Thứ Sáu, 29/03/2013 10:07

Gian nan thử... doanh nghiệp

Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc quý đầu tiên của năm 2013. Nền kinh tế và DN đã có những chuyển động như thế nào?

Diễn biến doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ tháng 10/2011 đến tháng 2/2013

Bức tranh kinh tế vĩ mô 2012 tuy có điểm sáng, phần lớn vẫn đượm gam màu xám. Điểm xám nặng nề nhất, ngoài những thông tin về DN phá sản và khó khăn đối với lực cầu tín dụng cho thấy một nền kinh tế đang thiếu sức sống – thì hệ quả “nhãn tiền” là sức mua trên thị trường nội địa đang “thê thảm” - ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM nói với DĐDN.

Vạn sự khởi đầu nan

“DN kiệt sức” và gần như không thể chờ đợi hơn nữa”, là mô tả về các DN địa ốc nói chung, DN các lĩnh vực có liên đới như vật liệu xây dựng của một đại diện các DN kinh doanh bất động sản phía Nam. Cùng với đó, nền kinh tế xuất hiện cụm từ “mưa rào” ở nhận định của các chuyên gia, khi tinh thần của Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 nhằm nỗ lực giải quyết nợ xấu, giải quyết khó khăn của nền kinh tế với các định hướng phát triển trong năm 2013 được ban ra.

Tiếc là cơn mưa rào đó, tuy được “báo mưa” sớm từ đầu năm nhưng mãi đến cuối quý I/2013, mới bắt đầu lác đác những hạt nước giữa trời khô hạn. Một số các Bộ, ngành trực tiếp đến việc thực thi các Nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết 02, như Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư…mới bắt đầu có các thông tư, văn bản cụ thể nhằm biến những nội dung hỗ trợ cho DN thành hành động. Sự muộn màng, dẫu vậy, vẫn rất quan trọng đối với hầu hết đại bộ phận các DN và họ đang có nhìn nhận chung rằng: Đây sẽ là động lực để các DN vượt qua những khó khăn bước đầu.

“Gian nan không hề nản…”

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Comnet Company, một DN hoạt động trong lĩnh vực cung ứng máy móc, sản phẩm cơ khí hóa cho các DN thuộc ngành hàng đóng tàu, vận tải, thép... cho biết, ông khá lạc quan với môi trường kinh doanh của 3 quý còn lại. “Ở góc độ vốn, chúng tôi không gặp khó. Hiện nay, ACB là ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi với lãi suất vay khoảng 12-15%/ năm cho các khoản vay VND, khoảng 6-7% cho các khoản vay ngoại tệ. Chúng tôi không bị nợ cũ, nợ xấu, tín nhiệm tốt và có tài sản thế chấp, có phương án kinh doanh rõ ràng nên vấn đề tín dụng luôn rất “ổn”. Về đầu ra, chúng tôi luôn có các đơn hàng lớn, các DN đã và vẫn đang tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ cho hoạt động của mình”.

Cùng một lĩnh vực cung ứng các sản phẩm cơ khí cho các ngành sản xuất kinh doanh khác, nhưng là sản phẩm cơ khí được sản xuất bởi chính trong nước và chủ yếu phục vụ cho các lĩnh vực nông lâm thủy sản, phân bón, chăn nuôi, đại diện Cty TNHH Thiên Hoa cũng cho biết, họ không gặp khó khăn nhiều cả về vốn lẫn đầu ra sản phẩm, mặc dù “ngành cơ khí chuyên về băng tải hiện đang có cả hàng chục ngành DN trên địa bàn phía Nam cùng cạnh tranh”. Theo ông Trần Trường Sơn - Chủ tịch HĐTV Thiên Hoa, DN này vẫn chưa quá mức khó khăn về đơn hàng, đầu ra. Hay nói cách khác, “khó khăn thì cũng đã khó suốt cả mấy năm nay và DN đã cầm cự, trụ lại được thì cứ thế hy vọng sẽ chèo chống qua sóng lớn gió to. Đây mới chính là lúc lửa thử vàng, gian nan thử… DN”, ông Sơn nói.

Chung những tâm niệm như: Comnet, Thiên Hoa, Cty TNHH TM DV Vi tính Ngôi Sao cũng là một trong những đơn vị đang chịu nhiều sức ép từ cạnh tranh, môi trường kinh doanh lẫn biến động chính sách, nhưng vẫn không hề tỏ ra… nản. Anh Huỳnh Đức Thắng - Giám đốc cho biết, trong lĩnh vực cung cấp giải pháp IT dành cho quản trị DN tại các Cty trong và ngoài nước, anh vẫn đang có nhiều khách hàng là các DN FDI. “Mặc dù, thị trường TP HCM đang có hàng ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực này, Vi tính Ngôi sao vẫn có “sức mạnh riêng”. Đó là các sản phẩm phầm mềm của chính Cty, không “nhái” hàng, không “đụng” hàng. Nhờ vậy, Cty cũng không phải “gia công kiếm lời” nhỏ giọt cho các đơn hàng từ DN nước ngoài như một số các đơn vị cùng ngành nghề khác”…

Nói một cách ngắn gọn, điểm chung của cả ba DN mà chúng tôi đã gặp gỡ kể trên là: Họ có nội lực (còn tài sản thế chấp, có phương án kinh doanh để huy động vốn và tìm đầu ra), có lĩnh vực hoạt động lựa chọn và được sự hỗ trợ (dù không nhiều) từ các chính sách ưu đãi của nhà nước; có sản phẩm riêng biệt để tìm được các “phân khúc ngách” trên thị trường. Ba DN không thể đại diện cho hàng trăm ngàn DN lớn, vừa và nhỏ khác nhưng họ có thể là những “mẫu thử” cho thấy trên diện hẹp, cho thấy nền kinh tế và thị trường mua bán vẫn đang hoạt động, với tất cả nỗ lực, sự tự tin phát xuất từ chính DN.

Kết luận

Với ba DN kể trên, một vài nhận định có thể có phần chủ quan. Với mọi DN khác, câu hỏi đặt ra vào lúc này, sẽ là gì?

Nhận xét của bộ phận phân tích CTCK Rồng Việt, căn cứ trên các biến số vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng cũng như thực trạng DN nói chung, đúc kết: DN chỉ quan tâm làm sao khơi thông dòng vốn tín dụng? Khảo sát của phóng viên tới các DN cũng cho một kết quả tương tự. Trong khi đó, phần lớn DN không còn quan tâm nhiều đến vấn đề lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động. (Do đó, nếu ai đó nói rằng thanh khoản ngân hàng đang dồi dào và là tín hiệu tích cực để giảm thêm lãi suất huy động 1%, thì đó chưa hẳn là tín hiệu thật sự tích cực với DN).

Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Tin học ưng dụng, để đi tiếp ¾ chặng đường còn lại của năm một cách suôn sẻ, nên chăng, để chạy marathon kinh doanh từ quý II, DN vẫn cần phải có một sự khởi động kỹ càng hơn nữa, bắt đầu từ việc chuẩn bị tâm lý cho các kế hoạch kinh doanh phân theo từng quy mô lớn, vừa, nhỏ, trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn. Tâm lý đó, trước hết là sự sẵn sàng thích ứng với khả năng không tiếp cận được vốn để giải quyết bài toán sẽ xoay vốn ở đâu, sau nữa sẵn sàng thích ứng với những mất mát, thua thiệt khi tái cấu trúc lại DN, trong một bối cảnh tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Không có sự tái cấu trúc nào mà không toàn vẹn và DN sẽ phải tính toán để tái cấu trúc hiệu quả nhất, mất mát ít nhất. Cuối cùng, là khi DN đã có sự thích ứng và sẵn sàng tâm lý, với những nỗ lực hết mình, hy vọng những định hướng chính sách của Chính phủ sẽ phát huy được hiệu dụng nếu đi “trúng” với “tâm” xoáy của nền kinh tế hiện nay – Giải quyết vấn đề sức mua. Tất nhiên, đó không chỉ là sức mua của thị trường địa ốc”.

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Comnet Company:

Chúng tôi mong ba điều: Thứ nhất, lãi suất cho vay có thể giảm xuống thêm khoảng 2% nữa. Ví dụ ở mức 10% đương nhiên DN sẽ làm ăn dễ dàng hơn. Thứ hai, là DN nhập khẩu nên tôi mong tỉ giá không có biến động nhiều. Các nhà quản lý và hoạch định chính sách có nên phiến diện một chiều là giữ đồng nội tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu, hay phải song song giữa chính sách giữ đồng nội tệ với sức mua nội địa mạnh? Thứ ba, một môi trường kinh doanh và các chính sách càng minh bạch, rõ ràng, càng tốt.

Ông Trần Trường Sơn - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thiên Hoa:

Về ngắn hạn, các DN nên nỗ lực tự cứu mình. Trong dài hạn, để DN có thể sống được và nền kinh tế sớm phục hồi tăng trưởng, các nhà quản lý nên bắt tay hoạch định ngay hai vấn đề: Thứ nhất, cắt giảm chi tiêu ngân sách triệt để, phân bổ đầu tư công đúng hướng và hiệu quả để giảm áp lực lạm phát. Thứ hai, có chính sách và tầm nhìn, hỗ trợ thiết thực đối với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là những nhân lực sẽ quay trở lại là những nhà hoạch định chính sách. Chúng ta đang thiếu và yếu về những nhân vật “làm” chính sách, tư vấn cho Chính phủ điều hành kinh tế tốt nhất.


Lê Mỹ

diễn đàn dn

Các tin tức khác

>   Quản chặt việc tăng giá hàng hoá, dịch vụ theo giá xăng (29/03/2013)

>   Doanh nghiệp xe máy lo ‘chết dần chết mòn’ (29/03/2013)

>   Kinh tế TPHCM tăng 7,6% so cùng kỳ (28/03/2013)

>   HSBC: Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (28/03/2013)

>   Nhập khẩu ôtô tháng 3 gấp đôi tháng trước (28/03/2013)

>   "Gazprom lập liên doanh nhiên liệu tại Việt Nam" (28/03/2013)

>   “Ăn thịt” chính mình! (28/03/2013)

>   Doanh nghiệp Nga đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam (28/03/2013)

>   Sẽ thanh tra giá thức ăn chăn nuôi (28/03/2013)

>   Lãi suất giảm ít ý nghĩa với doanh nghiệp (28/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật