Doanh nghiệp sợ vay vốn
Sau sóng gió, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của DN không phải là lãi suất cao hay thấp mà chính là làm cách nào để giảm hàng tồn kho. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: sản xuất xe có động cơ tăng 142,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 28,6%; may trang phục tăng 27%; sản xuất giày, dép tăng 31,9%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 25,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 24,6%...
Như vậy, lối mở đầu ra sản phẩm của DN không những không được khơi thông mà có dấu hiệu tắc nghẽn hơn. "Nút thắt cổ chai” chưa có hướng tháo gỡ hiện nay vẫn là hàng tồn kho”, ông Lê Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng từng khẳng định.
Hàng tồn kho chưa thể giải phóng nên DN không dám mạo hiểm đầu tư cho sản xuất vì thế tăng trưởng tín dụng ngân hàng cũng trầm lắng theo. Hiện nay, điều DN cần chính là cơ hội kinh doanh hơn là lãi suất cao hay thấp.
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, lãi suất cho vay cao sẽ là lực cản đối với sự phát triển sản xuất của DN, ngân hàng không thể đưa vốn ra thị trường. Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, điều cần làm ngay của ngân hàng bây giờ là giảm lãi suất cho vay.
"Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất huy động vốn rồi thì cần điều chỉnh lãi suất cho vay vì thanh khoản của ngân hàng trong thời điểm hiện nay đã khá hơn. Trường hợp nếu huy động tiền gửi với mức lãi suất thấp nhưng đầu ra của tiền gửi lại không có, điều đó có nghĩa tiền không thể ra thị trường thì ngân hàng sẽ bị lỗ và bị co cụm lại”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận. Cũng theo ông Kiêm, giảm lãi suất huy động, hy vọng lãi suất cho vay cũng được giảm góp phần cho đơn vị tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn. Lãi suất là một kênh hỗ trợ cho DN, và đó là một kênh quan trọng. vì thế, khi lãi suất cao DN rất sợ vay vốn.
Thanh Giang
đại đoàn kết
|