Canh bạc của Haruhiko Kuroda
Canh bạc của tân Thống đốc BOJ, nếu thất bại, sẽ làm xáo trộn nền tài chính Nhật và dẫn đến chiến tranh tiền tệ.
Nếu canh bạc của ông Kuroda thất bại, nó sẽ gây xáo trộn thị trường trái phiếu Nhật và hệ thống tài chính 23.000 tỉ USD của nước này
|
Ngày 20.3 là ngày Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ), Haruhiko Kuroda chính thức thực hiện nhiệm vụ chưa có ai làm được: đảo ngược đà giảm phát đã kéo dài gần 2 thập kỷ tại Nhật nhằm cải thiện mức lương của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Masaaki Shirakawa, người tiền nhiệm của ông Kuroda, cho rằng nhiệm vụ này là bất khả thi. Ông từng nói việc sử dụng các chính sách của Ngân hàng Trung ương để đẩy giá cả lên “chẳng khác nào đấm vào không khí”.
Vị Thống đốc mới đã đặt ra mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm. Ông dự kiến mua thêm hàng ngàn tỉ yen giá trị trái phiếu cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương khác đang thực hiện.
Kể từ năm 1998, giá cả tiêu dùng của Nhật đã giảm xuống mức thấp của năm 1992. Lương giảm 7%. Còn giá bất động sản ở đô thị giảm 51%. Nguồn thu từ thuế giảm 14%. Sự ì ạch này đã khiến cho nền kinh tế Nhật bị vuột mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Do đó, ông Kuroda hy vọng việc bơm tiền sẽ làm suy yếu đồng yen, tạo lợi thế về giá cho xuất khẩu, đẩy cao lợi nhuận, từ đó thúc đẩy lương tăng lên và đầu tư doanh nghiệp cũng sẽ khởi sắc.
Nhưng canh bạc của ông Kuroda có tính rủi ro cao. Nếu thất bại, nó sẽ gây xáo trộn thị trường trái phiếu Nhật và hệ thống tài chính 23.000 tỉ USD của nước này, chưa kể những hệ lụy khác cho nền kinh tế toàn cầu.
Căn bệnh giảm phát kinh niên của Nhật đã thách thức mọi lý thuyết kinh tế. Và cuộc tranh cãi về giải pháp cho nước Nhật chưa bao giờ nóng như lúc này. Người tiền nhiệm Shirakawa cho rằng vấn đề của kinh tế là dân số đang giảm mạnh, làm giảm nhu cầu đối với mọi thứ. Vì thế, dù BOJ bơm bao nhiêu tiền đi nữa và chỉ tiền thôi thì không đủ để khơi dậy nền kinh tế, vì doanh nghiệp và người tiêu dùng chẳng muốn đi vay. Nghĩa là các chiêu như lãi suất thấp, nới lỏng định lượng sẽ không áp dụng được đối với Nhật.
Ông Kuroda tin rằng Nhật chịu cảnh giảm phát trong nhiều năm một phần là do người tiêu dùng và doanh nghiệp đã trở nên quen với việc trữ tiền sau đợt sụp đổ giá cả tài sản thập niên 1990 và cuộc suy thoái đang diễn ra. Khi chi tiêu ít đi, nhu cầu giảm, giá cả cũng bị kéo xuống, lợi nhuận và lương cũng giảm theo. Do đó, ông Kuroda cho rằng cần có một giải pháp tâm lý: kích thích người Nhật chi tiêu nhiều hơn bằng cách thuyết phục họ giá cả sẽ sớm tăng lên.
Ông cũng cho biết, ông thiên về giải pháp mua lại trái phiếu dài hạn hơn vì về mặt lý thuyết, việc này sẽ giúp giảm lãi suất đối với các trái phiếu dài hạn và các khoản vay doanh nghiệp, từ đó khuyến khích đầu tư.
Một điều an ủi cho Kuroda là ông sẽ không đơn độc, vì được tân Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ. Ông Abe đã cam kết bỏ ra khoản chi tiêu chính phủ khẩn cấp trị giá 10.300 tỉ yen, cũng như tham gia các cuộc đàm phán tự do thương mại khu vực Thái Bình Dương.
Ngay từ khi nhậm chức Thủ tướng, ông Abe đã nỗ lực làm suy yếu đồng yen. Và điều này bước đầu đã phát huy tác dụng. Đồng yen đã yếu đi 18% và chứng khoán Nhật tăng hơn 40% kể từ giữa tháng 11.2012.
Một dấu hiệu lạc quan là các công ty như Toyota Motor và Lawson đã tuyên bố mức thưởng cao hơn trong năm tài chính bắt đầu vào ngày 1.4. Thế nhưng, một rủi ro của chính sách này là lạm phát có thể sẽ đẩy cao giá cả hàng hóa trước khi lương của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng. Điều này sẽ tạo sức ì lên nền kinh tế hơn là tạo lực đẩy.
Giá năng lượng đã tăng 4% trong năm qua và các công ty dịch vụ tiện ích lớn cũng cho biết họ đang đẩy giá điện lên tới 19%. Còn người tiêu dùng thì cho biết họ đã trả nhiều hơn cho mọi thứ từ bữa ăn ở trường học cho đến phí đi bơi.
Nếu điều đó xảy ra, nguồn thu từ thuế sẽ khó có cơ hội được cải thiện. Và gánh nặng trả lãi vay đối với món nợ chính phủ của Nhật, vốn thuộc hàng cao nhất trong số các quốc gia phát triển, cũng sẽ khó mà trả nổi. Có thể thấy, cuộc giảm phát kéo dài gần 2 thập kỷ đã làm kiệt quệ năng lực trả nợ của Chính phủ Nhật khi gánh nặng nợ của nước này đã lên tới mức 237% GDP và vẫn tiếp tục tăng.
Mất khả năng trả nợ có thể sẽ làm suy giảm niềm tin trên thị trường trái phiếu Nhật, khiến nhà đầu tư quay lưng với thị trường này và từ đó khơi mào cho cuộc khủng hoảng nợ còn lớn hơn cả Hy Lạp. “Điều tôi lo ngại là dòng tiền sẽ rời khỏi Nhật”, chuyên gia kinh tế Yukio Noguchi của Đại học Waseda, cho biết.
Một lo ngại khác, theo Mohammed El-Erian, Tổng Giám đốc tập đoàn đầu tư Pacific Investment Management Co. là việc đồng yen yếu đi sẽ khiến các quốc gia khác đối phó bằng cách làm yếu đồng tiền nước họ, từ đó dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ. Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng khuyến cáo việc giảm giá đồng yen đang diễn ra quá nhanh. Rõ ràng, ông Kuroda đang chơi một canh bạc với xác suất thành công rất thấp. Nhưng ai cũng có thể hy vọng rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Đàm Hoa
nhịp cầu đầu tư
|