Thứ Bảy, 30/03/2013 14:55

Doanh nghiệp ngành giao thông: Lãi mỏng, lỗ dày

Năm 2012 dù là một năm khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp, song con số lỗ lãi của khối doanh nghiệp ngành giao thông được bộ Giao thông vận tải công bố hồi giữa tuần tại hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (thuộc bộ này) cũng khiến nhiều người giật mình.

Lỗ sâu, lợi nhuận mỏng

Theo báo cáo của vụ Tài chính (bộ Giao thông vận tải) thì “sức khoẻ” của khối tập đoàn, tổng công ty 91 thuộc bộ là khá lo ngại. “Anh cả đỏ” của ngành giao thông là tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) hiện đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu; dư nợ vay lớn, kết quả kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế lớn.

Vietnam Airlines, dù báo lãi trước thuế khoảng 69 tỉ đồng, song nếu so với doanh thu lên đến trên 50.000 tỉ của tổng công ty này thì rõ ràng đây là số lãi rất mỏng

Tiếp đó, tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang ôm những khoản thua lỗ cực lớn. Trong đó, nếu hạch toán đầy đủ, khoản thua lỗ của công ty mẹ thuộc Vinalines trong năm 2012 có thể vượt quá con số 2.439 tỉ đồng. Phó tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn cho biết, từ nay đến năm 2015, Vinalines sẽ tiếp tục lỗ sâu hơn nữa nếu tình hình vận tải biển không sớm phục hồi và hãng không được các tổ chức tín dụng cho khoanh, giãn các khoản nợ mua, đóng tàu.

Tình hình sản xuất kinh doanh của hai tổng công ty 91 còn lại là hàng không và đường sắt, dù có sáng sủa hơn nhưng hiệu quả kinh doanh rất hạn chế, với tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu năm 2012 chỉ trên dưới 1%. Như đối với tổng công ty Đường sắt, đại diện vụ Tài chính nhận xét: mức độ tăng trưởng các năm thấp, hiệu quả kinh doanh không cao. Tình hình tài chính cơ bản ổn định, hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ khoảng hai lần.

Còn đối với Vietnam Airlines, dù báo lãi trước thuế khoảng 69 tỉ đồng, song nếu so với doanh thu lên đến trên 50.000 tỉ của tổng công ty này thì rõ ràng đây là số lãi rất mỏng, và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng như hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ của tổng công ty đều cao hơn quy định. Ngoài ra, cũng phải nói thêm, một công ty con của Vietnam Airlines là Jetstar Pacific Airlines đang có lỗ luỹ kế lên đến 2.476 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm và sắp phải gánh thêm khoản truy thu và phạt thuế 302 tỉ đồng.

Tình hình của khối tổng công ty 90 thuộc bộ cũng không sáng sủa là bao, đặc biệt, có đến 6/7 tổng công ty thuộc khối xây lắp “chênh vênh” giữa lỗ và lãi phụ thuộc vào… cách hạch toán. Như với trường hợp tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8), báo cáo tài chính của đơn vị này cho thấy “lỗ tiềm ẩn” khoảng 500 tỉ đồng/501 tỉ đồng vốn điều lệ. “Hai đơn vị thành viên của Cienco8 cũng đã mất hết vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn 50 tỉ đồng/mỗi công ty”, bà Đào Thanh Thảo, phó vụ trưởng vụ Tài chính cho biết thêm. Tình trạng “lỗ tiềm ẩn” xấp xỉ vốn điều lệ cũng diễn ra đối với tổng công ty Xây dựng đường thuỷ. Tương tự, dù tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam thông báo lãi 1,1 tỉ đồng trong năm 2012, song theo vụ Tài chính, “nếu hạch toán đầy đủ khoản trích lập dự phòng thì kết quả kinh doanh của công ty mẹ sẽ lỗ”.

Sẽ cho phá sản

Và cổ phần hoá đang được coi là “cứu cánh” của các doanh nghiệp giao thông khi năm 2013 có thể gọi là “năm cổ phần hoá”. Minh chứng là có đến mười tổng công ty 90 phải cổ phần hoá xong công ty mẹ trong năm 2013. Cùng với đó, một tổng công ty 91 là Vietnam Airlines cũng phải xong cổ phần hoá trong năm nay. Ngoài ra, theo bộ trưởng Đinh La Thăng, trong tháng 4.2013, Vinashin phải hoàn thành điều chỉnh đề án tái cơ cấu tập đoàn trình bộ để bộ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của bộ này, trong năm nay sẽ thực hiện các thủ tục để cho ít nhất bốn doanh nghiệp phá sản, trong đó có hai công ty thuộc Vinashin và Vinalines, cùng với một đơn vị thuộc Cienco5, một đơn vị thuộc Vinamotor. Thêm vào đó là triển khai thủ tục bán hoặc phá sản đối với công ty TNHH MTV Vận tải và xây dựng.

Ông Vũ Anh Tuấn, quyền tổng giám đốc Vinashin thừa nhận, mục tiêu tái cơ cấu, cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên thuộc Vinashin thì nhiều nhưng tập đoàn chưa thực hiện được bao nhiêu. Ví dụ như việc xử lý 166 đơn vị mất vốn cần bán hoặc phá sản; 70 đơn vị cần tiến hành cổ phần hoá vẫn dang dở dù đề án tái cơ cấu tập đoàn được phê duyệt gần ba năm qua.

Ông Nguyễn Chiến Thắng dự báo: hầu hết các đơn vị thuộc diện cổ phần hoá năm nay đều là những “khúc xương” khó nuốt bởi tài chính xấu, nợ tồn đọng kéo dài. Tuy nhiên, lấy ví dụ tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, một doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, có tính đặc thù cao song vẫn đang bám sát được lộ trình cổ phần hoá đề ra đã cho thấy “nếu lãnh đạo các đơn vị quyết tâm thực hiện sẽ sớm tìm ra con đường đổi mới, tái cơ cấu!”

Chí Hiếu

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Đẩy mạnh đầu tư để chống thiếu điện (30/03/2013)

>   Doanh nghiệp sợ vay vốn (30/03/2013)

>   Thêm hai doanh nghiệp FDI tăng vốn lớn (30/03/2013)

>   Vụ đổi mũ bảo hiểm: “Lộ vỡ” Chita và B’Color “cầm trịch” cuộc chơi? (30/03/2013)

>   Thương mại song phương Việt Nam - Malaysia đạt trên 9 tỷ USD (30/03/2013)

>   Lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi là 2% (30/03/2013)

>   Dịch vụ, hàng hóa rục rịch tăng theo giá xăng (30/03/2013)

>   PVEP-Vietsovpetro đầu tư thăm dò khai thác dầu khí (29/03/2013)

>   'Sẽ có giải pháp quyết liệt hơn để cứu doanh nghiệp' (29/03/2013)

>   Văn phòng Chính phủ giải thích việc tăng giá xăng, thành lập VAMC (29/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật