Sẽ IPO Vinatex vào ngày 1-7-2013
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) hiện tại tập đoàn đang chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 1-7 năm nay.
Ông Vũ Đức Giang
|
Sau rất nhiều lần trễ hẹn cổ phần hóa thì liệu năm 2013 kế hoạch này Tập đoàn Dệt May có thực hiện được không, thưa ông?
- Ông Vũ Đức Giang: Hiện tại công tác chuẩn bị đang đi đến các công đoạn cuối cùng. Chúng tôi cũng đã có lộ trình cụ thể cho công tác công bố. Trong đó, thời điểm bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến vào ngày 1-7-2013. Hiện tại tập đoàn đang đàm phán chọn đối tác chiến lược nước ngoài, trong đó, một số nhà đầu tư từ Nhật Bản cũng đang có ý định tham gia góp vốn vào tập đoàn. Hiện vẫn còn rất nhiều thủ tục cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nên chúng tôi chưa thể công bố sớm các bước cụ thể của lộ trình này.
Kết quả kinh doanh của tập đoàn năm 2012 liệu có khả quan để mời gọi nhà đầu tư tham gia góp vốn?
- Tôi cho rằng Vinatex vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả trong năm 2012. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,2 triệu đô la Mỹ, tăng 16% so với năm 2011, chủ yếu tập trung vào các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác, trong đó có Trung Quốc. May mặc vẫn là cốt lõi, sản phẩm thứ hai là sợi. Việt Nam hiện tại là quốc gia xuất khẩu lớn về sợi, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012 khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Các sản phẩm khác như nguyên, phụ liệu cũng đóng góp một phần.
Nhưng về nguyên phụ liệu thì Việt Nam vẫn nhập là chính, thưa ông?
- Đúng. Chúng ta vẫn là nước nhập khẩu nguyên phụ liệu là chính. Dù xuất khẩu khoảng 17,2 tỉ đô la Mỹ nhưng chúng ta phải nhập khẩu các sản phẩm về vải và phụ liệu, chiếm khoảng 9 tỉ đồng. Như vậy, thặng dư thương mại còn khoảng 8 tỉ đô la Mỹ. Ngành dệt may Việt Nam vẫn gia công là chủ yếu nên con số nhập khẩu nguyên phụ liệu như vậy là hợp lý.
Kim ngạch xuất khẩu tăng, có phải một phần là do giá các sản phẩm xuất khẩu tăng cao?
- Tôi cho rằng yếu tố giá có ảnh hưởng, nhưng chỉ ở một số lĩnh vực, một số mặt hàng. Còn nguyên nhân chính là do năm nay sản lượng xuất khẩu tăng, vì thực tế, nhiều mặt hàng có giá bằng với năm 2011, còn có một số mặt hàng giảm giá, trong bối cảnh thị trường quốc tế khó khăn.
Còn trong năm 2013, những khó khăn của kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến hoạt động của ngành dệt may không, vì thế mạnh của ngành này vẫn là xuất khẩu?
- Kinh tế thế giới năm sau vẫn sẽ tiếp tục trì trệ, dệt may sẽ tiếp tục gặp khó vì sức mua của người tiêu dùng trên thế giới cũng chưa tăng nhiều. Tuy vậy, tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sau khi có các bài học kinh nghiệm của các năm qua, đã tự tái cấu trúc, tự chèo lái, nên sẽ tiếp tục tồn tại được. Vinatex đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 19-19,5 tỉ đô la Mỹ, (tăng 13,4% so với năm 2012) và khả năng Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ năm về xuất khẩu dệt may trên thế giới.
Ông nói vẫn khó khăn, nhưng tập đoàn vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2013, liệu có đạt được?
- Tôi cho rằng có 3 yếu tố hỗ trợ cho mục tiêu này. Đó là Vinatex có hệ thống quản trị, công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng hiện đại hơn. Đồng thời việc mở rộng hoạt động sản xuất ra các tỉnh của nhiều công ty cũng sẽ giúp cho khách hàng tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra các sản phẩm nhanh, thực hiện được các đơn hàng lớn và giá cả cạnh tranh được. Bên cạnh đó việc chính trị ổn định cũng là yếu tố khiến khách hàng quan tâm nhiều đến ngành dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đang có các hiệp định thương mại hỗ trợ tốt cho ngành như TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) và hiệp định thương mại đang đàm phán với châu Âu. Đây là vấn đề quan trọng, vì những hiệp định này sẽ có tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư và hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thanh Hương
TBKTSG
|