Đầu năm nói chuyện tỷ giá và lãi suất
Đầu năm, các chuyên gia và đại diện DN đã trao đổi cùng DĐDN: TS Phạm Đỗ Chí - Cựu chuyên gia Kinh tế của Quỹ tiền tệ Quốc tế, ông Nguyễn Thanh Toại - P.TGĐ Ngân hàng Á Châu, ông Phạm Ngọc Hưng - P.Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, xung quanh các vấn đề đang được quan tâm trong những ngày khai xuân.
Vẫn có nguy cơ trượt giá VND
- Diễn biến gần đây trên thị trường giao dịch ngoại hối tự do đang cho thấy tỉ giá VND/USD có biến động. Một số các chuyên gia đầu năm cũng có nhận định rằng có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá 3-5%. Trước hết, xin hỏi TS Phạm Đỗ Chí quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Toại : Lãi suất, tỉ giá, cổ phần hóa DN hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng... đều nhất quán chính sách ít nhất 3 năm tới, đừng để “ăn đong” chính sách theo từng năm |
TS Phạm Đỗ Chí:
Phải nói ngay là trong năm 2012, việc điều hành tỷ giá của NHNN đã đạt được như ý nguyện. Về cơ bản, tỷ giá đã ổn định trong năm 2012 nhờ vào sự cải thiện lớn của cán cân thương mại, một phần phản ánh tình trạng đình đốn sản xuất và suy yếu của tổng cầu, mặt khác nhờ vào việc ngăn nhập vàng lậu do duy trì tính độc quyền của vàng miếng SJC và làm giảm nhu cầu các loại vàng phi SJC. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành tựu của năm đã qua và điều chúng ta lo ngại vẫn đang ở phía trước. Tôi cho rằng tỉ giá sẽ tiếp tục phải chịu nhiều áp lực phải điều chỉnh trong năm 2013.
- Ông có thể phân tích rõ hơn về những áp lực đó, thưa TS?
TS Phạm Đỗ Chí:
Một trong những yếu tố tạo áp lực đối với tỉ giá mà chúng ta có thể thấy ngay là trong năm 2013 và cả trong vài năm tới, nhu cầu tài trợ ngân sách thúc đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ có thể đưa đến lạm phát hai con số trở lại. Cộng hưởng với chính sách quản lý thị trường vàng thiếu hợp lý khiến giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế quá xa (khoảng xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng) trong nhiều tháng qua cũng đang có nguy cơ dẫn đến nhu cầu nhập vàng lậu để làm vàng nhẫn, qua đó sẽ gây áp lực trên tỉ giá. Điều này sẽ có thể đưa mức trượt giá mới của VNĐ một cách nghiêm trọng.
- Ở góc độ quản lý nhà băng, thưa ông Nguyễn Thanh Toại, ông có phân tích nào khác?
TS Phạm Đỗ Chí : DN hay người dân đều nên kỳ vọng thị trường ở mức độ vừa phải cũng như kỳ vọng lãi suất ở mức độ hợp lý |
Ông Nguyễn Thanh Toại:
Tôi thận trọng hơn đối với vấn đề này, bởi có điều chỉnh tỉ giá hay không, sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách và định hướng điều hành vĩ mô nói chung, tiền tệ nói riêng của Chính phủ. Về căn bản, điều đó phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng, nới lỏng thận trọng hay tiếp tục siết chặt linh hoạt. Nói một cách nôm na, nếu nới lỏng tiền tệ quá mức, chẳng hạn như bơm tiền ra để giải cứu bất động sản, lãi suất sẽ tăng lên, áp lực đối với CPI tăng và tỷ giá cũng khó tránh nguy cơ điều chỉnh. Hơn nữa, việc ổn định cán cân thanh toán theo xu thế liên tục xuất siêu như đã làm được trong mấy tháng qua thực tế ta cũng khó chủ động và nắm giữ hoàn toàn được.
Trông đợi các biện pháp cải cách
- Nói như vậy, trên cơ sở tiếp cận trực tiếp với các DN – người đi vay chính của ngân hàng - theo ông thì DN kỳ vọng điều gì nhất trong điều hành chính sách của Chính phủ ttrong năm 2013?
Ông Nguyễn Thanh Toại: Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với nhất DN trong năm 2013 đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu chỉ nhìn riêng về chính sách tiền tệ thì đã hết dư địa, đã đi hết các “bài” về thắt chặt tín dụng, giảm lãi suất... Do đó, chỉ dựa vào chính sách tiền tệ như năm 2012 thì nền kinh tế nói chung sẽ khó thoát khỏi tình trạng hiện tại và DN cũng khó thoát khỏi khó khăn, ít có cơ hội kinh doanh. Có thể nói đối với DN và người dân nói chung, kỳ vọng ổn định kinh tế vĩ mô cũng đồng nghĩa với kỳ vọng Chính phủ sẽ thực thi những biện pháp đã đề ra trong năm 2012 nhưng chưa thực hiện như đảm bảo cải cách, tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, cải cách đầu tư công, chi tiêu công… và kèm theo là một loạt các vấn đề đã đề ra khác. Khi các biện pháp cải cách đã thực sự thực thi thì DN mới có kỳ vọng và tin hơn vào triển vọng ổn định của nền kinh tế, qua đó nỗ lực tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tốt hơn. Tôi cho rằng năm 2013, chính sách tiền tệ không có nhiều vai trò trong việc nâng đỡ DN.
- Ở đây, chúng ta có đại diện của Hiệp hội DN, cũng là một nhà quản lý DN. Thưa Luật sư Phạm Ngọc Hưng, năm 2012 đã khép lại với biến động về lãi suất nhưng lại khá bình yên về tỉ giá. Ông có cho rằng DN vẫn mong kịch bản giảm lãi suất và tỉ giá ổn định sẽ lặp lặp trong năm nay?
Ông Phạm Ngọc Hưng : Tôi cho rằng năm 2013, chính sách tiền tệ không có nhiều vai trò trong việc nâng đỡ DN. |
Ông Phạm Ngọc Hưng: Phải nói là năm 2012, chính sách tiền tệ đã được điều hành tốt: Tỉ giá ổn định kéo dài, tránh biến động và tạo được niềm tin cho DN, lãi suất đến cuối năm chỉ còn 8%...
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có những vấn đề: Dù VND/USD ổn định, thực tế đồng USD so với một số đồng tiền khác vẫn có sự trượt giá, do đó VNĐ cũng trượt giá so với các đồng tiền khác. May là DN xuất nhập khẩu chủ yếu ký kết hợp đồng thanh toán bằng USD nên ít nhìn thấy vấn đề này. Ngoài ra, việc can thiệp thị trường vàng khiến giá vàng trong nước chênh lệch thế giới cũng đang đẩy tỉ giá lên cao, tính đến thời điểm những ngày sau Tết âm lịch và chưa biết sẽ còn lên tới đâu.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của DN để đáo hạn nợ vay cũng tạo áp lực lên thị trường… Dù vậy, trước quan điểm có nên điều chỉnh tỉ giá, nhất là hỗ trợ cho DN xuất khẩu, tôi cho rằng nếu nhìn tổng thể các bộ phận DN thì chưa hẳn tất cả đều mong đợi điều này. Hơn nữa, thực tế việc xuất khẩu của VN chủ yếu vẫn là gia công nên nói điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ chưa hẳn đã hoàn toàn là có lợi. Phá giá không khéo sẽ kéo theo lạm phát, mất ổn định vĩ mô. Nhưng không phá giá 1-2% thì khó cân đối thị trường ngoại hối chính thức và giao dịch “chợ đen”.
- Có vẻ như tỉ giá hay lãi suất cũng chưa phải là điều DN lo lắng nhất?
Ông Phạm Ngọc Hưng:
Đúng vậy. Thật ra tỉ giá hay lãi suất đều phản ánh phần nào một góc sức khỏe nền kinh tế và trực tiếp tác động tới DN. Ví dụ lãi suất của ta hiện nay không còn cao nhưng DN tiếp cận được tín dụng vay trên dưới 10% thì có bao nhiêu? DNNVV gần như rất ít cơ hội tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, thị trường nội địa hiện tại vẫn đang rất yếu sức mua. Mùa Tết mà DN vẫn làm ăn khó khăn là một minh chứng. Thị trường tương lai thì đang mở ra nhiều thách thức khi các rào cản thương mại trong khu vực Asean, Trung Quốc hoàn toàn dỡ bỏ vào năm 2015. Có thể nói là DN đang lo lắng về ổn định vĩ mô, về thị trường nhiều nhất. Ổn định vĩ mô sẽ khiến người dân bớt tiết kiệm tiêu dùng, DN mới có cơ hội làm ăn.
- Vậy ông nhìn nhận ra sao về cơ hội kinh doanh của DN khu vực TP HCM, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Hưng:
Năm 2012, tăng trưởng GDP của TP HCM tăng 1,8 lần so với các thành phố khác trong cả nước. Những năm trước, mức tăng đó chỉ khoảng 1,5 lần. Nói như vậy để thấy dù khó khăn, TP HCM vẫn còn rất nhiều cơ hội làm ăn, nhất là với những DN năng động, biết chọn sản phẩm phù hợp với thị trường.
Có thể nói là những DN đã thực thi tái cấu trúc (bên cạnh những DN đã “chết”), tập trung sản phẩm chủ lực, không đầu tư tràn lan, xốc lại năng lực quản trị, cơ cấu lại tài chính DN.., có sự chuẩn bị thì đều có thể tận dụng cơ hội kinh doanh trong năm 2013 với chi phí thấp. Ví dụ một số DN gỗ có thể thuê nhà xưởng mở rộng đầu tư từ nhà xưởng của các DN tạm ngưng SXKD. Một số DN thực phẩm khai triển được thị trường mới, điển hình như Sài Gòn Food từ tập trung thị trường nội địa, nay khai thác thêm thị trường Nhật hay Cty Xuất nhập khẩu Thủy sản Tài nguyên chuyển từ châu Âu về thị trường Nhật Bản...
Nói tóm lại, tùy năng lực quản lý và tính năng động của DN mà cơ hội sẽ đến với DN. Tôi cho rằng DN không thể ngồi trông đợi biến chuyển vĩ mô vì các chính sách nhìn chung rất chậm, hiệu quả thực thi không cao.
- Ở CTCP Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, nơi ông đang là Phó Tổng giám đốc, lãi suất và tỉ giá có là những yếu tố tác động lớn đến hoạt động DN?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Tất nhiên chúng tôi cũng không tránh được tác động. Chúng tôi có mảng dịch vụ du lịch rất lớn, chủ yếu phục vụ tour du lịch nước ngoài, tức thu tiền đồng của khách hàng, đổi ra ngoại tệ mua dịch vụ phục vụ khách hàng. Do đó, nếu tỉ giá điều chỉnh chúng tôi sẽ gặp bất lợi. Trong khi đó, các DN phục vụ du lịch nước ngoài vào VN thì ngược lại, họ sẽ mong tỉ giá lên để đồng tiền họ thu được sẽ tăng giá. Nói cách khác, việc điều chỉnh tỷ giá hay không sẽ không thể chỉ căn cứ vào mong đợi của một bộ phận DN vì họ sẽ có những kỳ vọng riêng, mà Nhà nước cần cân đối với chính sách vĩ mô sao cho kinh tế vĩ mô ổn định, tránh lạm phát trở lại.
Tự xét năng lực, kỳ vọng... hợp lý và tự điều chỉnh mình!
- Như vậy, theo các ông, năm nay, DN nên lưu ý gì trong kế hoạch vay vốn bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới?
TS Phạm Đỗ Chí: Tôi muốn nhấn mạnh về một vấn đề vẫn đang được tranh cãi là nên cứu hay không cứu bất động sản tại thị trường VN. Theo tôi, bất kỳ chính sách nào nhằm vực dậy thị trường này cũng sẽ liên đới tới lãi suất và một sự kéo giảm lãi suất quá nhanh cũng không thể kích thích thị trường này vận động ngay trở lại, trừ phi cung tiền ồ ạt bung ra và đó là điều không thể xảy ra. Do đó, DN hay người dân đều nên kỳ vọng thị trường ở mức độ vừa phải cũng như kỳ vọng lãi suất ở mức độ hợp lý. Qua đó, sẽ cho DN cơ sở thực tiễn hơn để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình năm mới, cũng như các quyết định vay vốn bằng tiền đồng hay ngoại tệ, thay vì lạc quan hay bi quan thái quá.
Ông Phạm Ngọc Hưng: Các DN phải tự điều chỉnh mình, từ mặt bằng sản xuất kinh doanh, công tác quản trị DN và đặc biệt là công tác dự báo. Hầu hết DN Việt đang thiếu sự quan tâm đối với việc đưa các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất và quản trị. Bên cạnh đó, chúng tôi - các DN - đều mong Nhà nước nên có chính sách điều hành vĩ mô dài hạn. Lãi suất, tỉ giá, cổ phần hóa DN hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… đều nhất quán chính sách ít nhất 3 năm tới, đừng để “ăn đong” chính sách theo từng năm. Một nền kinh tế với chính sách vĩ mô ổn định và dài hạn, căn cơ thì DN mới làm ăn được.
Ông Nguyễn Thanh Toại: DN không nên chỉ nhìn vào các con số thống kê được công bố mà phải xem xét kỹ điều kiện và năng lực kinh doanh của mình trước. Nói cách khác là không nên kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống sâu hơn và theo đó mở rộng đầu tư tràn lan. Năm 2013, DN phải nhanh nhạy bám sát từng biến động vĩ mô, biến động của môi trường. Còn nếu nhìn trên bình diện rộng và tổng quan của toàn nền kinh tế, lại vẫn cần một “sợi dây” cẩn trọng để giữ chân tránh trượt ra khỏi vùng đất an toàn.
- Xin cảm ơn các ông!
Lê Mỹ
thực hiện
Diễn đàn DN
|