Thứ Năm, 21/02/2013 14:21

Chính sách tiền tệ: Nặng gánh hai vai

Phương châm “thận trọng, linh hoạt” trong điều hành CSTT, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh của NHNN nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tái cơ cấu lại nền kinh tế thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Mấy năm vừa qua, chính sách tiền tệ (CSTT) phải gồng mình để gánh cùng lúc hai nhiệm vụ với hai mục tiêu đôi khi lại mâu thuẫn với nhau. Đó là vừa phải kiềm chế lạm phát, lại phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2013, việc điều hành CSTT xem ra còn khó hơn gấp bội khi mà Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cao hơn và kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012. Bởi chỉ xét riêng từng chỉ tiêu đã là một nhiệm vụ hết sức nặng nề chứ chưa nói gì đến việc đạt cùng lúc cả hai mục tiêu này.

Với lạm phát, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá mạnh trong tháng 1/2013 (CPI tháng 1 tăng 1,25% so với tháng trước) đã kéo lạm phát tính theo năm tăng trở lại lên 7,07% từ mức 6,81% vào thời điểm cuối năm 2012. Mặc dù số liệu chính thức chưa được công bố, song nhiều tính toán cho thấy, CPI tháng 2 có thể tăng tới 1,5 - 1,7%. Như vậy, chỉ mới 2 tháng đầu năm, CPI đã gần đạt 50% mục tiêu mà Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát năm 2013 ở mức 6-6,5% trong khi khoảng thời gian còn lại là khá lớn. Mức tăng này cũng đưa lạm phát tính theo năm tiếp tục tăng lên.

Nhìn xa hơn, nhiều tổ chức trong nước cũng như quốc tế đều dự báo lạm phát năm nay ở mức cao hơn khá nhiều so với năm 2012. Đơn cử theo dự báo mới đây của ANZ, lạm phát năm 2013 của Việt Nam vào khoảng 8-10%. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cũng dự báo, lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%. Lý do là, lạm phát năm 2012 được sự hỗ trợ rất lớn từ việc giá lương thực giảm mạnh trong khi các yếu tố lạm phát lõi vẫn tăng vượt 10%.

Tuy nhiên, năm 2013, sự hỗ trợ từ việc giá lương thực giảm mạnh không còn nhiều trong khi giá năng lượng được dự báo sẽ tăng cùng với đà hồi phục của kinh tế thế giới. Trong nước, việc điều chỉnh giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, nước, viện phí... theo cơ chế thị trường cộng với nỗ lực vực dậy tổng cầu của Chính phủ cũng sẽ tác động mạnh đến lạm phát.

Mặc dù vậy, CSTT lại không được thắt quá chặt để còn hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế. Bởi hiện tăng trưởng kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư do tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng mới được khởi động nên khó có thể đạt được hiệu quả ngay. Song đầu tư từ khu vực Nhà nước khó có thể tăng cao trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Đầu tư từ khu vực nước ngoài cũng không được kỳ vọng nhiều khi mà môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang mất dần sự hấp dẫn do những yếu kém về thể chế, hạ tầng, nhân lực vẫn chậm được cải thiện lại xuất hiện thêm những yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì vậy, vốn đầu tư chỉ có thể trông chờ vào khu vực tư nhân mà chủ yếu là nguồn tín dụng ngân hàng.

Thế nhưng tăng trưởng tín dụng không thể bằng ý chí của phía ngân hàng mà phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hơn nữa, nếu không thận trọng, việc tăng trưởng tín dụng “dễ dãi” còn có thể khiến nợ xấu tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cho nền kinh tế.

Quả là một bài toán khó đối với CSTT. Vì lẽ đó, phương châm “thận trọng, linh hoạt” trong điều hành CSTT, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh của NHNN nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tái cơ cấu lại nền kinh tế thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Minh Trí

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tỷ giá USD/VNĐ có tiếp tục biến động mạnh? (21/02/2013)

>   Thách thức mục tiêu ổn định tỷ giá (21/02/2013)

>   Nới tỷ giá: Ai dám thách thức lạm phát? (21/02/2013)

>   Giá vàng, USD biến động sau Tết không đáng ngại (20/02/2013)

>   Lượng tiền giả giảm 5 năm liên tiếp (20/02/2013)

>   NHNN: Chưa phải thời điểm thích hợp để điều chỉnh tỷ giá (20/02/2013)

>   Vì sao giá vàng, “đô” biến động? (20/02/2013)

>   Dòng vốn vẫn tìm kênh ngân hàng (20/02/2013)

>   GPBank ra mắt Internet Banking cho khách hàng tổ chức (20/02/2013)

>   Ngân hàng “ăn đủ”, khách hàng lãnh đủ (20/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật