Cải cách doanh nghiệp nhà nước – tư duy và hành động
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, đã nhiều những kiến nghị về phương hướng chung cho sự thay đổi, ví dụ như “xóa bỏ ưu đãi cho DNNN”, “thực hiện công khai minh bạch thông tin”, “mở cửa thị trường, chấm dứt độc quyền DNNN”... Tuy nhiên, chúng chưa bao hàm các giải pháp hành động.
Ý kiến càng nhiều, thống nhất càng khó
“Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã mất nhiều thời gian và tiền của để cải cách DNNN nhưng vẫn chưa được như mong muốn và vẫn còn nhiều khuyết tật”, TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã nhận định như vậy và khuyến nghị rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả tư duy lẫn hành động trong cải cách DNNN.
“Chúng tôi nhiều khi đến khổ với đề án tái cơ cấu khi có quá nhiều ý kiến với những quan điểm ngược chiều nhau. Quả thực, ít đề án nào có sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đến vậy, dù thực tế đã cho thấy, đóng góp ý kiến càng nhiều thì càng… khó thống nhất, ông Bá nhận định thêm.
Việc Nhà nước vẫn độc quyền trong một số khâu quan trọng khiến giá điện khó theo cơ chế thị trường
|
Trong khi đó, Hội nghị Trung ương cũng đã cho ý kiến về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Và mới đây, CIEM cũng vừa nhận được “trát” yêu cầu nghiên cứu đề án sắp xếp lại DNNN, mặc dù Bộ Tài chính đã có đề án tái cấu trúc khối DN này. Thế nhưng, trước những chiều ý kiến và quan điểm về tái cơ cấu, dường như những chuyên gia của CIEM cũng đang… bí. “Có ý kiến gì mới, hãy đóng góp để CIEM làm tốt việc được giao”, Viện trưởng Lê Xuân Bá kêu gọi.
Khẳng định những nỗ lực của Chính phủ khi đã có bước đột phá trong cải cách khối DNNN, song các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng thẳng thắn chỉ ra nút thắt trong quá trình cải cách ở Việt Nam hiện nay chính là tư duy. TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô GIZ khuyến cáo: DNNN ở Việt Nam đóng góp còn ít và ngày càng có nhiều DNNN phát triển chậm hơn, hiệu quả thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác. “Sự nặng nề của khối DNNN khiến cho Việt Nam gặp nhiều rủi ro”, TS. Michael Krakowski phát biểu.
Hiện DNNN ở Việt Nam vẫn chiếm từ 20-30% GDP, theo nhiều chuyên gia quốc tế là khó quản lý, thậm chí không quản lý nổi. Khuyến cáo chung là Việt Nam nên giảm số lượng và quy mô DNNN xuống còn ở mức 4-5% GDP. Thực tế, câu chuyện về sự hoạt động kém hiệu quả của DNNN không phải chỉ là của Việt Nam.
Chia sẻ với ông Bá và CIEM, ông Meyer Wiefhausen- đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, ở Đức cũng từng phải có một chương trình tư nhân hoá DNNN. Hiện Chính phủ Đức chỉ giữ 20% vốn tại DNNN. Ông Meyer Wiefhausen giải thích, cũng như Việt Nam và các nước khác trên thế giới, DNNN luôn luôn kém hiệu quả. DNNN ở Đức đã bị bỏ lại phía sau trong tiến trình cải cách kinh tế và đã không phải là DN dẫn đầu như kỳ vọng mặc dù những DN này có rất nhiều đặc quyền.
Theo các chuyên gia, cải cách DNNN đòi hỏi phải mang tính toàn diện, cần cải cách cả tư duy lẫn hành động và phải bắt đầu lại từ việc định vị lại vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế. Theo đó, xác định ngành và lĩnh vực cần duy trì sở hữu Nhà nước. Tiếp theo là xác định các giải pháp tiếp tục đổi mới và phát triển DN.
Kiến nghị nhiều nhưng… khó dùng!
Còn đối với ông Bá, người đứng đầu cơ quan đang chắp bút bản đề án “khó nhằn” này, có quan điểm tái cơ cấu là sự phân bổ lại nguồn lực. “Muốn tái cơ cấu kiểu gì thì trước hết cũng phải kiên quyết giảm số lượng DNNN. Trước thời kỳ đổi mới có 13.000 DN, sau đã giảm còn 5.374 DN, hiện còn 1.060 DN 100% vốn Nhà nước nhưng vẫn là nhiều”, ông nói.
Các chuyên gia quốc tế nhận xét, với số lượng DNNN ở Việt Nam hiện nay khó quản lý, thậm chí không quản lý nổi. Khuyến cáo chung cho Việt Nam là nên giảm số lượng DNNN, giảm quy mô DNNN xuống còn ở mức 4-5% GDP thì mới quản lý được. Khuyến cáo này cũng trùng với quan điểm của nhiều học giả và chuyên gia kinh tế.
Hiện số lượng DNNN đã giảm thật, nhưng trong đó không ít trường hợp chỉ là giảm về hình thức, song quy mô ngày một “phình to”. Để tái cơ cấu mang lại hiệu quả, theo ông Bá: “Nói nhiều rồi nhưng phải có tư duy mới, biện pháp mới phù hợp với Việt Nam để DN hoạt động hiệu quả”. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng, “nếu đưa ra tư duy mới khác lạ mà không giúp DNNN hoạt động hiệu quả thì không cần”.
Cũng lo ngại về “ý kiến đưa ra thì nhiều nhưng dùng chẳng được mấy”, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, đã nhiều những kiến nghị về phương hướng chung cho sự thay đổi, ví dụ như “xóa bỏ ưu đãi cho DNNN”, “thực hiện công khai minh bạch thông tin”, “mở cửa thị trường, chấm dứt độc quyền DNNN”...
Tuy nhiên, chúng chưa bao hàm các giải pháp hành động, ví dụ như làm gì để xóa bỏ được ưu đãi, để chống độc quyền DNNN trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay... Cho nên, “có thể hiểu rằng các giải pháp định hướng là “đúng” hay “không sai” nhưng tự chúng chưa phải là giải pháp hành động cụ thể nên kiến nghị kiểu này còn “khó dùng”, ông Thiên nhận xét.
Bà Nguyễn Kim Toàn - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN: Cổ phần hoá DNNN cũng cần có tư duy thích hợp
Cổ phần hoá (CPH) là một trong những biện pháp tốt để sắp xếp, đổi mới các DN thuộc sở hữu của Nhà nước, giảm số lượng DNNN. Nhưng những năm gần đây, tiến độ CPH có phần chững lại. Thực tế cho thấy, nhiều DN có tiềm năng phát triển tốt nhưng vẫn khó CPH bởi nếu CPH ngay thì sức thu hút các nhà đầu tư không cao, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán trầm lắng.
Vì thế để CPH DNNN đạt hiệu quả cao hơn, nên xác định tư duy không nhất thiết tiến hành CPH đồng loạt mà cần xem xét, lựa chọn những DN cần tái cơ cấu trước khi CPH.
Các hình thức tái cơ cấu có thể là: Phát hành trái phiếu DN cho một số nhà đầu tư chiến lược để thu hút thêm vốn và kinh nghiệm quản lý; Tổ chức lại dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất những DN có cùng ngành nghề kinh doanh; Thuê các tổ chức tư vấn thực hiện tái cơ cấu, kể cả thuê giám đốc điều hành DN. Có thể thuê các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm quản lý giỏi về ngành kinh doanh chính của DN với cam kết các nhà đầu tư này sẽ trở thành cổ đông khi DN CPH.
Nên bổ sung hình thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong DN rồi chuyển thành công ty cổ phần. Sau khi các nhà đầu tư chiến lược hoàn thành tái cơ cấu, DN mới phát hành cổ phần ra công chúng. Hình thức này cũng phù hợp với tình hình khó huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
|
Tri Nhân
Thời báo ngân hàng
|