Thứ Năm, 21/02/2013 08:05

Thách thức mục tiêu ổn định tỷ giá

Mục tiêu ổn định của thị trường ngoại hối trong năm 2013 vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Tỷ giá ngoại tệ sau Tết vẫn giữ được ổn định

Tỷ giá ít biến động

Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, tỷ giá thường chịu những biến động nhất định. Tuy nhiên, năm nay, dường như tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng như trên thị trường tự do đang nằm ngoài quy luật này.

Tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sáng 19/2 ở mức 20.828. Tại nhiều ngân hàng thương mại, giá USD tăng trong biên độ từ 15 - 30 đồng ở chiều mua vào, trong khi chiều bán ra được giữ ổn định và ít biến động. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá USD mua vào - bán ra được niêm yết 20.825 - 20.865 VND/USD, tăng 20 đồng chiều mua vào nhưng lại giảm nhẹ 5 đồng chiều bán ra so với ngày 18/2.

Tại ACB, tỷ giá USD mua vào - bán ra được niêm yết ở mức 20.810 - 20.870 VND/USD, tăng 10 đồng chiều mua vào so với ngày 18/2. Tại BIDV, tỷ giá là 20.830 - 20.870 VND/USD tương ứng chiều mua vào- bán ra, tăng 30 đồng chiều mua vào so với ngày 18/2.

Phân tích nguyên nhân sự ổn định của thị trường ngoại hối, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu không tăng nên không tác động đến tỷ giá. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát dù tăng mạnh trong tháng 1 và được nhận định cả trong tháng 2, nhưng được nhìn nhận đó là tăng do yếu tố mùa vụ, nên vẫn tạo được niềm tin vào VND. Đồng thời, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng với thị trường tự do giảm cũng giảm tác động tiêu cực với thị trường ngoại hối.

“Trong khi biên độ vẫn còn mà tỷ giá không được đẩy lên, rõ ràng do cung - cầu trên thị trường không có biến động”, ông Lê Quang Trung, Quyền Tổng giám đốc VIB nhận định.

Ổn định tỷ giá, được nhiều hơn mất

Theo phân tích của ông Lê Quang Trung, không nên duy trì quan điểm phá giá VND sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, mà cần phải tính toán, đánh giá những tác động khi điều chỉnh chỉ tiêu đó. Ví dụ, trong năm 2012, việc duy trì chính sách ổn định tỷ giá hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam , thặng dư xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam suy giảm.

“Nếu phá giá VND khoảng 3 - 4%, liệu giá trị xuất khẩu có tăng tương ứng? Trong khi đó, sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, việc phá giá đồng nội tệ sẽ khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu của các DN xuất khẩu đội lên”, ông Trung nói.

TS. Hiếu cho rằng, việc duy trì tỷ giá ổn định, giữ giá cho đồng nội tệ trong năm 2012, đã khiến người dân không còn tâm lý coi USD như “hầm trú ẩn an toàn” cho tài sản của mình, làm giảm tình trạng đô - la hóa trong nền kinh tế.

“Rõ ràng, tỷ giá ổn định trong năm 2012 có điểm mất, nhưng điểm được vẫn nhiều hơn”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Nhận định về chính sách điều hành tỷ giá của NHNN, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, 2 năm trước, việc NHNN công bố không để mất giá VND quá 1 - 3% là hành động cần thiết, nhằm ổn định thị trường ngoại tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhưng ở thời điểm hiện tại cũng như sắp tới, để phù hợp với thông lệ quốc tế, NHNN sẽ không đưa ra một thông điệp tương tự.

Theo ông Hải, nếu VND được nâng giá lên so với đồng USD sẽ gây nguy hại cho xuất khẩu. Ngược lại, nếu cố tình phá giá đồng nội tệ thì bao công sức gây dựng niềm tin với doanh nghiệp, người dân về sự ổn định của đồng tiền Việt Nam sẽ “đổ sông đổ biển”. Bài học lịch sử cho thấy, khi phá giá VND lên 7% trong năm 2011, Việt Nam đã không tạo được tăng trưởng lớn về giá trị xuất khẩu, nhưng lại tạo ra kỳ vọng tăng giá hàng hóa trong nước, đầu cơ ngoại tệ và dẫn tới thị trường ngoại tệ bị bóp méo.

Nhiều sức ép với tỷ giá

“Yếu tố quan trọng tác động tới bức tranh ngoại hối trong năm 2013 là cán cân xuất - nhập khẩu. Nhưng do cầu nội địa vẫn còn yếu, không tạo áp lực lớn lên nhu cầu nhập khẩu nên cầu ngoại tệ sẽ không tăng mạnh trong năm nay. Thực tế, định hướng chung tỷ giá năm 2013 là ổn định, nhưng ổn định đến mức nào hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến thực tế của thị trường”, ông Phạm Hồng Hải nói. “Chính phủ có thể duy trì sự ổn định tỷ giá ngoại tệ trong quý I, nhưng sau đó có ổn định được hay không còn tùy thuộc vào sự biến động vĩ mô bao gồm lạm phát, cán cân xuất - nhập khẩu; điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nhận định sự ổn định của tỷ giá USD/VND còn chịu nhiều thách thức, Báo cáo về kinh tế vĩ mô-Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 2/2013 của khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) đã đưa ra dự đoán về tỷ giá trong năm 2013. Theo đó, tỷ giá USD/VND quý I, II/2013 là 21.000, trong quý III và IV là 21.500.

Hồng Dung

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nới tỷ giá: Ai dám thách thức lạm phát? (21/02/2013)

>   Giá vàng, USD biến động sau Tết không đáng ngại (20/02/2013)

>   Lượng tiền giả giảm 5 năm liên tiếp (20/02/2013)

>   NHNN: Chưa phải thời điểm thích hợp để điều chỉnh tỷ giá (20/02/2013)

>   Vì sao giá vàng, “đô” biến động? (20/02/2013)

>   Dòng vốn vẫn tìm kênh ngân hàng (20/02/2013)

>   GPBank ra mắt Internet Banking cho khách hàng tổ chức (20/02/2013)

>   Ngân hàng “ăn đủ”, khách hàng lãnh đủ (20/02/2013)

>   STB: Lãi trước thuế tháng 01/2013 đạt 275 tỷ đồng (20/02/2013)

>   Ngân hàng và những thỏa hiệp ngầm (20/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật