TS.Võ Trí Thành: Tránh rủi ro bằng đầu tư thông minh
Với người dân và nhà đầu tư, TS.Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ, “là nhà kinh tế học nên sợ rủi ro, vì thế tôi thích tiền Việt”. Lý giải cho lựa chọn này, theo ông, trong thời buổi khó khăn việc giữ tài sản nào phải xét trên khía cạnh phòng thủ và tính thanh khoản.
“Chưa bao giờ chúng ta chịu nhiều áp lực trước sự ổn định với bao sức ép, cầu cứu như vậy. Tôi làm tư vấn, DN vây quanh khá nhiều với từ “cứu, cứu!”, TS.Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã phát biểu như vậy khi được yêu cầu đánh giá tình hình năm 2012 và năm 2013. Theo ông, Chính phủ nên tìm giải pháp dài hạn, DN và người dân tìm cách đầu tư để phòng thủ và thanh khoản cao.
Bất động sản dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2013
|
Đừng quá đặt kỳ vọng cho 1 năm
Đánh giá về năm 2012, TS.Võ Trí Thành cho rằng, điểm chưa được lớn nhất là tất cả đều dở dang. Bởi, vĩ mô ổn định được một chút, nhưng còn rủi ro lớn. Đó là, lạm phát đang có nguy cơ quay lại; một số chính sách dễ gây xung đột về mục tiêu với nhau, như: cứu DN quá mức (kích cầu, nới lỏng tiền tệ...) thì bất ổn dễ quay lại... Rủi ro vĩ mô thứ hai và rất quan trọng, đó là chưa bao giờ ngân sách khó như bây giờ. Nền kinh tế đang cần kích thích và cần Chính phủ thực hiện nhanh hơn, nhưng như thế sẽ làm cho cân đối vĩ mô rủi ro hơn vì chưa biết phản ứng thị trường thực như thế nào. Rủi ro thứ 3 là sự phối hợp chính sách. Các chuyên gia cùng cho rằng sự phối hợp thiếu nhạy cảm giữa các chính sách như việc tăng giá viện phí trong tháng 1 sẽ làm rủi ro gia tăng.
Về năm 2013, quan điểm nhìn nhận của ông Thành là không phải nhìn vào các con số (chỉ tiêu đặt ra-PV) mà nên nhìn vào chính sách. Thực trạng xấu đã giúp “Chúng ta nhận ra được chân tướng của chúng ta, hiểu rằng chúng ta phải thay đổi cách phát triển”. “Chân tướng” mà ông Thành nói đến đó là sự hăng say hội nhập, ham tăng trưởng… nhưng cách thức, thể chế điều hành thì vẫn giữ nguyên, năng lực và bản lĩnh điều hành không theo kịp thời cuộc… Hệ quả là khoảng cách với các nước khác còn xa hơn cả khi chưa gia nhập WTO, xuất hiện lợi ích nhóm, bong bóng bất động sản (BĐS)… Điều mà “5 năm trước khi gia nhập WTO chúng ta rất yên ổn”, ông Thành nói.
Đưa ra một nhìn nhận khá lạ, ông Bùi Trinh cho rằng “thời gian qua hầu hết các chuyên gia và các nhà tư vấn chính sách tập trung vào vấn đề tiền tệ nhằm ngăn cản sự tăng mạnh của giá cả mà bỏ qua các yếu tố khác”. Theo ông ngay cả việc chống lạm phát cũng mới chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi nguyên nhân sâu xa là sản xuất và đầu tư kém hiệu quả.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng “Lo nhất lạm phát tiêu hủy nguồn lực xã hội làm đổ vỡ niềm tin của nhà đầu tư và của người dân”. Theo ông, việc xử lý nợ xấu, khắc phục sự đình trệ sản xuất… tái cấu trúc là những vấn đề rất lớn mà năm cũ đã “để lại” cho năm 2013. Đây là những việc phải bắt đầu ngay nhưng cũng phải xác định là không thể xong ngay. Và theo ông Hồ, vấn đề chưa sáng nhất, đó là các giải pháp hiện nay mới mang tính chất chữa cháy chứ chưa có giải pháp hữu hiệu có thể tháo gỡ căn bản. Trong khi chỉ có giải pháp căn bản dài hạn mới mong tái cấu trúc hiệu quả và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm về vấn đề thời gian, TS.Võ Trí Thành cho rằng vấn đề thị trường BĐS, giải quyết nợ xấu hay tái cấu trúc. .. đừng kỳ vọng làm được trong 1 năm.
Viện Khoa học xã hội gần đây đã cho rằng năm 2013 sẽ rơi vào đáy. Nhìn nhận về vấn đề này, TS.Võ Trí Thành cho rằng, về khái niệm “đáy” thị trường thì có nhiều định nghĩa. Nếu nhìn suốt cả năm 2012 so với những năm qua thì thời điểm này thực sự là đáy. Đó là chu kỳ kinh tế (hình sin). Và nếu nhìn đáy theo nghĩa lòng tin vào thị trường thì đáy cũng đã đến. Một khái niệm đáy nữa được xét theo thị trường BĐS, thì đáy của giá BĐS có thể hạ thấp nhất vào thời điểm đâu đó giữa năm 2013, ông Thành dự báo.
Nên đầu tư vào VND
Khuyến nghị chính sách, các ông Lưu Bích Hồ, Trương Đình Tuyển, Võ Đại Lược lưu ý đến vấn đề “tăng tổng cầu, giải cứu DN, hỗ trợ thị trường BĐS. Nhưng giải quyết ngắn hạn phải không phá vỡ dài hạn”. Trong khi đó thay vì đưa ra khuyến nghị chính sách, TS. Võ Trí Thành đã đưa ra 4 điều DN phải học: học cách sống với cú sốc vì thế giới đầy bất định; học sống với cạnh tranh vì thế giới thay đổi mạnh mẽ - chi phối bởi mạng sản xuất và chuỗi giá trị; học cách quản trị tài chính – tài sản, dòng tiền vì thế giới tài phiệt rất tinh xảo và học ý tưởng phát triển mới, gắn liền với trách nhiệm xã hội. Như vậy, với DN kinh doanh phải dài hơi hơn, phải trầm hơn, bình tĩnh hơn, tính toán hơn.
Với người dân và nhà đầu tư, ông Thành chia sẻ, “là nhà kinh tế học nên sợ rủi ro, vì thế tôi thích tiền Việt”. Lý giải cho lựa chọn này, theo ông, trong thời buổi khó khăn việc giữ tài sản nào phải xét trên khía cạnh phòng thủ và tính thanh khoản. Những ai chấp nhận rủi ro thì từ nay đến giữa năm 2013 có thể đầu tư vào BĐS đón đầu thị trường ấm lên nhờ nỗ lực giải cứu của Chính phủ.
Với vàng, theo ông Thành, mặc dù vàng có truyền thống, và thanh khoản cao nhưng hiện nay vàng miếng đã được quản lý. Hơn nữa, vàng trong nước lúc xuống lúc lên cơn sốt là do những người tìm kiếm lợi nhuận trong đầu cơ trong ngắn hạn. Nhưng nếu đầu cơ ngắn hạn “hãy nhớ rằng biên độ dao động của vàng rất lớn. Trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện nay có thể thắng lớn, nhưng thua cũng lớn”.
Ông tính toán, dư địa để hạ lãi suất rất ít, cho dù có hạ thì lãi suất huy động cũng vẫn hơn 7%, trong khi lãi suất tiền USD là 2%. Như vậy gửi tiền đồng so với USD vẫn lợi hơn. Với ngoại tệ, cho dù tỷ giá có được điều chỉnh mạnh đến 3% như các chuyên gia đề nghị thì ông Thành cũng cho rằng “không hấp dẫn bằng VND”. Vì VND vừa đáp ứng cả yếu tố phòng thủ lẫn tính thanh khoản.
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|