Thứ Tư, 20/02/2013 10:35

Ngân hàng và những thỏa hiệp ngầm

Đầu tư vào sân sau, mạnh tay ký bảo lãnh chứng thư, đầu tư chéo,… các lỗ hổng của ngành ngân hàng nếu không được siết lại sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy nổi.

"Trên mặt bàn và dưới gầm bàn”

Thành viên các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên cái nhìn e dè, đầy bi quan khi nhìn nhận về năm mới tài chính 2013. Trong khó khăn, các kẽ hở của ngân hàng được nhắc đến rất nhiều và nếu không nhanh chóng siết lại, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp nâng cấp thì ám ảnh nợ xấu vẫn không thể giải quyết triệt để.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, lập chứng thư bảo lãnh khống đang tồn tại nhiều nguy hiểm. Trong các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, một nhiệm vụ khó khăn và nan giải là việc thu tiền bán hàng từ người mua. Chính vì vậy dịch vụ bảo lãnh thanh toán ra đời với mục đích tạo thuận lợi cho DN, khi bên bán có nơi để thu hồi vốn còn bên mua thì không phải bỏ ngay một khoản tiền lớn để thành toán. Chứng thư bảo lãnh ngân hàng vì vậy được phát hành. Về ý nghĩa, bảo lãnh chứng thư là hoạt động tiên tiến, tuy nhiên do khâu kiểm soát phát hành chứng thư bảo lãnh tại hệ thống ngân hàng không được khắt khe và thiếu sự giám định của các bên liên quan nên nhiều hợp đồng bảo lãnh thanh toán do các ngân hàng phát hành nhưng không được thực hiện khi có yêu cầu. Nợ khó đòi giữa các DN cứ thế phát sinh, dắt díu vào nợ xấu ngân hàng.

Cụ thể, các vụ bảo lãnh chứng thư khống gây nhiều tranh cãi lớn. Giám đốc Chi nhánh Thăng Long Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP.HCM (HDBank) ký chứng thư bảo lãnh số 12/1/2012/BL- HDB013 bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng mua bán số 1201/HĐMB/2012/AD- AA giữa Công ty CP viễn thông An Đô (bên nhận bảo lãnh) và Công ty TNHH vật liệu mới Á-Âu (bên được bảo lãnh). Đến hạn thanh toán, bên mua không trả tiền, ngân hàng bảo lãnh cũng không thực hiện nghĩa vụ của mình được ghi trong chứng thư bảo lãnh và đang cố tìm cách lý giải để thoái thác trách nhiệm.

Đình đám hơn và cũng chưa rõ hồi kết, Ngân hàng Đông Á (Sea Bank) chi nhánh Hai Bà Trưng đã phát hành 12 chứng thư bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh vay vốn trị giá 150 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar khi công ty này bán cho Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel 150 trái phiếu Vina Megastar mệnh giá một tỷ đồng.

Trong khi các nước Mỹ, Đức… muốn phát hành chứng thư bảo lãnh cho DN thì chỉ có duy nhất trung tâm bảo lãnh ở ngân hàng trung ương được làm dưới sự giám sát chặt chẽ cả hệ thống thì tại Việt Nam, quy trình này lỏng lẻo khiến cho nhiều giám đốc chi nhánh mạnh tay đóng dấu, ký tên. Đến khi có sự cố xảy ra thì không ai chịu lĩnh trách nhiệm.

Cũng nói về những hoạt động không lành mạnh của hệ thống ngân hàng, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia độc lập ngành tài chính ngân hàng khẳng định với Đại Đoàn Kết: cách thức hoạt động của NHTM cần phải điều chỉnh lại. NHTM nhìn vào sổ xanh sổ đỏ, nhất thân nhì quen để cho DN vay. Do vậy để xảy ra tình trạng cho vay vào lĩnh vực không đúng định hướng sản xuất. Sổ đỏ đáng giá 10 tỷ thì NHTM thẩm định cho 20 tỷ. Đáng cho vay 50% giá trị tài sản thế chấp nhưng thả tay lên tới 70 -80% giá trị. Chính các ngân hàng cũng đã coi thường khả năng quản trị rủi ro của mình. Không xem kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trước khi cho vay.

Hơn nữa vốn của NHTM không là nguồn vốn dài hạn, thường là vốn ngắn hạn. Những tài khoản không thời hạn, hôm nay gửi mai rút, kỳ hạn ngắn song các NHTM lại dùng tiền này để cho vay trung và dài hạn. Các quy tắc kinh doanh bị phá vỡ ắt hình thành rủi ro. NHTM huy động trong nhân dân bao nhiêu rồi lại cho vay chính là NH đang giết chính mình…

Lỗ hổng chết người

Nhiều chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, nợ xấu, lãi suất, quan hệ "trên gầm bàn, dưới gầm bàn”, cán bộ móc ngoặc, tham nhũng..., những vấn đề xấu của ngành ngân hàng cần phải sớm làm minh bạch.

Ông Bùi Kiến Thành so sánh, như việc đi xin chữ ký và con dấu của bản sao giấy khai sinh. Chỉ cần lên phường, lãnh đạo ký tên, đóng dấu là xong. Nhưng chị văn thư cứ không trình, nhét vào hộc bàn. Đi qua đi lại chưa lấy được cái bản sao khai sinh. Thấy thế, mấy ông "cò” đến hỏi han, bỏ vài ba trăm ngàn, thế là xong việc. Nói vậy để thấy, có một chút quyền thì sẽ tạo ra lợi. Những chuyện "ai cũng hiểu” này vì sao vẫn diễn ra. Ngành ngân hàng cũng như các ngành khác, vì đào tạo, quản lý cán bộ kém nên hạn chế lộ ra.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khẳng định, có một số khâu quản trị ngân hàng đang bị hở. Điều này làm cho chứng thư bảo lãnh ảo xuất hiện. Ông Dương cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngân hàng đang diễn ra thì nhiệm vụ quan trọng là tái cấu trúc sở hữu và tái cấu trúc quản trị. Trong quản trị của hệ thống ngân hàng thì điều trước tiên là quy trình hoạt động và sau đó mới đến con người hoạt động trong hệ thống. Quản trị ngân hàng không tốt tức là tạo ra những lỗ hổng chết người.

Hồ Hương

Đại Đoàn Kết

Các tin tức khác

>   Giá USD “chợ đen” vượt mốc 21.000 đồng (20/02/2013)

>   "Siết" vàng hay "siết" dân? (20/02/2013)

>   Tín dụng âm 0,16% trong gần 2 tháng đầu năm (19/02/2013)

>   Sửa chuẩn an toàn nhà băng: Hết thời “liệu pháp sốc”? (19/02/2013)

>   VCB: Lãi ròng quý 4/2012 tăng trưởng 47% cùng kỳ năm trước (19/02/2013)

>   MBB: Lãi ròng hợp nhất 2012 tăng 9% lên 2,311 tỷ đồng (19/02/2013)

>   Đôla chợ đen bất ngờ tăng giá sau Tết (19/02/2013)

>   OCB thay chủ tịch HĐQT (16/05/2012)

>   Thêm một đại gia ngân hàng báo lợi nhuận giảm trong quý 4/2012 (19/02/2013)

>   SHB: Quý 4/2012 lãi hợp nhất hơn 1,000 tỷ, cả năm vẫn lỗ 95 tỷ đồng (19/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật