"Siết" vàng hay "siết" dân?
Mỗi cô con gái đi lấy chồng, "hiện vật" mẹ tôi cho là 2 chỉ vàng. Đứa thì 2 cái nhẫn, mỗi cái một chỉ. Đứa thì một nhẫn 2 chỉ. Chị tôi được những 3 cái nhẫn gồm 2 cái 5 phân và 1 cái 1 chỉ. Vàng của mẹ "lộn xộn" như vậy là bởi lúc tiết kiệm được nhiều thì mẹ mua nguyên chỉ, ít hơn thì 5 phân.
Thói quen giữ vàng của mẹ tôi và văn hóa giữ vàng của rất nhiều người Việt nói chung có lẽ bắt đầu từ việc tiết kiệm. Nhưng những 1 chỉ, 5 phân thậm chí 2 chỉ, 5 chỉ nhuốm đầy mồ hôi và công sức đó đang có nguy cơ bị mất giá trước thông tin chỉ vàng miếng SJC loại 1 lượng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất mới được sử dụng trong giao dịch.
Nếu như trước kia giữ vàng để tiết kiệm thì mấy năm gần đây thói quen giữ vàng càng gia tăng vì vàng không những bảo toàn vốn trong khủng hoảng mà giá lại luôn tăng. Chuyện lãnh lương xong "bỏ ống" nửa chỉ, nhận thưởng xong mua 1 - 2 chỉ vàng là thường gặp ở nhiều nơi, nhiều gia đình. Chẳng nói đâu xa, hôm qua ngày Thần tài, vàng miếng loại 1- 2 chỉ cũng đắt như tôm tươi. Ai cũng muốn mua một miếng vàng nhỏ để cầu may cho cả năm. Điều đó cho thấy, mua - bán vàng miếng loại nhỏ hầu hết xuất phát từ thói quen và mục đích tốt đẹp của người dân. Và số người sở hữu vàng miếng loại nhỏ là rất nhiều. Vì thế, việc quy định chỉ vàng miếng loại 1 lượng mới được sử dụng trong giao dịch như Dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường của NHNN, chẳng khác nào ép giá vàng nhỏ, là tài sản, là mồ hôi nước mắt của người dân. Bởi nếu không được sử dụng trong giao dịch, giá của loại vàng này đương nhiên sẽ giảm, thậm chí còn giảm mạnh. Quyền lợi người dân, một lần nữa, bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhìn lại suốt thời gian qua, hầu hết các chính sách liên quan đến thị trường vàng đều có chung một kết quả: người dân phải chịu thiệt thòi. Đầu tiên họ mất tiền chuyển đổi từ vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC ngay khi thông tin về chính sách độc quyền thương hiệu vàng này được tung ra trên thị trường. Sau đó họ tiếp tục mất tiền vì mua phải vàng nhái, vàng giả thương hiệu SJC. Đến khi đã nắm vàng SJC trong tay thì lại đối mặt với rủi ro khi giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới 4 - 5 triệu đồng/lượng. Đến lúc này, họ một lần nữa lại đối diện với nguy cơ mất tiền nếu quy định trên được thông qua. Có thể rồi NHNN lại tuyên bố, các loại vàng lớn, nhỏ đều có giá trị như nhau, như cơ quan này đã từng tuyên bố các thương hiệu vàng đều có giá trị như nhau. Nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ ngay sau thông tin độc quyền vàng miếng SJC được tung ra, giá vàng miếng phi SJC đã lao dốc không phanh. Rồi sẽ lại có một cuộc chuyển đổi khổng lồ từ vàng miếng loại nhỏ sang vàng miếng SJC loại 1 lượng. Rồi lại vàng nhái, giả vàng miếng SJC loại 1 lượng, rồi lại không dập kịp...
Về nguyên tắc, nếu có thiệt thòi khi thay đổi về cơ chế - chính sách, nhất là những thay đổi đó nhằm phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước, thì người chịu phải là nhà nước. Nhưng các chính sách trên thị trường vàng đang khiến nhiều người đặt câu hỏi, họ "siết" vàng hay "siết" dân?
Nguyên Khanh
thanh niên
|