TS. Lê Xuân Nghĩa: Chủ động điều chỉnh tỷ giá
Những ngày qua, thị trường ngoại tệ biến động mạnh khi một số ý kiến cho rằng NHNN nên tăng tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV bị bắt. Vậy năm 2013 áp lực tăng tỷ giá như thế nào và NHNN có nên điều chỉnh cho phù hợp. ĐTTC đã trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, về vấn đề này.
Thưa ông, những ngày qua sự biến động tỷ giá có phải do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao?
Đây là do tác động tâm lý nhất thời, không có yếu tố kinh tế thực nào mạnh đến mức có thể gây ra sự biến động mạnh tỷ giá. Thứ nhất, gần đây có các ý kiến chuyên gia nên điều chỉnh tỷ giá ở một tỷ lệ nhất định, đã tác động đến tâm lý người dân, ngân hàng.
Thứ hai, sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân còn tiền đem mua vàng, ngoại tệ làm của để dành, cũng góp phần tạo lực cầu tỷ giá. Có thể do chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lớn dẫn đến nhập lậu vàng, gây tác nhân góp phần biến động tỷ giá, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ.
Vừa qua, NHNN có quy định mới hạn chế các NHTM không được phép cho vay ngoại tệ nhập khẩu, đối với vay ngoại tệ để xuất khẩu chỉ được phép vay nhập khẩu nguyên liệu cho xuất khẩu. Điều này cũng góp phần làm lực cung tỷ giá tăng lên.
Nhưng theo tôi, khoảng 10 ngày nữa tỷ giá sẽ ổn định trở lại. Cung cầu ngoại tệ những ngày qua không có xáo trộn đáng kể, nên người dân cần tỉnh táo. Vì thực tế, với lượng dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp bình ổn thị trường. Quan trọng hơn nếu nắm giữ VNĐ, người dân vẫn có lợi hơn USD tới 4 lần.
Vậy theo ông năm nay có áp lực tăng tỷ giá?
Trong tình hình hiện nay, việc điều hành tỷ giá phải chịu chi phối của quy luật cung cầu. Năm 2012, NHNN đã mua vào gần 20 tỷ USD, làm tăng dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD (khoảng trên 14 tuần nhập khẩu), góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Điều đó chứng tỏ mức cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Nhưng điều quan trọng hơn, động thái mua ròng ngoại tệ trong năm 2012 của NHNN đã giữ vững và ổn định tỷ giá trong nước. Bởi nếu NHNN không mua vào lượng lớn ngoại tệ trên, tỷ giá có thể tụt giảm xuống mức 19.000 đồng/USD.
Năm 2013, dự đoán cán cân thương mại thâm hụt thấp, nhu cầu nhập khẩu vẫn yếu do tổng cầu trong nước suy giảm mạnh, đầu tư tiêu dùng cũng giảm, nên sức ép tỷ giá không lớn. Dự đoán năm 2014 nhập khẩu mới có thể mạnh hơn, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán quay trở lại mới có thể tác động gây áp lực lên tỷ giá.
Nhưng ông cũng đã có ý kiến đồng tình quan điểm nên điều chỉnh tỷ giá để kích thích và hỗ trợ xuất khẩu?
Để khẳng định khả năng hỗ trợ của việc điều chỉnh tăng tỷ giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, cần cân nhắc tới một số vấn đề như: cầu của nước ngoài hiện đang ở mức thấp; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là hàng sơ chế, có độ co dãn thấp; khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn vào chất lượng, chủng loại của hàng hóa…
Nhưng thực tế, VNĐ đang bị đánh giá cao hơn so với USD và 19 đồng tiền mà Việt Nam đang có quan hệ thương mại. Điều này gây bất lợi cho xuất khẩu.
Những khuyến nghị của chúng tôi là làm sao NHNN có chính sách xử lý khôn ngoan, có tầm nhìn dài hạn, như NHNN nên chủ động điều chỉnh. Còn nếu chỉ dựa vào lực lượng cung cầu ngoại tệ, năm nay không có áp lực gì để điều chỉnh tỷ giá.
Vậy theo ông, điều chỉnh tỷ giá nếu thực hiện nên ở mức nào và áp dụng thời điểm nào trong năm?
Thực tế nếu không vì hỗ trợ xuất khẩu, NHNN nên để như vậy vì năm nay tỷ giá cũng ổn định. Áp lực tăng tỷ giá nếu có chỉ có thể bắt đầu từ năm 2014.
Nhưng để tránh sau này sẽ điều chỉnh lớn, năm nay nên điều chỉnh với mức khoảng 2-3% và khi cơ hội thuận lợi NHNN hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh, có thể bắt đầu từ quý III trở đi.
Xin cảm ơn ông.
Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Tổng giám đốc Eximbank:
Điều hành tỷ giá cần xem xét nhiều yếu tố
Điều hành tỷ giá là nghệ thuật. Đặc biệt, chính sách tỷ giá hối đoái phải xem xét đến sự truyền dẫn của tỷ giá hối đoái ra sao. Một nền kinh tế có kim ngạch nhập khẩu 130 tỷ USD như Việt Nam, nếu tỷ giá tăng lên sẽ truyền dẫn vào thị trường, gây ảnh hưởng đến lạm phát.
Đó là vấn đề NHNN thấy rõ và phải quyết tâm để ổn định tỷ giá. Bởi nếu không ổn định tỷ giá sẽ tác động mạnh đến lạm phát mục tiêu. Việc tỷ giá tăng có thể có lợi cho xuất khẩu, nhưng lợi ở mức độ nào cần xem xét. Trong khi hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu.
Không ai phủ định quy luật “đồng tiền giảm giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu”, nhưng cần lưu ý bản thân tỷ giá không quyết định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vì kim ngạch xuất khẩu có thể xem như một hàm nhiều biến, mà tỷ giá hối đoái là một biến số. Điều quan tâm là tỷ giá tăng sẽ tác động đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, giá bán và như vậy tác động đến lạm phát.
Tóm lại, việc điều chỉnh tỷ giá phải xem xét rất nhiều yếu tố, như trạng thái cung cầu ngoại tệ cũng như cơ chế đặc thù của mỗi quốc gia. Cung cầu ngoại tệ đang yên, trong khi USD mất giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, không cần phải khuấy động vấn đề này lên.
Bản thân tôi chưa thấy thuyết phục khi nghe rằng VNĐ đang bị định giá quá cao so với USD, hay do tỷ giá quá ổn định gần 2 năm qua gây khó khăn cho xuất khẩu.
Theo những tính toán của tôi, VNĐ đang tịnh tiến về “vùng tỷ giá mục tiêu” theo các nguyên tắc xác lập mức “ngang giá tiền tệ”, nên không cần thiết và không nên phá giá VNĐ. Nhưng điều này cũng không có nghĩa cố định tỷ giá, mà tùy vào nhiều yếu tố để NHNN điều hành chính sách tỷ giá trên nền tảng cơ chế tỷ giá hối đoái đã lựa chọn.
|
Thanh Thiên
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|