ngân hàng không dễ thở khi bán nợ xấu
Cho dù được Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đồng ý mua lại nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách, song nhiều ngân hàng sẽ vẫn tìm cách giấu nợ, không muốn bán nợ xấu cho VAMC.
Ngân hàng lợi, VAMC không lỗ
Theo Dự thảo Nghị định Thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, VAMC sẽ mua nợ xấu ngân hàng và trả bằng trái phiếu. Với cách làm này, VAMC sẽ không tốn tiền mua nợ, còn các ngân hàng, thay vì phải “ôm” nợ xấu, được sở hữu những giấy tờ có giá để đem lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiết khấu.
Theo Dự thảo trên, VAMC sẽ mua nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách. Điều này càng được củng cố qua lời phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về bản chất của VAMC tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ - ngân hàng tổ chức ngày 21/3 tại Đà Nẵng. Như vậy, thay vì vừa phải trích lập dự phòng rủi ro mà nợ xấu vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản, ngân hàng bán nợ cho AMC. Cho dù vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, song ngân hàng đã đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Mới nghe qua, cứ tưởng ngân hàng lợi lớn, trách nhiệm xử lý nợ xấu thuộc về VAMC, song thực tế không hẳn như vậy. Nguyên tắc hoạt động của VAMC là phải bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, nên không có khả năng thua lỗ. Chính vì vậy, trái phiếu mà VAMC phát hành để trả cho ngân hàng bán nợ chỉ có giá trị trong 5 năm, với lãi suất bằng 0%. Có nghĩa là, ngân hàng không thể bán đứt nợ xấu cho VAMC, mà chỉ được giãn thời gian xử lý nợ xấu trong 5 năm, còn trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng.
Theo Dự thảo Nghị định trên, trong 5 năm đó, mỗi năm ngân hàng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu. Nếu sau 5 năm, nợ xấu chưa bán được, VAMC cũng không mất gì vì lúc đó ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% giá trị trái phiếu. Còn ngân hàng được nhận khoản nợ về, nhưng nợ xấu lúc đó đã ra khỏi bảng kế toán, tức đã không còn là nợ xấu, song ngân hàng vẫn được quyền đòi nợ.
Sẽ có nhiều ngân hàng không muốn bán nợ
Rõ ràng, bán nợ cho AMC, ngân hàng được lợi lớn, vì vừa làm sạch được nợ trong bảng cân đối tài sản, lại vừa có thêm khoản tiền để hoạt động. Tuy nhiên, cái giá mà ngân hàng phải trả khi bán nợ cho VAMC cũng khá đắt. Mỗi khoản nợ bán ra, ngân hàng đều phải trích lập dự phòng rủi ro 20%. Điều này có nghĩa là, lợi nhuận ngân hàng sẽ bị hao hụt một cách khủng khiếp. Tuy nhiên, ngân hàng chây ỳ bán nợ cũng không được, vì theo quy định sắp ban hành, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ buộc phải bán nợ cho VAMC, nếu được yêu cầu. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi VAMC ra đời, sẽ có nhiều ngân hàng cố tình giấu nợ để khỏi phải bán cho VAMC.
“Nếu giấu nợ, tuy nợ xấu không được giải quyết, song lại không phải trích lập dự phòng rủi ro, không bị áp lực lợi nhuận với cổ đông, tất cả đều cảm thấy vui vẻ. Còn nếu bán nợ cho VAMC, đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro, có khi ban lãnh đạo ngân hàng đó sẽ bị mất ghế”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố là 6%. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, đây là con số nợ xấu ở mức độ lạc quan nhất. Theo một thông tin từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu (tính cả các khoản nợ chưa được cơ cấu lại) tại thời điểm tháng 9/2012 là 17,2%. Trong điều kiện kinh tế chưa hồi phục như hiện nay, số doanh nghiệp thoát khỏi nợ xấu nhờ cơ cấu nợ không nhiều. Số nợ xấu được giải quyết bằng thanh lý tài sản đảm bảo và sử dụng quỹ trích lập dự phòng rủi ro cũng không lớn.
Chưa kể, từ ngày 1/6/2013, khi quy định mới của NHNN về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng đáng kể do nhiều khoản vay được cơ cấu nợ, giãn nợ trước đó sẽ phải quay lại bảng nợ xấu.
Cùng với Thông tư 07/2013/TT - NHNN vừa được ban hành về kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng, nếu NHNN quyết tâm đưa nợ xấu về thực chất, đồng thời quyết liệt xử lý nợ, các ngân hàng sẽ khó chây ỳ xử lý nợ xấu. Và như vậy, hoàn toàn có khả năng một số ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, có thể bị mua lại, hợp nhất, phá sản, thậm chí bị quốc hữu hóa trong thời gian tới.
Hà Tâm
đầu tư
|