Thứ Sáu, 08/02/2013 17:28

Viễn thông di động 2012: Buồn nhiều hơn vui

Bức tranh thị trường di động Việt Nam 2012 đã khép lại với nhiều gam màu không mấy tươi sáng khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và thị trường đã đạt ngưỡng bão hòa.

Đánh giá về thị trường viễn thông Việt Nam trong năm vừa qua, hãng nghiên cứu BMI cho rằng: thị trường viễn thông Việt Nam đã mất đi sự hấp dẫn khi mà con số thuê bao đang tiến sát mức bão hòa và chỉ số thu nhập bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) ngày càng giảm sâu do lượng thuê bao trả trước chiếm hơn 90%.

Theo tính toán cùa hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh), hiện ARPU của Việt Nam chỉ ở mức 4,11 đô la Mỹ/thuê bao và dự kiến sẽ giảm còn 3,51 đô la Mỹ/thuê bao vào năm 2015.

Nói về thị trường viễn thông di động năm vừa qua, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, cũng cho rằng: đây là năm kinh doanh khó khăn đối với các nhà mạng trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa.

Theo ông Trung, thị trường viễn thông Việt Nam đang có sự cạnh tranh quá khốc liệt và số thuê bao đã đạt gần ngưỡng bão hòa. Khoảng trống để phát triển thị trường ngày càng bị thu hẹp.

Buồn nhiều vui ít

Năm 2012, là năm buồn nhiều vui ít khi thị trường chứng kiến sự ra đi của thương hiệu Beeline, sự sụp đổ của mạng viễn thông CDMA S-Fone và sự sát nhập giữa EVN Telecom vào Viettel.

Hồi tháng tư năm ngoái, Công ty VimpelCom (Nga) đã buộc lòng bán rẻ 49% cổ phần trị giá 45 triệu cho đối tác là Tổng công ty Viễn thông di động Toàn Cầu để cắt lỗ, đồng thời, rút toàn bộ thương hiệu toàn cầu Beeline ra khỏi thị trường Việt Nam.

Sau khi Beeline dứt áo ra đi, Công ty Viễn thông di động Toàn Cầu đã công bố thương hiệu mới Gmobile, thay thế thương hiệu Beeline và công bố gói cước tỷ phú 3, được bán với giá 35.000 đồng/bộ kit hòa mạng gồm một sim Gmobile và tài khoản một tỷ đồng có giá trị trong 10 năm. Đặc biệt, với gói cước này khách hàng chỉ cần kích hoạt một lần để sử dụng tài khoản tỷ phú trong 30 ngày thay cho việc kích hoạt hàng ngày như các gói cước tỷ phú trước đây.

Tuy nhiên, đến nay Gmobile vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới, và hạ tầng của mạng này vẫn chưa hoàn thiện. Hiện Gmobile đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại như tiền đầu tư, hạ tầng chưa hoàn thiện và khả năng cạnh tranh trong một thị trường vốn dĩ đã bão hoà.

Trong khi đó, S-Fone được xem là mạng di động đã chết của năm 2012. Dù S-Fone không lên tiếng xác nhận về cái chết của mình, song các đại diện nhà mạng có kết nối với S-Fone như Viettel, MobiFone hay VinaPhone đều cho rằng mạng này đã không còn kết nối với các thuê bao của của họ và đã ngưng hoạt động.

Nhà mạng này đang rơi vào tình trạng nợ nần, buộc phải chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên của mình mà chưa trả nợ bảo hiểm xã hội và lương cho nhân viên.

Không chỉ có thế, ngay cả trụ sở mà S-Fone đang thuê hai tầng của tòa nhà số 11 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), đã bị niêm phong, cắt toàn bộ điện nước do chậm trả phí sử dụng, dịch vụ hàng tháng. Hiện tại, S-Fone đang ôm một khoản nợ lớn, gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích.

Trước bối cảnh thị trường quá khó khăn nhiều mạng di động ảo đã được cấp phép cũng không dám nhảy vào thị trường.

Đến nay, Đông Dương Telecom đã bị thu hồi giấy phép triển khai mạng ảo. Trong khi đó, VTC đang bị Bộ Truyền thông và Thông tin rà soát lại giấy phép và sẽ có kế hoạch thu hồi nếu VTC không triển khai trong năm nay.

Là nhà mạng đạt có lợi nhuận cao nhất trong năm 2012 với lợi nhuận sau thuế lên tới 27.500 tỷ đồng, Viettel cũng cho rằng họ gặp khó khăn khi sáp nhập với EVN Telecom.

Theo ông Trung, Viettel gặp không ít khó khăn khi phải giải quyết các thủ tục sát nhập với EVN Telecom và gánh khoản lỗ của hãng viễn thông này gần 2.000 tỉ đồng.

Viettel đã phải mất một năm để giải quyết việc sát nhập và đưa EVN Telecom về mái nhà chung Viettel. Đến nay, việc sát nhập mới tạm ổn.

Gieo hạt ở mảnh dất mới

Trước bối cảnh thị trường trong nước đã gần bão hòa, các doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực đầu tư ra nước ngoài.

Đầu tháng 12 năm ngoái, nhà mạng MobiFone đã mở văn phòng đại diện tại thủ đô Yongon của Myanmar nhằm thăm dò và xúc tiến các hoạt động dầu tư của nhà mạng này tại thị trường mới.

Trong khi MobiFone mới đi những bước đầu tiên thì nhà mạng Viettel đã đầu tư ra bảy thị trường nước ngoài, gồm ba nước châu Á là Lào, Campuchia, Đông Timor; hai nước Châu Phi là Mozambique, Cameroon; hai nước châu Mỹ là Haiti và Peru.

Nhà mạng này cho hay họ đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu. Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau sáu tháng chính thức kinh doanh.

Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel (mạng của Viettel tại Mozambique) được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào Châu Phi kể từ năm 2008 đến nay.

Trong năm 2012, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel là 734 triệu đô la, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm 2011, đem lại lợi nhuận chuyển về Việt Nam là 77 triệu đô la, gấp bốn lần so với năm 2011.

Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc của Viettel, cho rằng: doanh thu từ đầu tư nước ngoài đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Viettel. Nếu như năm 2010 chỉ là 7,1%, năm 2011 tăng lên 9%, thì năm 2012 đã đóng góp 11% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Dự kiến năm 2013, tỷ trọng này sẽ tăng lên đến 15%.

Cũng theo ông Trung, trong thời gian tới, Viettel tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà mạng này phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu viễn thông lớn, có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm đầu tư ở thị trường nước ngoài như VodaFone, Orange hay Beeline...

Ngoài ra, họ phải đối mặt với sự khác biệt chính trị, xã hội và văn hóa.

Cũng theo ông Trung, để đầu tư thành công tại thị trường nước ngoài, Viettel sẽ phải thực hiện tốt chiến lược xây dựng hạ tầng hoàn thiện tốt rồi mới tính chuyện kinh doanh. Ngoài ra, nhà mạng này đẩy mạnh đầu tư ở thị trường nông thôn để hướng đến cung cấp dịch vụ cho người nghèo. Đây là cách làm mà Viettel đã khá thành công tại Việt Nam.

Hà Vân

tbktsg

Các tin tức khác

>   HFIC sắp có cơ chế tài chính mới (08/02/2013)

>   Khó khăn giúp ta tỉnh ngộ nhiều (08/02/2013)

>   Aeon muốn mở 20 trung tâm mua sắm ở Việt Nam (07/02/2013)

>   Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn tới (07/02/2013)

>   Thị trường ô tô hạng sang: “Nhấn ga” ngay tháng đầu năm (07/02/2013)

>   Samsung thuê 100 ha đất cho “kế hoạch Thái Nguyên” (07/02/2013)

>   Chỉ xử lý 40% tờ khai khi áp dụng thông quan tự động (07/02/2013)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc (07/02/2013)

>   Gần 974.000 tỉ đồng cho sản xuất hàng tết (07/02/2013)

>   2013 và điều doanh nghiệp chờ đợi (07/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật