Doanh nghiệp tốt không lo cổ phiếu giảm
Với những lợi thế nhất định, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng CTCP Hóa chất và Dầu khí Việt Nam (HOSE: DPM) trong năm 2012 vẫn khả quan và có sự tăng trưởng vượt bậc, góp phần giữ vững niềm tin cho cổ đông và nhà đầu tư đã và đang nắm giữ cổ phiếu này.
Doanh nghiệp tốt
Năm 2012, doanh thu thuần của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt gần 13,312 tỷ đồng, là mức cao nhất mà DPM đạt được từ trước đến nay, một phần nhờ bao tiêu sản phẩm Đạm Cà Mau (đã ngừng vào tháng 11/2012). So với năm 2011, doanh thu thuần năm 2012 của DPM tăng trưởng đến hơn 44% .
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc từng chia sẻ thành công của DPM trong năm 2012 có được là nhờ nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn được vận hành một cách ổn định và an toàn. Hệ thống phân phối, hậu cần ngày càng được hoàn thiện với sự bổ sung của các kho cảng trung chuyển ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, khối kinh doanh cũng luôn bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để linh hoạt điều chuyển, phân bổ hàng một cách hợp lý giữa các vùng miền, giữa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm tận dụng mọi cơ hội đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất. Cụ thể, năm 2012, sản lượng kinh doanh của DPM đạt mức kỷ lục lên đến 900,000 tấn.
Việc tăng giá khí nguyên liệu đầu vào 40% trong năm 2012 và một số chi phí quan trọng khác, như vận chuyển, bốc xếp, vật tư hóa chất nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhưng DPM vẫn đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3,544 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2011, nhưng lại vượt xa kế hoạch cả năm là 2,000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của toàn công ty đạt 3,019 tỷ đồng, vượt xấp xỉ 70% kế hoạch năm (1,787 tỷ đồng).
Tăng trưởng doanh thu của DPM qua các năm
|
Trong một phát biểu hồi đầu năm, ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT cho biết, kết quả khả quan này là nhờ sự hỗ trợ lớn từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các Bộ, Ngành liên quan. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc cung cấp ổn định lượng khí đầu vào cho sản xuất của Nhà máy, qua đó đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc tổng công ty thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm đã góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của DPM.
Tình hình tài chính của DPM luôn là điều mà nhà đầu tư lẫn các doanh nghiệp khác phải ngưỡng mộ. Số dư tiền và tương đương tiền tính đến cuối năm 2012 đã tăng gần 1,600 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 5,629 tỷ đồng, trong đó có gần 5,337 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền và 291 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng.
Giá trị hàng tồn kho được duy trì ổn định ở mức 1,186 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu và giá trị thành phẩm.
Nợ phải trả của tổng công ty chỉ còn 883 tỷ đồng, giảm trên 530 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu vẫn là các khoản phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp, cùng chi phí phải trả. Trong khi nợ vay chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ hơn 9 tỷ đồng.
Với nguồn tiền dồi dào và không phải vướng bận việc mua lại Nhà máy Đạm Cà Mau, Ông Cao Hoài Dương từng phát biểu trên Bản tin Nhà đầu tư do DPM thực hiện rằng, trong thời gian chờ giải ngân vào các dự án đầu tư lớn, Tổng công ty sẽ sử dụng một phần nguồn tiền này để tạm ứng tiếp 10% cổ tức năm 2012 cho cổ đông; đồng thời tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu vào giảm tỷ lệ vay vốn tại các dự án H2O2, tổ hợp NH3-NitatAmon ở mức hợp lý và hiệu quả nhất. Riêng dự án H2O2, DPM xem xét có thể sử dụng tối đa 100% vốn chủ để đầu tư mà không cần dùng đến nguồn tài trợ.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng có kế hoạch mua sắm tài sản trong danh mục tài sản đã được HĐQT phê duyệt, cũng như mua tài sản có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Cao Hoài Dương từng cho biết, Tổng công ty đã xác định năm 2013 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường phân bón chắc chắn sẽ chuyển sang tình trạng dư nguồn cung trong nước (dự kiến dư tới gần 400 nghìn tấn urea), do nhiều nhà máy đạm cùng đi vào hoạt động. Khi đó, lợi thế chuyển từ người bán sang người mua khiến cho mức độ cạnh tranh ngày một thêm quyết liệt.
Tuy nhiên, DPM đã có những đối sách, giải pháp cụ thể nhằm phát huy lợi thế của đơn vị, khắc phục khó khăn, giữ vững thị phần, đảm bảo hiệu quả hoạt động; nhưng cho rằng lợi nhuận 2013 sẽ rất khó duy trì được như năm 2012.
Cổ phiếu tăng mạnh
Là một cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, thị giá DPM đã tăng gần gấp đôi trong vòng 1 năm trở lại. Thống kê từ mức đáy ngày 06/01/2012 (19,600 đồng/cp) đến mức đỉnh ngày 06/02/2013 (47,100 đồng/cp), cổ phiếu này tăng giá gần 131%, tức 26,700 đồng, mức tăng mà rất ít cổ phiếu nào có được trong năm 2012. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nhà đầu tư đã kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu này vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong giai đoạn tăng điểm mạnh nhất của thị trường (28/11/2012 – 20/02/2013), cổ phiếu này tăng giá 34.3%, từ 33,800 đồng lên 45,400 đồng/cp và từ khi thị trường điều chỉnh (21/02), DPM có lúc giảm xuống 41,000 đồng/cp, nhưng nhanh chóng lấy lại cân bằng hiện giao dịch ở mức gần 45,000 đồng/cp. Đây được xem là mức biến động khá ấn tượng so với sự lao dốc của các cổ phiếu đầu cơ lớn trên thị trường như ITA, KBC, PVX, SHB…
DPM cũng là một cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư nước ngoài “yêu thích”. Hầu hết danh mục của các tổ chức đầu tư nước ngoài đều có sự hiện diện của DPM. Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu này, với khối lượng mua ròng hơn 7 triệu đơn vị, trị giá gần 310 tỷ đồng.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|