Doanh nghiệp kêu trời vì “cú sốc xăng dầu”
Ngược hẳn với các phân tích và dự báo, tối 28/3, giá xăng dầu trong nước không giảm mà lại tăng một cách đột ngột và khó hiểu. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã khó lại càng khó hơn do sức cầu đang yếu trong khi giá đầu vào bất ngờ bị đẩy lên.
Tối 28/3, giá xăng dầu trong nước không giảm mà lại tăng một cách đột ngột và khó hiểu
|
Đại diện doanh nghiệp vận tải đã dành nhưng từ ngữ không mấy thiện cảm trước quyết định tăng giá xăng dầu lần này của liên bộ Tài chính - Công Thương.
“Đột ngột và khó hiểu” là đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Trong khi đó, chưa xét đến việc cơ quan chức năng đúng hay sai, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, động thái tăng giá lần này là “phản cảm”.
Theo ông Liên, sau mỗi động thái điều chỉnh giá xăng dầu của cơ quan chức năng, các công ty vận tải thành phố đều phải tính toán lại các phương án giá của mình. Việc tăng giá cước theo giá xăng dầu chưa hẳn đã phù hợp trong điều kiện hiện nay do sức cầu thị trường đang rất yếu. Tuy nhiên, do đã kiềm giá cước từ nhiều lần trước đó, nên tiếp tục giữ giá như cũ sẽ khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn.
“Không tăng cước cũng chết mà tăng cước cũng chưa chắc đã sống bởi vì mình tăng mà doanh nghiệp khác không tăng thì không cạnh tranh được. Còn nếu, mình tăng, doanh nghiệp khác cũng tăng, có khi lượng khách sẽ giảm nhiều, doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh đội xe chở gió”, ông Liên than thở.
Ông Liên cũng cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp đã giải thể, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. “Cả nền kinh tế đang nói đến khó khăn và tìm cách giải cứu ngân hàng và bất động sản, còn ngành vận tải thì sao không được quan tâm?”, ông Liên bức xúc.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc tăng giá lần này chắc chắn gây tác động bất lợi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Theo ông Hùng, với mức tăng giá xăng 1.430 đồng/lít, các doanh nghiệp taxi sẽ phải tính toán lại phương án giá. Mức tăng giá dầu diesel 362 đồng/lít không tác động lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa nhưng đây là “giọt nước tràn ly” sau nhiều lần các doanh nghiệp này không tăng giá do sức cầu thị trường thấp.
Do đó, ông Hùng dự đoán, dù không đồng loạt nhưng chắc sẽ có doanh nghiệp phải tăng giá. “Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để hạn chế việc tăng giá, nếu tăng giá không hợp lý sẽ mất thị phần”, ông Hùng cho biết.
Đánh giá về cách điều hành giá xăng dầu, ông Liên cho rằng, việc giá xăng dầu lên xuống theo cung cầu thị trường là hoàn toàn bình thường trong kinh tế thị trường và người dân cũng phải chấp nhận các tác động từ việc tăng giá này. Tuy nhiên, cú nhảy giá hôm 28/3 là đột ngột và bất ngờ với người dân và cả doanh nghiệp vận tải vì thông tin từ nhiều tuần nay cho biết giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm và các doanh nghiệp đầu mối đang lãi lớn.
“Việc tăng giá đột ngột lần này không nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân”, ông Liên nói.
Mặt khác, hai lý do dẫn đến quyết định tăng giá xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công Thương cũng gây bất bình trong dư luận.
Thứ nhất, liên bộ cho biết quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn làm nhiều người nghi ngờ. “Quỹ bình ổn cạn kiệt là thông tin của liên bộ mà chưa được cơ quan độc lập nào kiểm chứng. Mức cạn đến đâu cũng không được thông báo. Thời gian qua, đã có nhiều số liệu kinh tế không chính xác được đưa ra, do đó, cách thông báo này khiến tôi cũng không tin”, ông Liên nêu quan điểm.
Lý do thứ hai là lo sợ xăng dầu “chảy lậu” ra nước ngoài do giá trong nước thấp hơn, ông Liên cho rằng, lý do này là không chấp nhận được, bởi lẽ, chống buôn lậu là việc của cơ quan pháp luật và chống bằng biện pháp khác.
Về nguyên nhân tăng giá để chống buôn lậu xăng dầu, ông Hùng cho rằng chống buôn lậu là của cơ quan quản lý thị trường chứ không thể bắt người tiêu dùng sử dụng giá cao hơn để chống buôn lâu.
Về tác động đối với kinh tế nói chung, ông Hùng khẳng định, chắc chắn sẽ có hàng hóa dịch vụ khác tăng theo. Do đó, sau một tháng lạm phát âm, mục tiêu lạm phát thấp theo kế hoạch cả năm có thể bị đe dọa.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực thép xây dựng cũng chịu tác động lập tức từ đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dầu mazut là nhiên liệu quan trọng trong sản xuất thép. Mỗi tấn sản phẩm thép cán cần đến 35 kg dầu mazut. Do đó, mức tăng giá dầu mazut 807 đồng/kg lần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, xăng dầu tăng, ngành vận tải chắc chắn sẽ tăng giá, như vậy, chi phí đưa sản phẩm thép ra thị trường cũng tăng.
“Trong khi đó, tình cảnh các doanh nghiệp thép hiện nay hết sức khó khăn. Muốn tăng đầu ra nhưng không được, mà không tăng thì bế tắc. Do đó, ngành thép đã khó sẽ càng khó hơn”, ông Nghi chia sẻ.
Lê Thúy
tbktvn
|