Thứ Bảy, 30/03/2013 10:28

Vụ đổi mũ bảo hiểm: “Lộ vỡ” Chita và B’Color “cầm trịch” cuộc chơi?

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG), ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, sau khi Ủy ban ATGTQG tổ chức phát động chương trình hỗ trợ giá cho người dân đổi mũ bảo hiểm cũ và giả lấy mũ mới chính hãng, Công ty Á Long và Công ty Chí Thành đã tìm đến Ủy ban ATGTQG đề nghị được tham gia.

Nguồn tin của PLVN cũng cho hay chính hai công ty này đã "bày cuộc chơi" và "cầm trịch", biến một chương trình quốc gia thành "mảnh sân" bán hàng kiểu mới cho doanh nghiệp mình.

Đặt lợi nhuận ngang với phục vụ cộng đồng?

Trước tiên phải khẳng định ngay rằng việc hỗ trợ người dân đổi mũ dởm, mũ cũ lấy mũ đạt chuẩn là một sáng kiến hay cần được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh nhiều người đi xe máy là người lao động nghèo, học sinh, sinh viên, có ý thức bảo vệ mình và tuân thủ pháp luật nhưng không có tiềm lực kinh tế để sắm cho mình mũ tốt, giá cao.

Chính vì ý nghĩa như vậy nên khi được Ủy ban ATGTQG mời họp báo công bố chương trình, nhiều tờ báo lớn (trong đó có PLVN) đã nhiệt tình tham gia và sau đó đưa tin quảng bá nhằm để nhiều người dân biết đến các điểm đổi mũ được trợ giá.

Thế nhưng sự nhiệt tình của truyền thông và niềm tin của người tiêu dùng đã bị "làm giá" khi thực tế diễn ra tại các điểm đổi mũ hơn 1 tuần qua cho thấy, các doanh nghiệp tham gia chương trình nói "vì cộng đồng" nhưng không phải như vậy.

Trong 2 ngày đầu tiên của chương trình, nhãn hàng B’Color đổi được 30 ngàn mũ. Con số của Chita cũng lên đến 10 ngàn mũ. Làm 1 phép tính đơn giản, trung bình mỗi mũ bảo hiểm có giá khoảng 150 ngàn đồng thì Công ty Á Long (Chủ nhãn hiệu B’Color) thu về 4,5 tỷ đồng. Tương ứng, Công ty Chí Thành (Chủ nhãn hiệu Chita) thu được 1,5 tỷ.

Trước đó, thị trường và người tiêu dùng hoàn toàn lạ lẫm với hai thương hiệu mũ bảo hiểm này. Thực tế, khảo sát của PLVN Online cho thấy hai doanh nghiệp này lập 12 điểm đổi mũ bảo hiểm, treo băng rôn có logo của Ủy ban ATGTQG nhưng hầu hết các điểm này không phải đại lý chính thức của hai nhãn hàng. Cả Chita lẫn B’Color đều thuê các cửa hàng bán mũ bảo hiểm nhỏ lẻ, bán đủ các loại mũ kiểu "hợp chủng quốc", trong đó có cả những loại mũ không tên tuổi.

Với cách thức bán hàng đổ đống, thuê mặt bằng ở các điểm công cộng, lề đường, vỉa hè, công viên...cả hai nhãn hàng được các cấp ban ngành tạo điều kiện tối đa ( bình thường nếu không đội mũ của chương trình này, khó lòng hai nhãn hàng chiếm dụng cả vỉa hè cũng như công viên để người dân xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, xe cộ dựng kín đường). Chi phí thuê cửa hàng hầu như không đáng kể, giá bán không hề rẻ và lượng hàng tiêu thụ khổng lồ như đã nói ở trên đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho Chita và B’Color.

Ông Trần Thuận Thành, Trưởng phòng Kinh doanh Khu vực miền Bắc của công ty Chí Thành thừa nhận, khi tham gia chương trình này, công ty đặt vấn đề về tính cộng đồng và doanh thu là ngang nhau. Về hiệu ứng truyền thông, ông Thành cũng cho biết, sau chương trình, rất nhiều người đã không còn lạ lẫm với nhãn hiệu mũ bảo hiểm Chita. Đó là 1 tín hiệu rất…tích cực.

Ông Thành cũng không quên nhấn mạnh: “Tuy nhiên, công ty chấp nhận giảm 1 phần lợi nhuận xuống để phục vụ cộng đồng”. Còn lợi nhuận “bị” giảm thế nào thì ông Thành từ chối tiết lộ, chỉ cho biết 2 ngày đầu trong chương trình đổi mũ, ở mỗi đại lý ủy quyền, số mũ bán được gấp gần 20 lần ngày thường (300 – 400 mũ so với 20 mũ trung bình).

Về việc nhiều người dân “kêu” là giá của những chiếc mũ công ty này bán trong đợt đổi mũ là khá đắt, ông Thành khẳng định, mũ bảo hiểm Chita không hề đắt. Người dân đã “nhầm” khi chỉ xem giá của những nhãn hiệu cao cấp của Chita. Những sản phẩm cao cấp giá bình thường là 220 ngàn, khi hỗ trợ giá thì hạ xuống 190 ngàn, vẫn là 1 cái giá khá cao cho người dân. Còn sản phẩm “bình dân” thì mức giá giảm xuống còn 100 – 140 ngàn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Công ty Chí Thành, trong 2 ngày đầu đổi mũ, số mũ đổi được của công ty này có đến 70% là các sản phẩm thuộc dòng “bình dân”. Như vậy, rõ ràng người dân khi đến với các điểm đổi hàng của nhãn hiệu Chita, người ta chỉ quan tâm nhiều đến các sản phẩm bình dân của công ty này nhiều hơn là các dòng sản phẩm cao cấp. Vì thế, khó có khả năng người tiêu dùng bị “nhầm” khi đánh giá về giá cả của các loại mũ của Chita.

Chita từ chối tiết lộ phần lợi nhuận bị giảm khi tham gia chương trình, còn B’Color từ chối tiếp xúc với phóng viên với lý do: Chúng tôi đang rất bận.

Ai cầm trịch cuộc chơi?

Trao đổi với PLVN Online, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, sau khi Uỷ ban ATGTQG tổ chức phát động chương trình hỗ trợ giá đổi mũ bảo hiểm cũ và giả, cho người dân lấy mũ mới chính hãng, UB mong muốn có sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng đợi nguồn hỗ trợ từ nhà nước là rất lâu nên UB đã đề nghị các doanh nghiệp giảm lợi nhuận của mình để hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Công ty Á Long và Công ty Chí Thành đã tìm đến UB ATGT Quốc Gia đề nghị được tham gia. Tại cuộc họp báo công bố kế hoạch, UB đã kêu gọi các doanh nghiệp ký kết tham gia chương trình và chỉ có Công ty Á Long và Chí Thành tham gia.

Sau đó, UB ATGT Quốc Gia cũng đã kêu gọi 1 số doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm khác tham gia nhưng hầu hết các doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện???

Điều kiện gì mà khó khăn tới mức mấy chục doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận hợp quy mà lại chưa đủ để tham gia chương trình, trong khi 2 nhãn hiệu B’Color và Chita khá “lạ” so với người tiêu dùng lại "một mình một chợ"? Ông Thái cho biết, tiêu chí của UB ATGT Quốc gia là: Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, có loại mũ có giấy xác nhận hợp quy. Và quan trọng là phải có cam kết về việc phải hỗ trợ giá như thế nào. Còn về chất lượng mũ như thế nào thì cái đó do những cơ quan chức năng khác đánh giá???

Về vấn đề giá cả, Uỷ ban ATGTQG cũng không biết thực sự giá đắt hay rẻ nhưng các doanh nghiệp phải cam kết về việc trợ giá. Và các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo về việc trợ giá trong suốt chương trình, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Như vậy là đã rõ, một chương trình mang danh Ủy ban ATGTQG, mục tiêu chính là trợ giá cho người tiêu dùng mua được mũ tốt, giá rẻ, thế nhưng chính đơn vị tổ chức chương trình lại xem nhẹ cả yếu tố giá cũng như chất lượng mũ mà doanh nghiệp cung cấp, chỉ quan tâm mỗi việc có cam kết trợ giá và đi suốt hành trình???

Cũng cần phải nói thêm rằng, một chiếc mũ gọi là rởm hiện nay được bán trên vỉa hè chỉ với giá từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/ chiếc. Gọi là rởm vì nó được sản xuất ở các xưởng thủ công với chất liệu nhựa không tốt cũng như không đảm bảo tính năng bảo vệ cái đầu của người đội. Tuy nhiên nhìn vào giá thành mũ rởm có thể thấy để sản xuất được chiếc mũ loại bình dân như Chita và B’Color, giá thành đầu vào cũng không cao ngất ngưởng. Vậy thực chất việc "trợ giá" này có phải doanh nghiệp đã "hy sinh lợi nhuận" của mình vì người tiêu dùng và cộng đồng hay không!?

Trao đổi với PV PLVN Online, bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Mũ bảo hiểm nhiệt đới Protec (Nhãn hiệu mũ Protec) thừa nhận, để thực hiện những chương trình như thế không nằm ngoài tầm với của Protec vì công ty này cũng đã thực hiện nhiều chương trình tương tự. Tuy nhiên, sau đợt đổi mũ và hỗ trợ giá vừa rồi, công ty Protec cũng đã cử người đi khảo sát và thấy các điểm đổi mũ đã diễn ra tình trạng hết sức lộn xộn. Và để thực hiện tốt một chương trình như thế cần phải có thời gian, nguồn lực.

“Vấn đề quan tâm nhất đối với Protec và các nhãn hiệu mũ bảo hiểm khác chính là sự tin tưởng, hài lòng của khách hàng và đảm bảo cho người sử dụng sự an toàn khi tham gia giao thông. Protec cam kết sẽ tổ chức nhiều chương trình đổi mũ và hỗ trợ giá, không chỉ nằm trong các chương trình của UB ATGT Quốc gia. Và dù chương trình nào thì cũng phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng hơn là vấn đề quảng bá thương hiệu cũng như đặt nặng về lợi nhuận”. – bà Hương nhấn mạnh.

Một doanh nghiệp không hề nhỏ hơn Chita và B’Color đã không dám tham gia chương trình vì thấy mình chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cũng như nguồn lực, chúng tôi dẫn chứng ra đây không nhằm thông tin để bài xích mà để bạn đọc cũng như cơ quan chức năng thấy rõ rằng nếu làm vì cộng đồng và người tiêu dùng phải là cách làm thật và nếu trợ giá thật không chỉ giản đơn là đổ một đống mũ ra đường, treo một cái băng rôn có logo của Ủy ban ATGTQG lên để "làm phép" rồi mặc sức bán hàng thu lợi...

Hoàng Phan - Anh Phương

pháp luật việt nam

Các tin tức khác

>   Thương mại song phương Việt Nam - Malaysia đạt trên 9 tỷ USD (30/03/2013)

>   Lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi là 2% (30/03/2013)

>   Dịch vụ, hàng hóa rục rịch tăng theo giá xăng (30/03/2013)

>   PVEP-Vietsovpetro đầu tư thăm dò khai thác dầu khí (29/03/2013)

>   'Sẽ có giải pháp quyết liệt hơn để cứu doanh nghiệp' (29/03/2013)

>   Văn phòng Chính phủ giải thích việc tăng giá xăng, thành lập VAMC (29/03/2013)

>   Cá tra xuất khẩu tăng giá, nội địa rớt mạnh (29/03/2013)

>   Doanh nghiệp kêu trời vì “cú sốc xăng dầu” (29/03/2013)

>   Ám ảnh vì tôm chết (29/03/2013)

>   Xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo trong quý I (29/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật