Thứ Bảy, 23/02/2013 09:14

Vay tiền mua nhà quá khó!

Dù Nhà nước đã có chủ trương nới lỏng tín dụng cho bất động sản nhưng doanh nghiệp lẫn khách hàng của thị trường này vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất ưu đãi

Ngày 22-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Bị ngân hàng “siết”

Tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng nút thắt của thị trường BĐS từ năm 2008 đến nay là tồn kho và nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Châu, vẫn có những điểm sáng như căn hộ quy mô vừa và nhỏ hay dự án cao cấp đầu tư bài bản vẫn bán được hàng. “Vấn đề lo ngại hiện nay là doanh nghiệp BĐS vẫn còn phải vay vốn với lãi suất quá cao dẫn đến lợi nhuận teo tóp, thậm chí thua lỗ. Hiện ngân hàng huy động vốn 8%/năm nhưng chúng tôi phải vay với lãi suất 18%-19%/năm” - ông Châu phân tích.

“Lãi suất vay ngân hàng đang bóp chết doanh nghiệp. Vì vậy, cần có lãi suất ưu đãi cho người mua, cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ sản phẩm thì thị trường BĐS mới có thể ấm lại” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đề xuất.

Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hải Phòng, cho rằng nhà đầu tư đã tìm mọi cách để hạ giá thành nhưng giá BĐS còn chênh lệch rất lớn. Hệ số chênh lệch từ những giá trị BĐS được khảo sát so với thu nhập bình quân xã hội còn vượt 5-10 lần. Mức chênh lệch này là do nhiều nguyên nhân, trong đó, giá trị hình thành BĐS quá cao. Ông Thành lý giải trong cơ cấu giá thành của BĐS, thông thường, tỉ trọng tiền đất chiếm 30% là tối đa, lãi suất ngân hàng không quá 10%. Tuy nhiên trên thực tế, tổng hợp từ nhiều dự án, tiền đất chiếm đến 40%, thậm chí 50%-60% giá thành BĐS. Lãi suất vay ngân hàng có thời điểm chiếm tới 50% cơ cấu giá thành. “Do vậy, ngoài giải pháp về thủ tục hành chính, tiền đất và lãi suất vay cần được cải thiện sớm mới mong cứu được thị trường BĐS” - ông Thành kiến nghị.

“Thực tế, người thu nhập thấp không có các điều kiện như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập... nên cuối cùng nói là nới lỏng tín dụng nhưng chẳng ai vay được đồng nào...”- ông Thành nhận định.

Cần có lãi suất đặc biệt

Hiến kế cứu thị trường BĐS, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần tập trung vào những sản phẩm giá thấp. “Cần đạt được mục tiêu là giá nhà, đất phải phù hợp. Vì thế, cơ cấu dự án, sản phẩm phù hợp và đặc biệt là lãi suất cần hạ đến mức chấp nhận được, tài chính không tập trung vào tận thu. Đồng thời, Nhà nước cần có cam kết trong 2-3 năm tới, chính sách cho thị trường BĐS sẽ không thay đổi nhiều...” - ông Ánh đề xuất.

Lo ngại về vấn đề minh bạch thị trường BĐS cũng được nhiều thành viên trong ban chỉ đạo đặt ra và xem như một giải pháp quan trọng để lấy lại niềm tin đối với thị trường BĐS. “Minh bạch là yếu tố tạo niềm tin cho thị trường” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Một giải pháp quan trọng khác và cũng nhằm hướng đến đại bộ phận người dân đô thị có nhà ở, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, lãi suất vay phải thấp hơn nữa. “Có thể sẽ có lãi suất đặc biệt dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp mua nhà. Lãi suất có thể là 6%/năm, thời hạn vay đối với người mua nhà là 10 năm, đối với doanh nghiệp 5 năm. Ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2” - ông Dũng kiến nghị.

Tập trung giải quyết tồn kho

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận không chỉ BĐS, nhiều lĩnh vực kinh tế khác cũng rơi vào tình trạng bị thị trường “lôi đi”. Do vậy, Nhà nước phải can thiệp nhưng nếu can thiệp quá sâu lại dẫn đến hạn chế thị trường. Phó Thủ tướng yêu cầu các giải pháp cứu thị trường BĐS phải đồng bộ. Như vậy mới cải thiện thanh khoản, giải quyết tồn kho, thu hút vốn từ xã hội.

Về kiến nghị của Hiệp hội BĐS TPHCM, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết theo từng dự án, theo hướng linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thanh khoản, xử lý nợ xấu. “Cần minh bạch hơn nữa thông tin BĐS. Cơ chế tín dụng cho người mua nhà phải triển khai quyết liệt” - Phó Thủ tướng yêu cầu.


Bảo Trân

người lao động

Các tin tức khác

>   Hút ròng hơn 50.000 tỷ đồng trên OMO tuần sau Tết (22/02/2013)

>   Nguyên Giám đốc phòng giao dịch KienLongBank dùng tiền giả mua đất (22/02/2013)

>   Lãi suất vay mua nhà xã hội 6%/năm (22/02/2013)

>   Thế chấp nhà hình thành trong tương lai: Nỗ lực giải cứu bất động sản (22/02/2013)

>   Vốn vẫn tắc đầu ra (22/02/2013)

>   NHNN phối hợp với Bộ Công an xử lý tin đồn về tỷ giá (22/02/2013)

>   SHB: Năm 2012 bất ngờ từ lỗ chuyển sang lãi 27 tỷ đồng (22/02/2013)

>   Đôla ngân hàng xuống dưới 21.000 đồng (22/02/2013)

>   Bộ Công An vào cuộc tìm thủ phạm tung tin Chủ tịch BIDV bị bắt (22/02/2013)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói về điều hành tỷ giá (21/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật