Khuyến khích đầu tư, chuyển đổi sang nhà ở xã hội
Chiều 18/3, Bộ Xây dựng đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cùng đông đảo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư dự án nhằm tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng
|
Phần lớn các đại biểu cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã giúp các địa phương chủ động trong việc điều hành, cũng như có cơ sở pháp lý để điều chỉnh những bất hợp lý trong xây dựng và quy hoạch. Các doanh nghiệp cũng đã tự tin và hy vọng hơn trong việc quyết định hướng đi của mình đối với giải quyết hàng “tồn kho” cũng như nợ xấu.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban Chương trình hành động số 22; Sở Xây dựng đã có Kế hoạch số 912 thực hiện các chủ trương trên, trong đó tập trung vào các nội dung như rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quỹ nhà tái định cư...
Giải pháp chính của Hà Nội hiện nay là tập trung khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội; tìm các cơ chế chính sách, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa mặn mà trong việc đăng ký bán nhà thương mại cho thành phố để chuyển mục đích sang nhà thương mại. Nhưng đến thời điểm này đã có ba dự án đã được chấp thuận chuyển đổi.
Về dự án xây dựng mới nhà ở xã hội đến nay đang có sáu nhà đầu tư đăng ký xây dựng ở bảy địa điểm trên địa bàn. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chuyển đổi các dự án nhà sang nhà ở tái định cư, Hà Nội hiện có khoảng 24 dự án có quỹ nhà có thể đặt mua làm quỹ nhà tái định cư với khoảng gần 3.900 căn hộ; trong đó có sáu dự án đang đầu tư với trên 800 căn hộ...
Công tác triển khai phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ngoài vấn đề cơ chế, chính sách, một số doanh nghiệp vẫn còn than phiền do thủ tục rườm rà, chồng chéo và các ban ngành chưa kịp thời điều chỉnh thủ tục giữa quy định mới và cũ, dẫn tới làm được một loại giấy tờ mất hàng tháng trời.
Các địa phương vẫn còn lúng túng và chưa rõ việc quy định ưu đãi về vốn tín dụng cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Giá này đã bao gồm thuế VAT hay chưa, từ đó mới hướng dẫn được các chủ đầu tư thực hiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Văn Khôi khẳng định thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư dự án và đang nhận đăng ký chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Đối với một số dự án có tính khả thi, đã được phê duyệt, chấp thuận đầu tư thì sẽ tích cực đẩy nhanh triển khai và không quá cầu toàn, soi xét một số vấn đề thủ tục liên quan không cần thiết. Mục tiêu của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi trực tiếp cho doanh nghiệp thì sẽ gián tiếp giảm bớt khó khăn cho đối tượng mua nhà xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết tới đây tổ công tác của Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ gắn kết chặt chẽ hơn để thúc đẩy nhanh các dự án. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp cần báo cáo thực hiện hàng tuần và trong trường hợp có việc đột xuất, thủ tục gấp có thể gặp trực tiếp lãnh đạo các đơn vị trên để giải quyết mà không cần đợi đúng ngày quy định.
Hiện nay, nhu cầu người ở nhà xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy trong năm nay phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án; trong đó từ nay đến hết tháng Tư tới cố gắng thực hiện từ 5 đến 6 dự án...
Nguyễn Văn Cảnh
vietnam+
|