Chứng khoán Tuần 04 – 08/03: Bất an chưa dứt, tranh thủ “đánh” T+ và trong phiên
Giao dịch trong phiên và ngắn hạn T+ diễn ra phổ biến khiến thị trường có các phiên tăng giảm điểm xen kẽ và biên độ dao động của nhiều cổ phiếu trong phiên khá lớn.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 04 – 08.03.2013
Giao dịch: Tính tổng cộng tuầnqua, VN-Index giảm 1.36% xuống 471.09 điểm, HNX-Index giảm 2.84% đứng tại 61 điểm, VS 100 giảm 2.1% đang ở 73.95 điểm và VN30 giảm 1.4% xuống 540.01 điểm.
VS-Mid Cap có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 2.94%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 2.21%, VS-Micro Cap giảm 1.49% và VS-Large Cap giảm 1.09%.
Tâm lý bất an của giới đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần qua. Hoạt động bắt đáy diễn ra khá dè dặt, điều này khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Theo đó, tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm 25.6% so với tuần giao dịch trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm mạnh 13.2%.
Tâm lý e dè cao độ cùng với khoảng trống thông tin khiến thị trường rất dễ chuyển biến theo hướng tiêu cực. Đây cũng là nguyên nhân chính làm hai phiên giao dịch đầu tuần sụt giảm mạnh.
Kỳ vọng của giới đầu tư đến từ hoạt động cơ cấu lại chỉ số FTSE Vietnam Index. Tuy nhiên, đợt tái cơ cấu danh mục lần này không có nhiều ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường.
Thị trường trong những phiên giao dịch đầu tuần dễ dàng suy yếu khi thiếu đi động lực trụ đỡ của nhóm vốn hóa lớn và xung lực từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Bên cạnh đó, việc bên mua hạn chế mua vào cũng khiến cho bên bán mất kiên nhẫn và đẩy mạnh tháo hàng.
Sau những phiên bán tháo mạnh đầu tuần , bên bán có phần dịu lại trong những phiên giao dịch cuối tuần. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp bên mua có thể dễ dàng đẩy chỉ số thị trường tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng khi hoạt động bắt đáy diễn ra dè dặt, thanh khoản liên tục suy giảm trong các phiên giao dịch này.
Giao dịch trong phiên và ngắn hạn T+ diễn ra phổ biến hơn khiến cho thị trường giằng co mạnh. Điều này được thể khá rõ qua các phiên tăng giảm điểm xen kẽ và biên độ dao động của nhiều cổ phiếu trong phiên khá lớn.
Kịch bản giao dịch tuần trước được lập lại khi thị trường tăng điểm về cuối tuần nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục thụt lùi. Nhóm nhà đầu tư lớn vẫn đang hạn chế tham gia vào thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã nhanh chóng trở lại mua ròng trong tuần qua và giúp nâng đỡ giá khá tốt ở một số cổ phiếu buechip. Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường trong tuần qua vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 163 tỷ đồng trên HOSE. Họ mua ròng mạnh ở DPM (44.3 tỷ đồng), VCB (20.6 tỷ đồng), GAS (18.9t ỷ đồng), ITA (14.6 tỷ đồng). Đáng chú ý là mặc dù GMD được thêm vào danh mục quỹ ETF nhưng cổ phiếu này chỉ được khối ngoại mua ròng 6.7 tỷ đồng, với giao dịch mua vào là 13.1 tỷ đồng.
Giao dịch bán ròng tập trung ở CTG chủ yếu do hoạt động tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF với 58 tỷ đồng, tiếp đó là VHC (9.0 tỷ đồng), EIB (8.8 tỷ đồng) và IJC (7.4 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với 43.2 tỷ đồng, chủ yếu ở PVS với 25.0 tỷ đồng, VND với 13.8 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất KLS với 9.1 tỷ đồng và GLT 3.6 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 07/03 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK trở lại bán ròng nhẹ với hơn 0.2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 8 tỷ đồng.
Xét về mặt giá trị thì khối tự doanh có tuần giao dịch mua bán xen kẽ với 2 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Có lẽ khối tự doanh đang thực hiện chiến lược giao dịch ngắn hạn T+ trong tuần qua. Đây có vẻ là chiến thuật khá hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm tiếp tục chiếm ưu thế khi có 18/24 ngành giảm điểm. Trong đó, Bảo hiểm giảm điểm mạnh nhất với 5.33%, tiếp theo là Xây dựng giảm 5.27% và Bất động sản giảm 5.06%.
Các nhóm ngành nóng như Chứng khoán và Ngân hàng đều có mức giảm khá mạnh trong tuần qua, lần lượt 3.65% và 1.42%. Ngược với xu hướng của các ngành nóng khác, Khai khoáng đã bất ngờ tăng nhẹ 0.31%.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là KBC với 16.13%, VIS với 14.78%; trên HNX là FLC với 17.07%.
KBC giảm 16.13%. Không có thông tin mới liên quan đến hoạt động của KBC trong tuần qua. Nhiều khả năng cổ phiếu KBC giảm mạnh xuất phát từ xu hướng giảm điểm chung của thị trường trong tuần qua và hoạt động bán ra cắt lỗ của nhóm nhà đầu tư đến sau trong đợt tăng mạnh vừa qua.
VIS giảm 14.78%. VIS giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng do ảnh hưởng của thông tin kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2012. Theo đó, năm 2012 VIS chịu khoản lỗ 17.7 tỷ đồng. chủ yếu do chi phí lãi vay và chi phí dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tăng cao.
FLC giảm 17.07%. FLC giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ (i) xu hướng giảm điểm chung của thị trường, (ii) áp lực chốt lời tăng cao khi cổ phiếu này đã tăng khá tốt trong những tuần giao dịch trước đó.
Kết quả kinh doanh của FLC trong năm 2012 cũng được công bố khả quan hơn. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 36.7 tỷ đồng, trong khi năm 2011 chỉ đạt 12.4 tỷ đồng.
Chỉ có duy nhất VPK là cổ phiếu tăng điểm mạnh (21.28%) đáng chú ý trên HOSE. VPK tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin gì mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều khả năng VPK tăng mạnh trở lại xuất phát từ những thảo luận trong giới đầu tư liên quan đến việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|