Vụ trưởng Vụ CSTT: Chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá
Tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT), vì vậy việc điều hành tỷ giá phải nhằm mục tiêu CSTT là ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ CSTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Xin bà cho biết các nhân tố hỗ trợ từ việc điều hành CSTT cho ổn định tỷ giá?
Theo tôi, thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian qua có sự đóng góp của nhiều yếu tố:
Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, linh hoạt để kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý đã hỗ trợ rất nhiều cho việc ổn định tỷ giá. Tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011 và 2012 thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cao (trên 30%/năm) của nhiều năm trước đây đã khiến áp lực tăng tỷ giá từ phía điều hành chính sách tiền tệ không còn nữa. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ, linh hoạt, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa chính sách lãi suất và tỷ giá (lãi suất VND được điều tiết giảm mạnh, trong khi vẫn khống chế trần lãi suất huy động ngoại tệ, đã góp phần làm cho đồng VND có sức hấp dẫn hơn, giảm tình trạng găm giữ VND, khuyến khích doanh nghiệp và người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, qua đó Ngân hàng Nhà nước tăng được dự trữ ngoại hối ở mức lớn).
Thứ hai, cung cầu ngoại tệ có sự cải thiện, phản ánh qua cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm 2012 thặng dư ở mức lớn (khoảng trên 10 tỷ USD). Đặc biệt, năm 2012, các yếu tố đẩy cầu ngoại tệ tăng cao do tâm lý, kỳ vọng, sức hấp dẫn của đồng USD đã giảm.
Thứ ba, việc NHNN phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý ngoại hối, chấn chỉnh hoạt động trên thị trường tự do, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý ngoại hối, ban hành khuôn khổ pháp lý và thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng đã hỗ trợ tích cực cho việc giảm tình trạng đầu cơ và găm giữ vàng và ngoại tệ, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, từ đó Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước ở mức cao.
Thứ tư, niềm tin vào sự chủ động điều hành các giải pháp chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong trong vòng hơn một năm qua đã hỗ trợ tích cực cho việc ổn định tỷ giá. Ngoài ra, cũng phải kể đến những yếu tố hỗ trợ khác như sự giảm giá của đồng đô la Mỹ so với nhiều đồng tiền trên thế giới đang mất giá cũng hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá...
Với góc độ là tham mưu điều hành CSTT, bà có ý kiến thế nào về quan điểm nên điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND để cải thiện xuất khẩu?
Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ năm 2013. Năm 2013, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2013.
Trong khi đó, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản…; lạm phát tháng 1 tăng 1,25%, và nhiều khả năng lạm phát tháng 2 còn cao hơn, là những áp lực tăng lạm phát trong thời gian tới, bởi vậy kiểm soát lạm phát thấp hơn lạm phát năm 2012 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra là hết sức khó khăn.
Do vậy, tại thời điểm này, chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá, bởi sẽ tạo thêm áp lực tăng lạm phát.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tỷ giá cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và những tác động của nó tới việc thực hiện mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô. Về mặt lý thuyết, điều chỉnh tăng tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu.
Thời gian qua, cung cầu ngoại tệ có sự cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời góp phần ổn định tỷ giá đã phần nào hỗ trợ cho xuất khẩu, nếu Ngân hàng Nhà nước không mua, khả năng tỷ giá sẽ giảm, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn.
Tuy nhiên, để khẳng định khản năng hỗ trợ của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến xuất khẩu, cần cân nhắc tới một số vấn đề như: hiện nay, cầu của nước ngoài hiện đang ở mức thấp; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa phần là hàng sơ chế, có độ co dãn thấp; khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, chủng loại của hàng hóa…
Còn về những tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến mục tiêu kinh tế vĩ mô, tôi quan ngại tới một số tác động như: (i) Đối với Việt Nam, sản xuất trong nước phục thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa vốn, nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, khi điều chỉnh tăng tỷ giá, giá hàng nhập khẩu tính bằng đồng Việt Nam sẽ gia tăng, theo đó tạo áp lực lên lạm phát (ii) Điều chỉnh tăng tỷ giá còn làm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ tính bằng đồng Việt Nam gia tăng, gây khó khăn cho Ngân sách Nhà nước; (iii) Việc ổn định tỷ giá vừa qua đã tạo được niềm tin đối với đồng Việt Nam, nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tác động tâm lý, kỳ vọng tăng tỷ giá…
Tóm lại, từ góc độ tham mưu điều hành chính sách tiền tệ, tôi cho rằng để thực hiện chủ trương kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 19/1/2013, chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá tại thời điểm này để tránh tạo nhiều áp lực đến lạm phát khi nó đang có nguy cơ tăng trở lại. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diến biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ trong và ngoài nước để có sự điều hành phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ.
Trịnh Ngọc Lan
sbv
|