Vietstock Daily 20/02: Điều chỉnh là bình thường!
Đi kèm với tín hiệu tích cực từ yếu tố thanh khoản là lực cầu tăng vọt trở lại của khối ngoại. Điều này đã tạm xóa bớt những ngờ vực về làn sóng thoát hàng của họ sau hơn 2 tháng miệt mài mua ròng.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 20.02.2013
• VN-Index tiếp tục giảm nhẹ 0.64%, đứng tại 490.78 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn với 0.73% xuống 66.25 điểm.
• Đà giảm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn vẫn là nhân tố chính tác động tiêu cực đến mức độ điều chỉnh của chỉ số thị trường. Riêng bộ ba MSN, GAS, VCB đã kéo chỉ số VN-Index giảm 0.6%, so với mức giảm 0.64% của chỉ số này.
• Báo cáo lợi nhuận giảm ở NHTMCP Công Thương (HOSE:CTG) tô thêm sắc xám vào bức tranh ảm đạm của toàn ngành ngân hàng trong quý 4 và cả năm 2012. Do đó, không quá khó hiểu khi chỉ số ngành Ngân hàng tiếp tục sụt giảm mạnh 1.26% trong phiên hôm nay.
• Việc lợi nhuận nhóm ngân hàng sụt giảm trong năm 2012 không có gì bất ngờ và được chúng tôi nhắc đến trong các bản tin trước đây. Nguyên nhân chính vẫn là do tình hình chung chưa khởi sắc và đặc biệt là việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng một các triệt để, trước yêu cầu từ NHNN.
Điều này cũng có nghĩa là mức trích lập thêm trong tương lai (và gây lỗ) sẽ bớt đi. Tuy nhiên, có vẻ như hiện tại tâm lý giới đầu tư đang chịu ảnh hưởng khá tiêu cực trước thông tin lợi nhuận sụt giảm này.
• Trong khi đó, giao dịch ở nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục khuấy động thị trường; nổi bật ở BMC, KBC, ITA, LCG... trên HOSE; SHB, PVX, SCR, VND... trên HNX. Riêng giao dịch ở SHB đạt mức kỷ lục với 27.3 triệu đơn vị trong phiên hôm nay.
• Nhờ đó, thị trường thu hút được một lượng tiền lớn chảy vào thị trường khiến thanh khoản tăng vượt bậc. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng vọt lên 101.3 triệu đơn vị, tương đương với mức tăng 49.63% so với phiên giao dịch đầu tuần; trên HNX, tổng khối lượng đạt 101.9 triệu đơn vị, tăng 43.19%.
• Đi kèm với tín hiệu tích cực từ yếu tố thanh khoản là lực cầu tăng vọt trở lại của khối ngoại.
• Trên HOSE, khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh gần 82 tỷ đồng; trong đó, chứng chỉ quỹ bị bán ròng 17.3 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh ở nhiều mã bluechips như MBB (30.9 tỷ đồng), HPG (21 tỷ đồng), BVH (8.9 tỷ đồng), STB (8.1 tỷ đồng) và PVF (7.5 tỷ đồng).
Khối ngoại bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ VFMVF1 với 17.4 tỷ đồng, tiếp theo là GMD (9.6 tỷ đồng), VIC (7.7 tỷ đồng), DRC (5.3 tỷ đồng) và PVD (4.9 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng 10.3 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở KLS (14.8 tỷ đồng), PVS (8.6 tỷ đồng); trong khi giao dịch bán ròng mạnh tại AAA (5 tỷ đồng), SCR (2.9 tỷ đồng).
• Hoạt động tích cực trở lại từ dòng vốn nước ngoài đã tạm thời xóa bớt những ngờ vực về làn sóng thoát hàng sau hơn 2 tháng miệt mài mua ròng. Trước đó, một bộ phận nhà đầu tư trở nên đặc biệt thận trọng khi lực cầu khối ngoại có dấu hiệu yếu đi trong hơn nửa đầu tháng 2.
• Tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do hôm nay bất ngờ ”nổi sóng” đã khiến nhiều người liên tưởng đến khả năng điều chỉnh tỷ giá chính thức, vốn được thảo luận cả chính thức và phi chính thức trong thời gian trước Tết âm lịch. Tuy nhiên, với thực trạng dễ tổn thương của nền kinh tế trong nước, việc điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ phải được cân nhắc rất thận trọng; trong bối cảnh rủi ro lạm phát chưa hẳn đã được dỡ bỏ.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục rung lắc. Hiện tượng throw-down (hay còn gọi là throw-back) vẫn đang tiếp diễn trên VN-Index. Dự kiến hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 3 – 5 phiên trước khi thị trường tăng trưởng trở lại.
Vùng 480 – 490 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh nếu như VN-Index giảm sâu bất ngờ (thrust-down). Đây sẽ tiếp tục là tâm điểm kỹ thuật và chiến lược trong thời gian tới. Nếu vùng này bị phá vỡ trở lại thì nguy cơ giảm sâu là khá cao.
Thanh khoản có dấu hiệu đột biến ngắn hạn. Nếu như theo sau sự đột biến này là một sự suy giảm mạnh của khối lượng khớp lệnh thì nguy cơ giảm sâu của VN-Index sẽ tăng cao do nhiều chỉ báo như MACD, Stochastic Oscillator... đã cho tín hiệu bán mạnh.
HNX-Index – Nhóm MA ngắn hạn tiếp tục được kỳ vọng. Thanh khoản tăng cao kết hợp với sự suy giảm khá mạnh của HNX-Index khiến cho một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cảm thấy lo lắng.
Dưới góc độ phân tích hình nến (candlesticks), mẫu hình nến đỏ dài xuất hiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang có dấu hiệu bất ổn trong ngắn hạn. Nếu tiếp tục giảm mạnh trong các phiên tới, HNX-Index sẽ test lại ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (tương đương vùng 62.5 – 64 điểm).
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm mua vào trong các phiên tới nếu thanh khoản vẫn duy trì ổn định trên đường trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 70 triệu đơn vị/phiên).
VS-Market Strength: VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 19/02/2013 đạt giá trị 1.02 chứng tỏ cung cầu cân bằng trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 0.8 cho thấy cung cầu cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-B/SORD VN (chỉ số Buy Order/Sell Order tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang ở mức trung bình (cụ thể là 1.14) cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua khá cân bằng với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán trong phiên 19/02/2013. EMA 5 ngày của VS-B/SORD VN đạt mức 1.15 cho thấy cung cầu vẫn đang ở trạng thái cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-LBR VN (chỉ số Large Block Ratio tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) có xu hướng tăng trở lại và đang duy trì mức 68%. EMA 5 ngày của VS-LBR VN đang ở mức 66%. Đây là mức tương đối cao và nó cho thấy các nhà đầu tư lớn đang tham gia mạnh vào thị trường nên khả năng thị trường sẽ có biến động mạnh.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 19.02.2013
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|