DOC nâng thuế cá tra: Xuất khẩu sang Mỹ sẽ không giảm?
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định tăng thuế chống bán phá giá cá tra trong đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) lên hơn 25 lần. Tuy nhiên, ngày 17.3, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với một số doanh nghiệp cùng lãnh đạo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), các ý kiến đều cho rằng xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn diễn ra bình thường chứ không gặp bế tắc như một số thông tin đưa trước đó.
* Việt Nam có thể sẽ kiện DOC ra tòa án thương mại
* Mỹ ra phán quyết bất lợi cho cá tra, ba sa Việt Nam
Theo ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, POR8 chỉ đánh thuế doanh nghiệp đang bị áp thuế trong vụ kiện, còn những doanh nghiệp nằm ngoài vụ kiện, với mức thuế xuất khẩu chỉ có 0,03 cen/kg thì vẫn hoạt động xuất khẩu bình thường và đang có cơ hội gia tăng sản lượng cũng như giá bán…
Kẻ buồn, người vui
Ngay sau khi DOC công bố mức thuế suất mới, 8 doanh nghiệp chịu mức thuế suất thấp, nằm ngoài danh sách bị kiện đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất nhằm gia tăng sản lượng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty Agifish An Giang (AGF), một trong số các doanh nghiệp nói trên cho biết công ty bắt đầu có kế hoạch tăng ca ở cả ba nhà máy chế biến để đẩy mạnh sản lượng từ 250 tấn nguyên liệu/ngày lên 300 – 400 tấn cho kịp đơn hàng. Theo ông Ký, từ nhiều năm nay, Agifish do không nằm trong danh sách bị kiện nên công ty đẩy mạnh sản lượng vào thị trường Mỹ. “Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa vào thị trường Mỹ mỗi tháng khoảng 150 container và dự kiện doanh số tại Mỹ năm nay sẽ tăng ít nhất 20 triệu USD so năm ngoái, lên khoảng 60 triệu USD”, ông Ký cho biết.
Tính đến cuối năm 2012 có khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ, trong đó hai doanh nghiệp là Vĩnh Hoàn (VHC) và Anvifish chiếm thị phần dẫn đầu. Tuy nhiên, sau khi chịu thuế suất cao trong lần POR8 này, Vĩnh Hoàn, Anvifish bị áp mức thuế cao sẽ có ít hơn cơ hội xuất khẩu vào Mỹ. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khác thay thế thị phần. Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep cho rằng, với khả năng nội tại về vùng nguyên liệu, nhà máy thì những doanh nghiệp không bị áp thuế cao hoàn toàn có khả năng thay thế. Chính vì vậy, Vasep dự báo năm nay xuất khẩu vào Mỹ không sụt giảm mà vẫn đạt con số từ 280 – 350 triệu USD. Lý do là trước đây, các nhà nhập khẩu của Mỹ tưởng rằng Việt Nam còn cá nên trông chờ vào công bố mức thuế POR8 mới có quyết định mua vào. Sau công bố, mức thuế không giảm như kỳ vọng mà ngược lại đã tăng nên lập tức nhà nhập khẩu phải tiến hành tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng hàng thiếu hụt trước đây. Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng dự đoán chắc chắn giá cá sẽ tăng nên không thể chần chừ được nữa.
“Có thể tháng 3, tháng 4 lượng cá vào Mỹ sẽ giảm do các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn hàng, nhưng từ tháng 5 trở đi sẽ tăng bởi tôi nhận thấy hàng tồn kho của nhà nhập khẩu không còn. Nay thuế cao thì họ cũng phải lo nhập”, ông Minh nói.
Chủ động đối phó, giảm bớt phụ thuộc
Theo quan điểm của Vasep, đối với thị trường Mỹ, vấn đề là doanh nghiệp thay thế tới đây phải ngồi lại với nhau để tính toán mức giá xuất khẩu cho hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ở góc độ pháp lý, việc bán giá thấp hay cao không phải là nguyên nhân chính dẫn đến bị áp thuế bán phá giá, vì một khi Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường thì chưa thể thoát ra khỏi vụ kiện, DOC vẫn có quyền tính giá thành theo cách riêng của họ bằng việc lấy số liệu từ một nước thứ ba đối chiếu, hoàn toàn gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Chúng ta vẫn phải đấu tranh, phải chứng minh cho DOC thấy cách tính giá thành như vậy là sai. Tới đây, Vasep và các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ phải thuê luật sư thường xuyên cập nhật thông tin, thu thập số liệu nuôi trồng cá tra ở các nước trong khu vực như Pakistan, Malaysia, Philippines, Indonesia. Ngoài ra, ngay từ bây giờ phải chủ động thu thập số liệu để chuẩn bị đối phó với POR9”, ông Dương Ngọc Minh nói.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, việc chuyển hướng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ cũng là cách để doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, giảm nguy cơ tiếp tục bị đánh thuế cao. Hiện nay, theo đại diện các doanh nghiệp, trong trường hợp thị trường Mỹ không tiếp tục nhập khẩu cá tra, thì những thị trường như Bắc Mỹ, Nam Mỹ (Brazil, Mexico, Columbia…) hay thị trường châu Âu, hoặc châu Á mà điển hình là Trung Quốc cũng là những kênh nhập cá tra của Việt Nam với số lượng ngày càng tăng. “Doanh số năm 2012 của Hùng Cá là trên 100 triệu USD, dù chúng tôi không có thị phần tại Mỹ”, đại diện công ty thuỷ sản Hùng Cá ở Đồng Tháp cho hay.
“Nhu cầu còn rất lớn, ngành cá tra còn nhiều cơ hội phát triển, những thị trường chúng ta chưa khai thác được do rào cản thuế cao, như Ấn Độ, tới đây phải mở bằng được. Bộ Công thương, bộ Ngoại giao phải đàm phán để tháo gỡ. Còn thị trường châu Âu thì đang hồi phục, đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày một khắt khe hơn nhưng doanh nghiệp đang từng bước đáp ứng được”, ông Minh khẳng định.
Hoàng Bảy
sài gòn tiếp thị
|