Thứ Hai, 25/02/2013 09:31

Lãi suất cho vay sẽ giảm

Vẫn có giải pháp hữu hiệu đưa lãi suất cho vay về mức 8%/năm.

Khởi sự mùa kinh doanh năm 2013, doanh nghiệp (DN) vẫn trông chờ lãi suất cho vay sẽ hạ. Thế nhưng mới đây đã xuất hiện lo ngại lãi suất cho vay khó giảm thêm.

DN đang mong chờ

Lo ngại trên của các DN xuất phát từ báo cáo tài chính quý IV-2012 của một số ngân hàng. Ngoài việc tăng mức trích lập quỹ dự phòng rủi ro cao nên lợi nhuận giảm, một số ngân hàng phải chịu lỗ sau hợp nhất.

Ngoài ra, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy lãi suất cho vay của ngành ngân hàng khá cao. Theo đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến lãi suất cho vay ở mức 11%-15%/năm đối với ngắn hạn, đối với trung và dài hạn là 14,6%-17,5%/năm. Còn huy động tiền gửi đầu vào kỳ hạn 12 tháng trở lên, nhiều ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất khoảng 10%-11%/năm, một số ngân hàng quy mô nhỏ thậm chí duy trì mức 12%/năm.

Như vậy, so với đợt NHNN giảm lãi suất điều hành lần cuối năm 2012, đến nay lãi suất cho vay ra vẫn bất động. Tiền vẫn bị nhốt lại. Ngành ngân hàng bung tiền ra nền kinh tế khá thấp, thể hiện qua mức tín dụng cả năm 2011.

Không giảm lãi vay, vốn sẽ ứ đọng

Về lo lắng lợi nhuận ngân hàng giảm có thể ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất cho vay, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, khẳng định sắp tới lãi suất cho vay sẽ giảm. “Ngay như Ngân hàng SHB đang tìm kiếm khách hàng để cho vay cơ mà. Hiện tại chúng tôi mở rộng đối tượng không chỉ cho DN mà cho cả cá nhân vay với lãi suất đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Còn việc dư luận soi báo cáo tài chính các ngân hàng quý IV-2012 vừa rồi có giảm lợi nhuận so các năm trước để nói rằng khó có cơ sở giảm lãi suất là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ ngân hàng giảm lợi nhuận là do phải trích lập dự phòng rủi ro chung, trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư… Còn lãi suất cho vay có giảm hay không phụ thuộc vào nguồn vốn huy động mà nguồn tiền ở thị trường (huy động tiền gửi dân cư và thị trường liên ngân hàng) đang khá dồi dào”.

Bớt lãi “khủng” vì trích lập dự phòng rủi ro sẽ khiến hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn

Tốc độ tăng trưởng tín dụng (cho vay) của ngành ngân hàng trong tháng 1 ở mức thấp, giảm 1,06% so với các năm trước trong khi huy động vốn lại tăng. Nghĩa là huy động tiền vào nhiều mà cho vay ra ít đang khiến tiền ứ đọng, làm chi phí của ngân hàng đội lên. Do đó các ngân hàng chỉ còn con đường giảm nhanh lãi suất cho vay mới mong cân bằng hoạt động tín dụng.

Trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành mới đây (ngày 11-2), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu giải pháp giúp đưa lãi suất cho vay về mức 8%/năm.

Theo VAFI, NHNN dễ dàng hạ được lãi suất cho vay xuống dưới mức 10%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn khoảng 8%/năm, tức lãi suất huy động VND sẽ ở mức 5%/năm vào thời điểm trước 30-6. Để làm được điều này, NHNN cần thực hiện hai giải pháp. Một là hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 1%/năm, sau đó là 0%/năm; kế đến là áp thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua vàng miếng và vàng trang sức ở mức 10% trên giá trị mua. Hai giải pháp này nhằm tiếp tục nâng cao vị thế đồng nội tệ, chống đôla hóa và hỗ trợ rất nhiều cho việc giảm nhanh mặt bằng lãi suất tiền gửi.

Ẩn số CPI

Một ẩn số liên quan đến việc giảm lãi suất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trước đó, Chính phủ rồi thống đốc NHNN cho biết lãi suất cho vay có giảm hay không còn phụ thuộc vào CPI, nhất là CPI quý I-2013 bởi đó là mùa tết.

Báo cáo của các bộ, ngành lên Thủ tướng trong buổi gặp đầu năm hôm 19-2 cho thấy CPI tháng 2 chỉ tăng 1,3%-1,4% so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo. Như vậy chỉ còn đợi CPI của tháng 3, đang là một thách thức liên quan đến giá xăng.

Mới đây Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố nhận định thời gian tới, nếu tăng giá xăng dầu lên 1.000 đồng/lít thì chỉ số CPI tháng 3 sẽ tăng thêm khoảng 0,12%-0,16%. Tính toán của VCSC còn dẫn ra khả năng giá xăng sẽ phải tăng 1.000-1.300 đồng/lít lên mức 24.150-24.450 đồng/lít (mức giá cao nhất từ trước đến nay để có thể hòa vốn).

Tuy nhiên, công ty này cũng dự báo một tình huống khác. Đó là Chính phủ có thể giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thêm 2%-4%. Với mức giảm thuế này, giá xăng chỉ cần tăng thêm 300-900 đồng khiến CPI tháng 3 chỉ tăng 0,05%-0,1%, mức tăng không đáng kể để ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất.

Lãi suất sẽ giảm nhưng không đáng kể

Sắp tới nếu NHNN chỉ đạo giảm lãi suất thì chúng tôi mới giảm. Vì hiện tại lãi suất huy động và cho vay không được vận hành theo cơ chế thị trường. Còn nói thật nếu để giảm lãi suất cho vay thì ngân hàng thương mại phải cơ cấu nhiều thứ như giảm lãi suất huy động đầu vào, căn cứ vào dòng tiền… rồi mới quyết định. Tuy vậy theo tôi, xu hướng sắp tới là lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng không nhiều.

Ông NGUYỄN THANH TOẠI, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB


Bùi Nhơn

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Thế chấp ảo, rút ruột ngàn tỷ thật (25/02/2013)

>   Tỉ giá không nên đuổi theo thị trường (25/02/2013)

>   Nợ xấu sẽ tăng đột biến (24/02/2013)

>   OCB dành 1.000 tỷ đồng cho vay tạm trữ lúa, gạo (23/02/2013)

>   Thủ tướng yêu cầu triển khai công ty quản lý tài sản (AMC) trong quý 1/2013 (23/02/2013)

>   Đầu năm nói chuyện tỷ giá và lãi suất (23/02/2013)

>   Vay tiền mua nhà quá khó! (23/02/2013)

>   Hút ròng hơn 50.000 tỷ đồng trên OMO tuần sau Tết (22/02/2013)

>   Nguyên Giám đốc phòng giao dịch KienLongBank dùng tiền giả mua đất (22/02/2013)

>   Lãi suất vay mua nhà xã hội 6%/năm (22/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật