Thứ Hai, 18/03/2013 14:48

Giày dép được giảm thuế xuất hàng sang EU

Việc Liên minh châu Âu (EU) công bố Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới dành cho các nước đang phát triển từ ngày 1/1/2014 sẽ tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp (DN) giày dép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo chính thức về việc ngừng cấp ưu đãi thuế quan GSP cho một số mục sản phẩm GSP từ một số nước cụ thể. Kèm theo Quyết định này là danh sách các mục sản phẩm bị coi là trưởng thành đến từ 8 nước, trong đó không có mục sản phẩm nào từ Việt Nam.

Như vậy, sản phẩm thuộc nhóm 12 a và 12 b, chủ yếu là giày dép của Việt Nam đã chính thức được đưa ra khỏi danh sách các mục trưởng thành của EU và được hưởng GSP từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2016.

Theo GSP mới, cơ chế trưởng thành áp dụng khi tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc một mục sản phẩm của một nước vượt quá 17,5% tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả các nước đang hưởng GSP của EU trong vòng 3 năm.

Các DN xuất khẩu giày dép Việt Nam khá phấn khởi khi đón nhận thông tin trên, bởi việc được hưởng GSP đồng nghĩa với việc doanh nghiệp giảm được phần nào gánh nặng về thuế, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm giày dép xuất khẩu. Đặc biệt, EU lại là thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất của ngành da giày.

Theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), năm 2012, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào EU đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (7,26 tỷ USD) của toàn ngành. Nếu được giảm thuế, DN sẽ bớt được một khoản chi phí đáng kể để đầu tư cho các hạng mục khác, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm giày dép của mình.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó tổng thư ký Lefaso nhận định, nhờ được hưởng GSP, nên thuế suất thuế xuất khẩu sang EU đối các loại giày dép xuất khẩu, như giày vải, giày mũ da, giày giả da… đều được giảm khá so với mức thuế hiện tại. Đơn cử, như thuế suất thuế nhập khẩu đối với giày vải sẽ giảm từ 17% xuống còn gần 12%.

Trước đây, có thời điểm, thị trường EU chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, nhưng do bị áp thuế chống bán phá giá, không còn được hưởng GSP (kể từ năm 2009 đến nay), nên tỷ trọng này đã sụt giảm dần.

Các DN da giày Việt Nam đang kỳ vọng, cùng với việc được hưởng lại ưu đãi GSP mới, xuất khẩu sang EU sẽ có cơ hội tăng tốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quang Huy, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty Giày Ngọc Tề (100% vốn đầu tư của Đài Loan, đóng tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, thị trường EU đang chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. “Việc EU ưu đãi GSP mới cho giày dép xuất khẩu Việt Nam là một tin vui đối với Công ty Ngọc Tề nói riêng và DN xuất khẩu giày dép nói chung”, ông Huy nói.

Trong khi đó, bà Tòng cảnh báo, việc được hưởng GSP là một thuận lợi cho các DN xuất khẩu da giày, nhưng cũng chính từ quy định về “ngưỡng” được hưởng GSP và để tránh rủi ro không cần thiết, Lefaso không khuyến khích DN tăng trưởng xuất khẩu đột biến vào thị trường EU. Bởi tăng trưởng đột biến cũng đồng nghĩa với tăng rủi ro các vụ kiện chống bán phá giá, phòng vệ thương mại...

Thế Hải

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lại họp bàn tái cơ cấu Vinashin, Vinalines (18/03/2013)

>   Doanh nghiệp FDI tận dụng tốt lợi thế đầu tư vào Việt Nam (18/03/2013)

>   Người nuôi cá tra vẫn khó chạm vốn ngân hàng (18/03/2013)

>   DOC nâng thuế cá tra: Xuất khẩu sang Mỹ sẽ không giảm? (18/03/2013)

>   Hàng hóa qua luồng xanh hải quan tăng mạnh (17/03/2013)

>   Thống đốc yêu cầu ngân hàng tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu (17/03/2013)

>   Lotte sẽ đầu tư khu phức hợp ở Thủ Thiêm (17/03/2013)

>   Doanh nghiệp lo ngại những rào cản phi thuế quan (17/03/2013)

>   Doanh nghiệp nhà nước và thách thức cải tổ (17/03/2013)

>   Lại thót tim vì… giá điện (17/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật