Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc
Những ngày cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tạo đà cho một năm Quý Tỵ được dự báo là còn không ít khó khăn.
Doanh nghiệp da giày lo ngại tình trạng tăng giá nguyên liệu thường diễn ra sau Tết Nguyên đán
|
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát cho biết, Công ty chuẩn bị xuất khẩu một lô hàng giày dép đầu tiên qua thị trường Nhật Bản với trị giá khoảng 320.000 USD. Đây là bước thăm dò thị trường của Công ty, bởi thị trường Nhất Bản vốn kỹ tính đến từng đường kim, mũi chỉ. Nếu khách hàng chấp nhận, Công ty sẽ tiếp tục ký những đơn hàng tiếp theo tại thị trường này.
Cũng theo bà Liên, quý I/2013 là thời điểm mà doanh nghiệp ngành da giày chỉ sản xuất rồi cất trữ sản phẩm trong kho, đợi sang quý II/2013 mới xuất khẩu đi các nước theo hợp đồng đã ký từ trước. Do vậy, rất khó trả lời câu hỏi về doanh số xuất khẩu quý I của doanh nghiệp da giày tăng giảm thế nào.
Trong khi đó, ông Lưu Quý Phương, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Giấy Sài Gòn (SGP) cho biết, SGP đang hưởng những kết quả khả quan từ nỗ lực xúc tiến hàng xuất khẩu trước đó. Cụ thể, GSG đang xuất khẩu giấy tissue bán thành phẩm đến các thị trường Vương quốc Anh, Iran, Mỹ, Australia, Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc, Kenya, với sản lượng trên 1.200 tấn/tháng.
Theo ông Phương, hiện tại, mỗi ngày, SGP xuất đi khoảng 10 container giấy tissue và con số này sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, cũng như trong năm tiếp theo. Dự kiến cả năm 2013, giá trị xuất khẩu giấy tissue của Công ty đạt khoảng 2,5 triệu USD.
Thị trường chính xuất khẩu giấy tissue thành phẩm của Công ty hiện nay là Nhật Bản, với số lượng trên 30 container/tháng và sắp tới sẽ tăng lên trên 50 container/tháng.
“Đây là tín hiệu khả quan trong bối cảnh tiêu thụ nội địa có dấu hiệu chững lại và sự thiếu hụt ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu khác. SGP cũng là công ty tư nhân Việt Nam đầu tiên có thể xuất khẩu sản phẩm giấy tiêu dùng chất lượng cao đi các thị trường được coi là khó tính nhất thế giới. Trước đây, Việt Nam phải nhập các sản phẩm tương tự từ châu Âu, Nhật Bản và các nước Đông Á khác”, ông Phương nói.
Tại Đắc Lắc, 15 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch xuất khẩu trên 120.000 tấn cà phê nhân ngay trong quý I/2013. Sở Công thương tỉnh Đắc Lắc cho biết, niên vụ cà phê 2012 -2013, tỉnh Đắc Lắc thu hoạch được trên 465.000 tấn cà phê nhân, trong đó, tỉnh ưu tiên dành trên 350.000 tấn cà phê đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang thị trường các nước truyền thống, tăng gần 52.000 tấn so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui kể trên, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn đau đáu nỗi lo tăng giá nguyên phụ liệu đầu vào như đã từng diễn ra sau Tết Nguyên đán. Đơn cử, với ngành da giày, ngay từ cuối năm 2012, giá da nguyên liệu đã tăng từ 2,5 USD lên 2,8 USD/SQS (0,09 m2). Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhân công, điện, nước tại các nước nhập khẩu tăng. Các doanh nghiệp dự báo, giá nhập khẩu nguyên liệu tăng thì giá nguyên vật liệu đầu vào tại thị trường trong nước cũng sẽ tăng theo, nếu cơ quan quản lý không có những biện pháp xử lý triệt để.
Thanh Vũ
đầu tư
|