Cộng hòa Síp trước hạn chót giải cứu kinh tế
Chỉ còn một ngày nữa là đến thời hạn chót 25/3 để Chính phủ Síp tìm ra những giải pháp đáp ứng các điều kiện cho gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ bộ 3 chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), ngân hàng Trung ương châu Âu ECB và quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Trong lúc này, các chính trị gia đang chạy đua với thời gian, còn người dân thì cũng tìm đủ mọi cách để bảo vệ mình trước viễn cảnh tương lai đầy bất ổn.
Tổng thống Síp Anastasiades hôm nay (24/3) đã lên đường sang Brussels (Bỉ) để có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo EU, IMF và ECB dự kiến diễn ra vào tối nay theo giờ địa phương. Trọng tâm của cuộc gặp này sẽ là việc tái cấu trúc 2 ngân hàng lớn nhất của Síp, một trong những điều kiện mà nước này phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ của các chủ nợ.
Đêm qua (theo giờ địa phương) chính quyền Síp và đại diện Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã có các cuộc đàm phán căng thẳng tại dinh Tổng thống Síp ở Nicosia. Một quan chức giấu tên của Síp cho biết Chính phủ nước này đã nhất trí với EU và IMF về việc đánh thuế 20% đối với khoản tiền gửi trên 100 nghìn euro ở ngân hàng lớn nhất của Síp và 4% đối với khoản tiền gửi như vậy ở các ngân hàng khác. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa chắc đã được Quốc hội Síp thông qua.
Ngày 25/3 là thời hạn chót cuối cùng để Chính phủ Síp có thể tìm ra biện pháp huy động được số tiền 5,8 tỷ euro để đổi lấy gói cứu trợ từ các đối tác châu Âu. Nếu Síp không tìm được một giải pháp trước ngày này, ngân hàng Trung ương châu Âu ECB sẽ cắt khoản hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của nước này và để chúng sụp đổ.
Trong khi các chính trị gia đang chạy đua tìm cách giải cứu Síp trước thời hạn chót thì người dân đất nước này cũng tìm mọi cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Hôm 23/3, ít nhất 1000 nhân viên của 2 ngân hàng lớn nhất của Síp đã tổ chức biểu tình ở Thủ đô Nicosia do lo ngại có thể mất việc nếu chính phủ đồng ý với yêu cầu của gói cứu trợ.
Kyriakos Hadjimikos, nhân viên ngân hàng Laiki (CH Síp) cho biết: “Tôi làm cho ngân hàng Laiki đã 17 năm nay. Giờ đây, tôi có nguy cơ bị mất việc và bị ném ra đường cùng gia đình của mình” .
Những người dân bình thường thì lại lo tích trữ thực phẩm nếu chẳng may khủng hoảng có xảy ra. Sức mua ở các siêu thị Síp đã tăng tới 30%, trong đó tập trung chủ yếu vào những mặt hàng cơ bản và thiết yếu.
Stratos Hadjichristofiou, quản lý siêu thị nói: “Doanh số bán hàng tăng khoảng 30% do mọi người lo sợ sẽ khan hiếm hàng. Người dân chủ yếu mua thực phẩm cơ bản để tích trữ”.
Nếu không đạt được khoản cứu trợ từ nhóm bộ 3 chủ nợ thì quốc gia nhỏ bé sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ và có thể phải ra khỏi nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Út Thương
VTV
|